Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những ứng viên đặt câu hỏi

Trong một buổi phỏng vấn, thông thường nhà tuyển dụng là người đặt câu hỏi còn người ứng tuyển sẽ trả lời. Tuy nhiên, theo chị Phạm Phương Thu, xu hướng phỏng vấn đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Các ứng viên trẻ ngày càng năng động và mạnh dạn hơn, thể hiện được sự tự tin và chủ động trong buổi phỏng vấn. Việc các ứng viên tham gia vào cuộc phỏng vấn một cách tích cực, không chỉ giúp các bạn hiểu rõ hơn về công ty, về vị trí đang ứng tuyển, mà còn thể hiện sự quan tâm và tinh thần chủ động. Điều này sẽ gây ấn tượng rất mạnh mẽ đối với bất kỳ nhà tuyển dụng nào.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự và cũng tham gia nhiều buổi phỏng vấn các bạn trẻ, chị Phương Thu từng rất ấn tượng với một bạn đã chủ động đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. “Bạn ấy là một ứng viên marketing và bạn ý phân tích rất kỹ trang web của bên mình, đặt câu hỏi tại sao cái này, tại sao cái kia. Khi bạn ý đặt câu hỏi và mình giải thích thì hai bên cùng tìm ra giải pháp mà ngay cả trước khi đến buổi phỏng vấn bạn ý cũng chưa nghĩ ra và ngay cả trước đó mình cũng chưa nghĩ đến. Thực ra đó là một cuộc đối thoại hai chiều và là có cơ hội để cả hai bên cùng phát triển”, chị Thu chia sẻ.

Việc các bạn trẻ đặt câu hỏi ngược lại trong một buổi phỏng vấn là dấu hiệu tích cực, không chỉ mang lại lợi ích cho các bạn mà còn mang lại lợi ích cho nhà tuyển dụng để có thêm cơ hội tìm hiểu và tìm kiếm được nhân tố phù hợp và tiềm năng. “Một ứng viên mà biết đặt câu hỏi đúng cách sẽ được đánh giá là người có tư duy logic, sáng tạo và sẵn sàng tham gia vào văn hóa của công ty.”

Luôn tìm hiểu trước và đặt câu hỏi một cách có chủ ý

Khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, nên đặt câu hỏi mang tính chất gợi mở và có sự tìm hiểu trước thay vì những câu hỏi như “ai?”, “như thế nào?”. Chị Phương Thu gợi ý một số chủ đề các bạn trẻ có thể tham khảo.

Thứ nhất, bạn có thể đề nghị chia sẻ rõ hơn về công việc, về những lưu ý hay kỳ vọng về vị trí bạn đang ứng tuyển. Bạn có thể hỏi các tiêu chí nào được sử dụng để đánh giá thành công trong vai trò này. Bạn cũng có thể đề cập từ mục tiêu của công ty đến mục tiêu của cá nhân bạn. Câu hỏi về lộ trình thăng tiến cũng làm cho bạn thể hiện bạn là một người ham học hỏi và có ý chí phấn đấu hoặc bạn có thể hỏi về các chương trình đào tạo, công ty có thể cung cấp các chương trình đào tạo như thế nào, hỗ trợ cho kỹ năng phát triển của nhân viên không.

Thứ hai, bạn có thể hỏi về văn hoá của công ty. Điều này thể hiện bạn mong muốn có sự gắn bó lâu dài. Bạn cũng có thể hỏi về những hoạt động văn hóa mà công ty có thể tổ chức để gắn kết nhân viên.

Thứ ba, bạn có thể đặt những câu hỏi quan tâm về việc đánh giá hiệu suất và phản hồi trong công ty. Ví dụ, công ty có chính sách về đánh giá hiệu suất không và phản hồi của công ty đối với mỗi cái thành tích của nhân viên như thế nào. Việc đặt câu hỏi không chỉ giúp các bạn có thêm thông tin cần thiết mà còn thể hiện sự nghiêm túc và quan tâm của các bạn đối với công việc.

“Đừng ngại hỏi những điều mà các bạn thực sự quan tâm vì điều này cũng giúp các bạn quyết định xem công ty có phù hợp với mình hay không”, chị Phương Thu nhấn mạnh.

Những tip giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng

Việc đặt câu hỏi ngược lại rất quan trọng. Tuy nhiên cần lưu ý tránh những câu hỏi không phù hợp có thể gây ấn tượng xấu hoặc mất thiện cảm với nhà tuyển dụng.

Các bạn không nên đặt câu hỏi quá sớm về lương và phúc lợi. Khi mới bắt đầu buổi phỏng vấn các bạn đã hỏi ngay về vấn đề này có thể sẽ gây mất thiện cảm đối với nhà tuyển dụng. Câu hỏi mang tính chất tiêu cực hoặc chỉ trích cũng không phải là lựa chọn sáng suốt. Ví dụ “Tôi nghe nói công ty có vấn đề này, điều đó có đúng hay không?”.

Bạn cũng cần tránh những câu hỏi có tính chất cá nhân hoặc không liên quan đến công việc. Trước buổi phỏng vấn bạn cần tìm hiểu thật kỹ vì nếu bạn đặt những câu hỏi mà dễ dàng tìm kiếm thông tin thì nhà tuyển dụng sẽ khó đánh giá cao bạn.

Chị Phương Thu cũng chia sẻ thêm, thời điểm để đặt câu hỏi và quan tâm đến thái độ của nhà tuyển dụng là điều rất quan trọng. Hãy đặt câu hỏi đúng chỗ và đặt câu hỏi một cách súc tích, tôn trọng nhà tuyển dụng. Việc đặt câu hỏi thông minh và phù hợp không chỉ giúp các bạn hiểu rõ hơn về công việc mà còn thể hiện sự quan tâm của các bạn và khả năng tư duy của chính mình. Điều này giúp các bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng và tạo ấn tượng tốt ban đầu.

Một điểm nữa, luôn luôn mỉm cười hoặc ánh mắt tạo sự quan tâm, khi đặt câu hỏi thì bạn chú tâm nhìn thẳng người đang phỏng vấn bạn, đây cũng là những lưu ý quan trọng trong mỗi buổi phỏng vấn.

Các bạn đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm và chuẩn bị cho vòng phỏng vấn hãy tham khảo những tư vấn của chị Phạm Phương Thu: