Trường học linh hoạt chuyển trạng thái khi có F0

Sau gần 2 tuần đón học sinh trở lại trường học tập trực tiếp, trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) ghi nhận gần 80 học sinh và 3 giáo viên dương tính với SARS-CoV-2. Việc số ca mắc Covid-19 trong học sinh tăng nhanh kéo theo đó là số lượng F1 nhiều khiến cho việc tổ chức lớp học gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh cho biết, việc khoanh vùng những trường hợp F1 là cả một vấn đề.

“Cứ mỗi một hôm thêm 1-2 lớp chuyển sang học trực tuyến và 1-2 lớp lại được đi học trực tiếp. Tình trạng on-off diễn ra thường xuyên. Đặc biệt thời điểm này có 3 thầy cô giáo là F0 và một số thầy cô giáo là F1 khi trong gia đình có người F0. Do vậy, việc sắp xếp lịch học, thời khóa biểu rất đa dạng, phức tạp”, thầy Cường cho biết.

(Học sinh trường THCS Thái Thịnh học trực tiếp trong khi giáo viên dạy trực tuyến)

Việc phát sinh nhiều F0, F1 khiến cho việc tổ chức lớp học theo thầy giáo Nguyễn Cao Cường là chưa có trong tiền lệ khi có giáo viên phải ở nhà dạy trực tuyến cho học sinh ngồi học trực tiếp trên lớp; Có giáo viên vừa dạy tiết một trực tiếp sau đó tiết hai chuyển sang phòng học khác để dạy trực tuyến (và ngược lại).

“Rất may nhà trường đã có những biện pháp, kịch bản từ trước Tết Nguyên đán nên không quá bị động”, thầy Cường cho biết.

Trong khi đó theo bà Phạm Thị Mai Hoa, Phó Hiệu trưởng trường THCS Thăng Long (Hà Nội) sau gần 2 tuần đón học sinh đi học trực tiếp, số lượng F0, F1 tăng lên và đặc biệt là có sự lây nhiễm trong lớp học.

“Tuy nhiên, số lượng F0 tăng đầu tiên không phải xuất phát trong trường học mà các con có mầm bệnh xuất phát từ gia đình và hiện tại trường học của chúng tôi có trên 50 trường hợp là F0 trong đó bao gồm cả F0 lây ở nhà và F0 lây bạn ở lớp, đồng thời có 116 học sinh là F1”, bà Phạm Thị Mai Hoa cho biết.

Để xử trí các trường hợp học sinh mắc Covid-19 trong trường học, bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, nhà trường sẽ thực hiện quy trình linh hoạt trên tinh thần khoanh vùng hẹp nhất có thể.

Để hoạt động dạy và học không bị gián đoạn, mỗi khối lớp, trường THCS Nguyễn Du bố trí một lớp dạy học trực tuyến với camera 360 độ để phục vụ công tác giảng dạy cho những học sinh không thể đi học do F1, F0.

Mặc dù chuẩn bị nhiều phương án khác nhau nhưng bà Nguyễn Thị Lý thừa nhận việc tổ chức dạy học trong khoảng thời gian này khá khó khăn. Ví dụ phụ huynh, giáo viên có thể báo trường hợp học sinh mắc Covid-19 hay nghi ngờ mắc bất kỳ lúc nào, nhà trường ngay lập tức sẽ phải có biện pháp xử trí; Rồi kiểm tra sĩ số học sinh cũng phức tạp, kỹ càng hơn vì tồn tại song song hai hình thức on-off, có thể học sinh báo đi học nhưng lại không đi học, báo học online nhưng lại không vào lớp.

“Dạy học trong bối cảnh này giáo viên phải làm việc cật lực từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Thậm chí, buổi chiều vẫn dạy online để bổ sung kiến thức cho một nhóm học sinh. Đặc biệt là việc phải dạy trong điều kiện phải đeo khẩu trang khiến cho giáo viên rất dễ mất sức”, bà Nguyễn Thị Lý chia sẻ.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn xong Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh cùng nỗ lực, sớm thích nghi để thời gian tới có thể tổ chức dạy và học cả ngày.

Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng, dù tỷ lệ học sinh mắc Covid-19 của nhà trường tăng mạnh nhưng điều đáng mừng là đến nay tất cả học sinh, giáo viên mắc Covid-19 đều chỉ có triệu trứng nhẹ và đang được điều trị tại nhà.

“Hầu hết các em chỉ sau 5-7 ngày đều âm tính trở lại, hồi phục sức khỏe tốt. Đây cũng là sự động viên và cũng là căn cứ để chúng ta quyết tâm mở cửa trở lại bền vững”, ông Nguyễn Cao Cường nhấn mạnh.

Không nên lấy một vài trẻ có hiện tượng “hậu Covid-19” để gán ghép cho tất cả trẻ em.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) toàn ngành ghi nhận: 162.917 cán bộ, nhân viên, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm COVID-19 (trong đó cán bộ, giáo viên: 27.677 người; trẻ em, học sinh-sinh viên: 135.244 em).

Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm Covid-19 tăng mạnh gồm: Hải Phòng 9.649 ca, Hà Tĩnh 675 ca, Nghệ An 298 ca, Thanh Hoá: 2.359 ca...

Thực tế này dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến vì phát hiện có ca F0 trong cán bộ, giáo viên và học sinh. Một số ít địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học đến trường.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên VOV2, chuyên gia dịch tễ, Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, việc học sinh mắc Covid-19 tăng nhanh sau khi tổ chức đi học trực tiếp trở lại cần phải đánh giá lại vì rất có thể nguồn lây chủ yếu từ gia đình học sinh chứ không hẳn do đi học mà bị nhiễm bệnh.

“Khi xác định sống chung với Covid-19 thì việc cho học sinh đi học trở lại cũng là hình thức hòa nhập xã hội. Do vậy, khi trẻ đi học thì việc xuất hiện F0 trong trường học là điều hết sức bình thường. Ngành giáo dục và ngành y tế đã có những hướng dẫn cụ thể, chúng ta không nhất thiết coi tất cả trẻ học chung lớp là F1. Khi có trẻ dương tính với Covid-19 chỉ cần khoanh vùng nhỏ nhất có thể. Đặc biệt, khi có F0 trong lớp thì làm sao để học sinh, giáo viên hết sức bình tĩnh, thực hiện đúng các hướng dẫn”, Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Trước thông tin cảnh báo, trẻ bị nhiễm Covid-19 có thể để lại những di chứng nặng nề, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, không nên lấy một vài trẻ có hiện tượng “hậu Covid-19” mà gán ghép cho tất cả trẻ em khác đều bị hiện tượng đó.

“Hiện tượng hậu Covid-19 ở trẻ nhỏ là không phải phổ biến và nếu có thì cũng dễ phát hiện, điều trị cũng không quá khó khăn. Hiện nay, hiện tượng hậu Covid-19 ở người lớn nặng hơn nhiều trẻ em”, bác sĩ Khanh cho biết.

Chuyên gia dịch tễ, bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng tái khẳng định, rủi ro khi học sinh nghỉ học vì Covid-19 lớn hơn rất nhiều so với việc cho học sinh đi học trở lại trường.