Một trong những vấn đề làm “nóng” buổi gặp gỡ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non, phổ thông liên quan đến thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Dạy học tích hợp còn nhiều bất cập

Phát biểu từ đầu cầu Nha Trang, cô Hoàng Hải Vân, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, TP. Khánh Hòa cho biết, việc dạy học tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý ở bậc THCS còn nhiều bất cập. Nguyên nhân là do giáo viên được đào tạo chỉ dạy từng môn. Việc bồi dưỡng cho giáo viên dạy tích hợp chưa hiệu quả. Trong khi đó, bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp là yêu cầu của chương trình nhưng không có chính sách hỗ trợ kinh phí giáo viên khi tham gia bồi dưỡng các nội dung này.

Là giáo viên nhưng cũng là một phụ huynh, cô Vân cho rằng việc lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 còn khó khăn. Hơn nữa, lựa chọn tổ hợp cũng khiến việc chuyển trường của học sinh là một trở ngại.

Cô Vân băn khoăn, tới đây, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH – CĐ, thi HSG ở các cấp sẽ được tổ chức như thế nào với các em học theo chương trình mới ?

Tương tự, cô Hoàng Thị Thu Hương, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hòa Bình, huyện Văn Quan, Lạng Sơn mong muốn Bộ trưởng chỉ đạo các vụ liên quan hướng dẫn tổ chức thi HSG các môn tích hợp bằng bài thi đơn lẻ hay bài thi theo nội dung tích hợp.

Cô giáo này cũng cho biết, trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 cho thấy, môn tiếng Trung chưa có SGK theo chương trình này. Đồng thời đề nghị, Bộ GD-ĐT sớm tổ chức biên soạn sách.

Sẽ xem xét quyết định điều chỉnh môn tích hợp?

Trao đổi với các giáo viên về những băn khoăn khi triển khai chương trình GDPT mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, môn học tích hợp và liên môn là điểm mới trong Chương trình GDPT 2018. Khi thiết kế chương trình, Bộ đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đã căn cứ để đưa chương trình với mục tiêu phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.

Tuy nhiên, thực tế triển khai còn nhiều vướng mắc. “Dạy học tích hợp là khó khăn nhất trong triển khai chương trình GDPT 2018 trong những năm vừa qua. Chúng tôi thấy thực sự đây là điểm vướng, điểm nghẽn, điểm khó. Cũng có những nhà giáo đủ năng lực đã dạy được các hợp phần nhưng phần nhiều vẫn chia ra theo ra thành các hợp phần riêng, mảnh kiến thức riêng”.

Ngoài ra, SGK vẫn đang biên soạn với các phần riêng biệt. Đặc biệt, với giáo viên vùng sâu xa mặc dù đã được tập huấn nhưng việc đảm nhiệm dạy tích hợp là thách thức lớn.

Bộ trưởng cho biết, căn cứ vào thực tế triển khai, lãnh đạo Bộ GD-ĐT trong thời gian ngắn sắp tới sẽ quyết định xem xét có thể điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp bậc ở THCS.

“Có thể sẽ vẫn kiên trì dạy tích hợp ở bậc tiểu học vì từ trước vẫn làm và việc này đã làm tốt và thông lệ thế giới. Nhưng tiêng với THCS, chúng tôi sẽ tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia, cân nhắc kỹ lưỡng và khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh trong thời gian tới".

Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, việc điều chỉnh sẽ cân nhắc để không xáo trộn, ảnh hưởng đến sử dụng đội ngũ giáo viên và những năng lực của giáo viên đã được chuẩn bị trong thời gian vừa qua. Việc điều chỉnh sẽ thuận lợi hơn và tốt hơn cho triển khai Chương trình GDPT 2018, không ảnh hưởng đến đích đầu ra của đổi mới.

Bộ GD-ĐT sẽ xin ý kiến nhà giáo hướng điều chỉnh thế nào cho phù hợp với thực tiễn. "Sự điều chỉnh này nếu có sẽ là sự thay đổi chương trình lớn phù hợp với thực tiễn", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Chương trình GDPT 2018 được đánh giá tốt, khoa học, có tính thực tiễn, tiên tiến. “Tuy nhiên, thực hiện là cả quá trình. Khi thấy chưa thực sự phù hợp thì chúng ta sẵn sàng dũng cảm điều chỉnh”.

Về phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025, Bộ trưởng cho biết sẽ có một số điều chỉnh nội dung, câu hỏi. Theo đó, nội dung thi bước đầu phù hợp với Chương trình GDPT 2018.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, học sinh tốt nghiệp năm 2025 đã được học chương trình bậc trung học ở lớp 10, 11, 12 thuộc chương trình mới nhưng là lứa học sinh chưa trải nghiệm đầy đủ toàn bộ chương trình GDPT mới. Do đó, cần có khoảng thời gian để có những lớp học sinh được hưởng thụ đầy đủ chương trình GDPT 2018.

Do đó, việc điều chỉnh phương án thi 2025 sẽ không gây bất ngờ, sốc với phụ huynh học sinh. Trong quý 4 năm 2023 phương án thi tốt nghiệp 2025 sẽ được công bố theo kế hoạch.

Nhà giáo phải tự đổi mới

Phát biểu kết luận buổi gặp gỡ các giáo viên sáng nay, Bộ trưởng chia sẻ, từ khi nhận nhiệm vụ vào đầu năm 2021, ông đã mong muốn một ngày có thể gặp mặt rộng rãi toàn thể giáo viên trong ngành để cùng nhau chia sẻ, trao đổi về công việc.

“Vì tôi hiểu một cách sâu sắc rằng, nguồn lực quan trọng nhất của giáo dục là nhà giáo, nhân tố quyết định thành công chất lượng giáo dục là nhà giáo”.

Theo Bộ trưởng, thời điểm này lực lượng nhà giáo có gần 1,6 triệu, cả giáo viên mầm non, phổ thông, thường xuyên, CĐ-ĐH và các tổ chức giáo dục khác. Việc phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Qua buổi gặp gỡ, Bộ trưởng bày tỏ một số mong đợi với các nhà giáo như cần thực hiện thật tốt Chương trình GDPT 2018. Phải xem đây là cơ hội của ngành bởi chương trình rất nhiều cái mới mà sự tiếp nhận của cái mới không mấy dễ dàng. "Dù chương trình mới còn điểm này, điểm khác phải điều chỉnh nhưng nhìn chung chương trình được đánh giá là mới, hiện đại, là chỗ dựa cho thay đổi giáo dục, chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực".

Để thực hiện đổi mới, điều kiện quan trọng đầu tiên là lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới. Bộ trưởng cho rằng, điều này ai cũng có thể làm được, vấn đề có dám làm hay không.

“Cái gì mới chưa biết, chưa hiểu, chưa thuần thục cùng tìm hiểu. Chúng ta thống nhất, đổi mới là một quá trình, không thể quá vội vàng, phải từng bước, nhất là phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Cần tiến hành từng bước, sau 3-4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mình mà chưa thấy mình khác so với trước có nghĩa là giáo dục chưa có cái mới”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng cần thay đổi vai trò, vị trí của nhà giáo từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ cho học sinh để học sinh tụ hình thành năng lực, tự tích luỹ kiến thức. Cần thay đổi dạy học, kiểm tra, đánh giá từng môn, không loại trừ bất cứ môn nào.

Bộ trưởng khẳng định nhà giáo cũng cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, không lệ thuộc. Nếu không thay đổi được cách tiếp cận về sách giáo khoa thì không đạt được điểm đổi mới rất quan trọng.

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, qua thực tế thăm dò giáo viên ở nhiều vùng miền khác nhau, vẫn còn nhiều người phụ thuộc vào sách giáo khoa. Thay đổi cần diễn ra từng bước, dần dần, không thể yêu cầu một sớm một chiều được./.