Mất giọng, áp lực doanh số và antifan

Chuẩn bị sản phẩm, set-up góc quay, đọc qua kịch bản và chuẩn bị nước uống, Đinh Thái Bình (21 tuổi) cứ thế bắt đầu một phiên livestream bán hàng.

Mỗi phiên live có thời lượng từ 1 tiếng rưỡi đên 2 tiếng đồng hồ. Mỗi ngày Bình có thể thực hiện 2 phiên live. Công việc này gắn bó với chàng trai quê Thái Bình gần 2 năm nay. Bình cho biết, doanh nghiệp thường áp doanh số theo phiên live. Ví dụ thời gian 3 tiếng đồng hồ cho 2 ca livestream rơi vào 4 triệu. Từng được thuê livestream cho nhiều sản phẩm công nghệ cho đến quần áo, thực phẩm chức năng, Bình cho rằng tự tin trước ống kính và có một chất giọng khỏe là yếu tố quan trọng của một streamer. Ngoài ra, người livestream cũng phải nắm rõ kiến thức sản phẩm, có khả năng chốt đơn và ngoại hình là một điểm cộng.

Bên cạnh khả năng sáng tạo nội dung độc lạ, tạo điểm nhấn, nếu muốn giữ chân khách hàng, phiên live luôn phải có những “tuyệt chiêu” đánh trúng tâm lý người mua. “Vào phiên live bọn em cũng hay nhấn mạnh câu hôm nay sale 10 -15 đơn với giá thế này nhưng thực tế giá đó bao trọn cả phiên live”, Bình bật mí.

Trong phiên livestream kéo dài 2 tiếng đồng hồ, Thái Bình phải nói liên tục. Không ít lần cậu mất giọng giữa phiên live. Tuy vậy, đó không phải điều Bình lo lắng nhất khi làm công việc này. “Thi thoảng em cũng chán nản. Nếu trong 3 tiếng live mà doanh số kém, về lâu dài họ sẽ không giữ mình nữa”, Bình nói.

Tuy vậy, nếu “chốt” được nhiều đơn, người livestream cũng được thưởng những khoản thù lao hậu hĩnh.

Livestream bán hàng ngày càng thu hút nhiều người nổi tiếng, những tiktoker, youtuber tham gia. Kiều Quang Hà, sinh viên năm thứ nhất, Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội là một tiktoker có tiếng đã livestream bán hàng được 2 năm nay. Chia sẻ cơ duyên đến với công việc này Hà cho biết, năm lớp 12 Hà bắt đầu làm một số video vui nhộn đăng tải lên TikTok, không ngờ những video này lên xu hướng. Từ đó, bắt đầu có những nhãn hàng tìm đến.

Hồi mới làm công việc này, Hà được trả 500.000 đồng cho một lần booking. Còn bây giờ con số này thường dao động từ 5-6 triệu/ lần. Mỗi tháng, Hà thực hiện khoảng 10 phiên live, phiên dài nhất kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Công việc livestream bán hàng giúp Hà có thu nhập dư giả để trang trải cho cuộc sống sinh viên nhưng cũng khiến cậu gặp không ít áp lực từ những bình luận khiếm nhã trên mạng xã hội.

“Áp lực nhất là antifan, nhiều người nói xấu, chê bai. Có khoảng thời gian em không lên live vì bị nói quá nhiều, cảm thấy áp lực. Tuy nhiên sau này em cảm thấy đó cũng là một điểm tốt. Bởi đó cũng là lý do mà nhiều người biết đến mình hơn, ở lại xem lâu hơn, người ta nói mình thì càng nhiều người biết đến mình”, Hà chia sẻ.

Những kỹ năng không thể thiếu của những người làm công việc livestream

Theo thầy Đặng Đình Đại, giảng viên nghề Thương mại điện tử, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội, xuất phát từ một hình thức giải trí trên mạng xã hội, live-selling đang dần trở thành một xu hướng kinh doanh phổ biến trong thời đại công nghệ số. Đặc biệt, do ảnh hưởng của hậu đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu, khi doanh nghiệp có nhiều hạn chế trong vấn đề ngân sách thì họ sẽ tìm kiếm kênh marketing giúp đo lường hiệu quả và tăng trưởng nhanh chóng.

Nhờ đó, livestream nghiễm nhiên trở thành một giải pháp bán hàng tiết kiệm, hỗ trợ tiếp cận khách hàng và chốt đơn hiệu quả, cũng là xu hướng tất yếu cho ngành bán lẻ trong giai đoạn hiện nay.

Thông qua livestream, doanh nghiệp sẽ rút ngắn được hành trình bán hàng, giảm thiểu các bước trung gian từ quá trình biết đến thương hiệu đến đặt hàng. Bởi khi thương hiệu tương tác trực tiếp với người xem sẽ dễ dàng trao đổi, giải đáp thắc mắc cho khách hàng, tăng độ chân thật của sản phẩm không qua hậu kỳ hay chỉnh sửa. Đồng thời, xây dựng được niềm tin và lòng trung thành với thương hiệu.

Với thời gian linh hoạt nhưng lại cho nguồn thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, livestream bán hàng đang có sức hấp dẫn nhiều bạn trẻ. Thầy Đặng Đình Đại cho rằng, người làm công việc này cần có nhiều kỹ năng. Đầu tiên là kỹ năng giao tiếp: nhờ vào sự duyên dáng trong cách nói chuyện, kết hợp với ngôn ngữ cơ thể cách nhịp nhàng sẽ giúp buổi livestream trở nên thu hút hơn, lôi kéo người xem ở lại livestream lâu nhất có thể. Từ đó, gia tăng khả năng chốt đơn hiệu quả.

Tiếp đến là kỹ năng xây dựng kịch bản thu hút, mạch lạc, có mở đầu, có kết thúc để đảm bảo quá trình phát trực tiếp diễn ra suôn sẻ và thành công. Bên cạnh đó, xây dựng kịch bản thu hút, quảng bá sản phẩm, kết hợp tổ chức minigame hấp dẫn sẽ làm cho buổi livestream trở nên sôi nổi và kích thích người xem tương tác hơn.

Một sai lầm mà người livestream thường xuyên mắc phải đó chính là quá tập trung vào quảng bá sản phẩm, tương tác 1 chiều và không tập trung vào những điều mà khán giả - những khách hàng tiềm năng của mình đang thắc mắc. Theo thời gian, họ sẽ rời đi vì buổi livestream của bạn không đáp ứng được nhu cầu mà họ đang tìm kiếm. Do đó, kỹ năng tương tác qua lại cũng đóng vai trò rất quan trọng để có thể tạo thiện cảm với người xem.

Mục tiêu cuối cùng của buổi livestream bán hàng chính là chốt được đơn hàng. Do vậy, chốt đơn là kỹ năng livestream cần thiết để đo lường hiệu quả.

Livestream tiếp tục "bùng nổ" thời gian tới

Theo thầy Đặng Đình Đại, Việt Nam chưa hình thành một ngành công nghiệp livestream như Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của thương mại điện tử, livestream bán hàng vẫn sẽ là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong 2-3 năm tới. Theo đó, sẽ có nhiều đơn vị chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ này cho các doanh nghiệp. Họ sẽ bao thầu từ tổ chức live cho doanh nghiệp, cung cấp nhân sự livestream, xây dựng nội dung kịch bản và cung cấp những yếu tố kỹ thuật cần thiết cho một buổi livestream thành công. Ngoài ra, việc livestream bán hàng sẽ không còn là hoạt động tự phát mà sẽ có nhiều khóa đào tạo livestream bài bản được tổ chức.

Hiện, kỹ năng livestream bán hàng cũng đang được đào tạo tại Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội. Nội dung này nằm trong phần thực hành của môn Thương mại điện tử căn bản, bán hàng online, môn maketing online...Tại đây, sinh viên sẽ được thực hành sản xuất kịch bản, tự xây dựng 1 buổi livestream.

“Hết năm thứ 2, sinh viên có nguyện vọng đi sâu mảng này, nhà trường sẽ cho các em đăng ký trước để gửi sang các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ livestream cho các shop hoặc doanh nghiệp để bồi dưỡng thêm và trực tiếp đứng live. Ngoài được trau dồi kiến thức, trui rèn thực tế, kết thúc thực tập doanh nghiệp sẽ trao chứng chỉ sinh viên đã hoàn thành khóa học thực tế về livestream”, thầy Đặng Đình Đại cho biết.

Nghe chương trình tại đây: