Thanh nhã hay tao nhã?

Có một số cặp từ được sử dụng để diễn tả về tính cách của ai đó khá là gần nghĩa, chẳng hạn cụm từ "trang nhã" và "tao nhã". Theo TS Đỗ Anh Vũ. chữ "trang" trong Hán Việt vốn được dùng để tả về dung mạo rất là dễ nhìn và có sự nghiêm chỉnh. Còn chữ "nhã" thì có nghĩa là tao nhã, trái ngược với thô tục… Khi hai yếu tố này ghép lại với nhau trở thành cụm từ "trang nhã", thì lại được dùng để chỉ về sự thanh nhã và lịch sự. Do vậy cụm từ trang nhã được dùng để tả về vẻ đẹp chân phương, thanh thoát, không cầu kỳ. Cụm từ này còn được dùng để khen những sự vật hiện tượng quanh ta, ví dụ như là lời văn trang nhã, căn phòng trang nhã…

Còn về cụm từ "tao nhã", theo TS Đỗ Anh Vũ rất gần nghĩa với "trang nhã". Bản thân chữ tao có nghĩa gốc rất thú vị, là kéo tơ trong kén ra, do vậy cụm từ này cũng có nghĩa là cần phải nhẹ nhàng khéo léo. Khi chữ tao ghép với chữ nhã thì cụm từ tao nhã cũng có ý là vừa phải nhẹ nhàng khéo léo, vừa có sự thanh cao.

Theo TS Đỗ Anh Vũ, cụm từ "trang nhã" và "tao nhã" đều có thể được dùng để tả về người, khi nói người ai đó trang nhã thì chắc hẳn đó là người lịch sự và thanh nhã. Còn ai đó được khen là tao nhã thì thường là người ta muốn nói đến vẻ đẹp trong tinh thần, trong cốt cách của người đó.

"Khi nói đến trang nhã thì ta sẽ cảm nhận được là có cả vẻ đẹp bên ngoài thuộc về phong thái, quần áo, không quá cầu kỳ, tuy nhiên nó cũng phải phù hợp, lịch sự. Người trang nhã toát lên phong thái rất nhẹ nhàng, chân phương mà đẹp, không cầu kỳ diêm dúa". TS Đỗ Anh Vũ cho rằng về góc độ hình thức có thể khen một người trang nhã, nhưng mà đến tao nhã thì chắc chắn là phải có yếu tố diễn tả nội tâm, phẩm chất thanh cao, có cốt cách rất đáng coi trọng, không vướng vào vật chất tầm thường và người tao nhã là người biết sống với những giá trị tinh thần vượt lên những cái gọi là cái vật chất đời thường!

Phong sương và phong trần

TS Đỗ Anh Vũ phân tích hai cụm từ này đều chỉ về sự gian nan vất vả. Phong là gió, sương thì là giọt sương. Con người đi qua gió sương, tức là cũng phải chịu nhiều gian nan vất vả. Còn chữ trần thì lại có nghĩa là bụi. Phong trần là gió bụi. Đi qua gió bụi thì cũng sẽ gian nan vất vả…

Cả hai cụm từ này đều có ý nói tới việc gian nan vất vả của ai đó, tuy nhiên giữa chúng cũng có những sự khác nhau nhất định. Theo TS Đỗ Anh Vũ thì cụm từ phong trần bản thân nó có sức khái quát lớn hơn, ngoài ra cụm từ này cũng có thêm một nét nghĩa nữa là miêu tả cái vẻ lãng tử của một người đàn ông đã trải qua rất nhiều gian nan, vất vả, gió sương. "Phong sương" là miêu tả trong một lát cắt, còn "phong trần" tạo ra một sức khái quát lớn hơn và nghĩa của nó cũng mở rộng hơn.

Nếu như "phong sương", "phong trần" là những đơn vị Hán Việt cấu tạo từ yếu tố gốc Hán, thì "từng trải" là một từ thuần Việt. Chữ từng, chữ trải đều là hai yếu tố thuần việt. TS Đỗ Anh Vũ đơn cử khi ta nói một người đàn ông từng trải thì đồng nghĩa với việc khen người đó có nhiều kiến thức về đời sống, cũng như đi qua rất nhiều gian khổ vất vả sóng gió. Tuy nhiên cụm từ này khi nhận xét về một người đàn bà từng trải thì ý nghĩa lại hơi khác. TS Đỗ Anh Vũ giải thích khi nói người đàn bà từng trải thì người ta sẽ liên tưởng đến người đàn bà đã từng qua tay nhiều đàn ông, có nhiều cuộc tình. Có sắc thái ý nghĩa không tích cực lắm!