Tại diễn đàn góp ý Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII với chủ đề “Thanh niên Việt Nam vững bước hội nhập”, các đại biểu đoàn viên, thanh niên đang học tập tại các trường THPT, đại học đã nêu ra những kinh nghiệm, đề xuất giải pháp để việc học ngoại ngữ trở nên dễ dàng hơn với thanh niên Việt Nam.

Học ngoại ngữ bắt đầu bằng sự chủ động

Hiện là bí thư lớp 12A1 của Trường THPT chuyên Lê Khiết, tỉnh Quảng Ngãi, đại biểu Tạ Nguyễn Như Anh nhận thấy thực trạng phổ biến là học sinh chưa tự tin sử dụng ngoại ngữ để nói lên ý kiến cá nhân của mình. “Mặc dù trường chuyên tạo nhiều điều kiện cho HS để bày tỏ ý kiến nhưng chỉ tập trung ở một số bạn thực sự tự tin cũng như có khả năng ngoại ngữ”.

Như Anh cũng cho rằng các phong trào khuyến khích ngoại ngữ chưa thực sự sâu sắc, gần gũi và học sinh không có quá nhiều thời gian đào sâu hoặc tham gia vào chương trình đó chỉn chu.

Vì vậy, nữ sinh Trường THPT Chuyên Lê Khiết mong muốn Trung ương đoàn có chính sách, tạo môi trường hoặc tổ chức nhiều câu lạc bộ để học sinh trau dồi ngoại ngữ không chỉ tiếng Anh mà còn các ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, Đức, Hàn... Đồng thời, có những cuộc giao lưu phổ biến rộng khắp để học sinh nói lên tiếng nói của mình.

Mỗi lần đưa ra kế hoạch và triển khai hoạt động tại Đoàn trường, đoàn cơ sở, Trần Phương Lê Vy, HS lớp 12 Văn, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh luôn trăn trở làm thế nào triển khai hiệu quả để tiếng Anh bên cạnh học thuật còn gắn với niềm yêu thích bản thân.

Lê Vy cho rằng, không chỉ chờ đợi cơ hội đến với mình từ Đoàn cấp trên mà quan trọng là tinh thần chủ động, tìm kiếm cơ hội khám phá bản thân của mỗi người trẻ. Lấy dẫn chứng từ các chương trình như Tàu thanh niên Đông Nam Á, các diễn đàn liên kết Việt Nam với các nước trong khu vực hay Diễn đàn thanh niên trẻ Việt Úc mà Lê Vy từng có cơ hội tham gia, đại biểu “gen Z” cho rằng thời gian đầu khi tham gia cần chấp nhận bài học về tự ti, thất bại trước những người giỏi hơn mình. Tuy nhiên, khi hiểu đúng tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ sẽ có đủ tự tin, nhận ra mọi người thân thiện, ai cũng có thế mạnh riêng của bản thân.

Là sinh viên năm thứ 2 Học viện Ngoại giao, đại biểu của Đoàn khối các cơ quan trung ương, Nguyễn Quỳnh Anh được tiếp xúc với ngoại ngữ hằng ngày. Bên cạnh tiếng Anh, Quỳnh Anh cũng học thêm tiếng Trung.

“Khi lên mạng tìm cách nâng cao trình độ tiếng Trung, em nhận thấy có một số ứng dụng cho phép người dùng vừa học vừa giao lưu với người bản xứ. Đồng thời, mình có thể dạy tiếng Việt nếu họ muốn học nhưng rất tiếc ứng dụng này chưa phổ biến”.

Từ kinh nghiệm học ngoại ngữ của mình, Quỳnh Anh nêu ý tưởng cùng với quá trình chuyển đổi số của đất nước, chúng ta có thể nghiên cứu phát triển một số nền tảng ứng dụng để giúp bạn trẻ giao lưu nhiều hơn với bạn bè quốc tế. Đồng thời có những hoạt động hỗ trợ bạn bè quốc tế có nhu cầu học tiếng Việt. Tuy nhiên, việc học tập trên không gian mạng khá nhạy cảm nên vấn đề bảo mật cần được nghiên cứu chu đáo để đoàn viên, thanh niên vừa có thể hội nhập nhưng vừa bảo vệ thông tin cá nhân.

Tăng cường giao lưu để trau dồi ngoại ngữ

Đại biểu Nguyễn Văn Hùng, Bộ phận nghiên cứu, Học viện Ngoại giao cho biết, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế là nghề nên việc trau dồi kỹ năng ngoại ngữ là đương nhiên ở Học viện Ngoại giao. Trong Đại hội Đoàn của cơ sở này vừa qua, Đại hội đặt chỉ tiêu đến năm 2025, 90% đoàn viên, thanh niên thông thạo 1 ngoại ngữ.

Tại Học viện Ngoại giao, nhà trường tăng cường kỹ năng cho đoàn viên thanh niên bằng cách mời chuyên gia báo cáo chuyên đề, mỗi năm thường 2 tháng mời chuyên gia báo cáo về hội nhập. Đồng thời, tổ chức dịch sách từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.

Nguyễn Quỳnh Anh, sinh viên Học viện Ngoại giao cho rằng đa phần sinh viên có kỹ năng viết, đọc hiểu ngoại ngữ khá ổn nhưng ngại giao tiếp. Để khắc phục hạn chế này, vào các ngày lễ lớn, kỷ niệm quan hệ đối tác cần có những hoạt động bên lề để thanh niên các nước có thể giao lưu với nhau. Việt Nam hiện có nhiều trường quốc tế, đây cũng là cơ hội để sinh viên học hỏi lẫn nhau.

Hiện có mô hình tình nguyện viên phiên dịch cho khách du lịch ở Hà Nội. Tuy nhiên, những năm gần đây do dịch Covid-19 nên mô hình này chưa thực sự lan tỏa, nhân rộng. Do đó, Quỳnh Anh mong muốn không chỉ Hà Nội mà các địa phương khác cũng có mô hình tương tự để trau dồi kỹ năng ngoại ngữ cho đoàn viên, thanh niên, vừa lan tỏa hình ảnh Việt Nam thân thiện, mến khách.

Đại biểu Hồ Tuyết Ngọc thuộc đoàn trường ĐH Huế cho biết, hiện nay sinh viên ngành Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ chiếm 70% tại cơ sở này. ĐH Huế có các chương trình giao lưu với bạn trẻ quốc tế để sinh viên vừa có thể hội nhập quốc tế vừa quảng bá vẻ đẹp, bản sắc Việt Nam với bạn bè nước bạn.

“Ví dụ như ở trường có Festival Huế 2 năm/lần, còn hiện giờ Festival 4 mùa để sinh viên tham gia, trau dồi kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, góp phần là đại sứ quảng bá du lịch của Thừa thiên Huế”, đại biểu Hồ Tuyết Ngọc cho biết thêm các bạn tham gia làm tình nguyện viên trong các chương trình này đều được cấp chứng nhận để chứng minh được mình trước thanh niên quốc tế, đặc biệt những dịp có lượng lớn khách du lịch đến Huế.

Đại biểu Lê Văn Hiếu, Bí thư đoàn ĐH Thái Nguyên cho rằng, cần thêm những cuộc thi không chỉ đơn thuần là tiếng Anh mà còn đẩy mạnh chương trình dự án để sinh viên có thể trình bày tiếng Anh nhưng thể hiện dưới hình thức các cuộc thi khởi nghiệp, lập nghiệp…

Trao đổi tại diễn đàn, ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng học ngoại ngữ cần xuất phát tự nhu cầu tự thân trước khi nghĩ đến lợi ích quốc gia, lợi ích Đoàn.

Trên thế giới hiện có hơn 200 nước, những nước đến đầu tư vào Việt Nam hơn 100, chúng ta quan hệ ngoại giao với hơn 190 nước. Vì vậy, ông Hùng mong muốn không chỉ tiếng Anh, các ngôn ngữ không phổ biến cũng cần được quan tâm hơn./.