Bên lề hội thảo và Trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 29/9, ông Lê Hồng Hải – Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) phản hồi một số băn khoăn của dư luận liên quan đến việc tổ chức biên soạn, xuất bản sách giáo khoa (SGK).

Trước băn khoăn của dư luận về giá SGK mới cao hơn giá SGK theo chương trình hiện hành, ông Lê Hồng Hải cho biết, thời gian qua NXB GDVN thực hiện triệt để chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD-ĐT về giảm giá thành SGK. Khi xuất bản SGK lớp 2, lớp 6, đơn vị này đã tính toán tiết giảm chi phí để SGK lớp 2, lớp 6 có giá thành thấp hơn so với SGK lớp 1. Đặc biệt đối với bộ SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 được xuất bản năm 2022, NXB GDVN quyết liệt tiết giảm mọi chi phí để hạ giá thành.

“So sánh SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm nay, NXB GDVN đã tiết giảm bình quân từ 5-10 % so với những bộ sách các lớp học trước. Đặc biệt hiện các bộ SGK của NXB GDVN có giá bìa thấp nhất trong các bộ SGK được lưu hành hiện nay”, ông Hải cho biết.

(Ông Lê Hồng Hải – Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Theo "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021" được NXB GDVN công bố, năm 2021 đơn vị này phát hành 164,6 triệu bản SGK, đạt 140% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 1.828,3 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu chủ yếu từ phân phối SGK và các khoản doanh thu khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng theo báo cáo, lợi nhuận sau thuế của nhà xuất bản này đạt 287,4 tỉ đồng, đạt 250% so với kế hoạch mà cơ quan chủ quản là Bộ GD-ĐT giao.

Báo cáo có nêu: "Nhà xuất bản có tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân: 39,9% và tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ tổng tài sản 17,9%, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 hiệu quả".

Tuy nhiên, NXB GDVN cũng nêu ra những khó khăn của năm 2021 như: Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh nhiều đợt liên tiếp gây trở ngại cho công tác in, vận chuyển, cung ứng sách trước ngày khai giảng.

Đặc biệt tình hình cạnh tranh trong xuất bản SGK ngày càng gia tăng, những thông tin báo chí, dư luận xã hội bất lợi về bản quyền SGK, về hoạt động đấu thầu mua sắm vật tư giấy in... cũng tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việc NXB Giáo dục Việt Nam lãi khủng nhưng vẫn kêu khó khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. Về vấn đề này, Lê Hồng Hải – Phó Tổng Giám đốc NXB GDVN cho biết, bên cạnh biên soạn, in ấn SGK thì hiện đơn vị này còn có nhiều mảng kinh doanh khác. Lợi nhuận của NXB GDVN là tổng của tất cả các mảng kinh doanh khác nhau.

“Một trong những lý do khiến lợi nhuận của NXB GDVN tăng đột biến và được thể hiện trên báo cáo tài chính là do những năm qua đơn vị đã thực hiện thoái vốn tại các đơn vị trước đây mà NXB đầu tư. Khi thoái vốn thành công một lượng doanh thu tài chính lớn đổ về và điều này dẫn đến sự hiểu nhầm của xã hội là NXB GDVN đang có lợi nhuận khủng khiếp từ việc xuất bản SGK nhưng thực ra lợi nhuận nó từ nhiều các nguồn thu khác của NXB chứ không chỉ hoạt động xuất bản SGK”, ông Lê Hồng Hải lý giải.

Hiện nay các Bộ SGK mới được NXB GDVN biên soạn, in ấn, phát hành có giá trên dưới 200.000 nghìn đồng/bộ. Điều đáng chú ý hầu hết các cuốn sách chỉ có giá từ 15.000-25.000 nghìn đồng/cuốn. Riêng SGK Tiếng Anh có giá thành đắt nhất và đây cũng là một trong những lý do khiến các bộ SGK mới có giá thành cao hơn các bộ SGK hiện hành.

Lý giải điều này, ông Hải cho biết, hầu hết giáo trình, SGK tiếng Anh được lưu hành hiện nay đều do NXB GDVN liên kết xuất bản với các NXB trên thế giới. Trong đó, kinh phí chi trả bản quyền cho các NXB này là khoản chi phí rất lớn. Bên cạnh đó khi hợp tác xuất bản, NXB GDVN phải tuân thủ quy cách về giấy, kích thước, khuôn khổ tương đồng theo yêu cầu các NXB nước ngoài. Điều này cũng khiến cho NXB GDVN gặp khó khi không thể hạ giá thành SGK Tiếng Anh xuống thấp hơn.

Trước tình trạng thiếu SGK cục bộ vào mỗi dịp đầu năm học, Phó Tổng Giám đốc NXB GDVN Lê Hồng Hải cho biết, trước đây tất cả học sinh cùng học một bộ SGK của NXB GDVN. Do vậy NXB chỉ cần căn cứ số lượng học sinh trong năm học mới để triển khai in, cung ứng SGK xuống địa phương sớm.

Tuy nhiên, hiện nay chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều bộ SGK khác nhau, các NXB phải chờ đợi thông tin thống kê của từng địa phương lúc đó mới triển khai được công tác in ấn, phát hành. Thông thường việc quyết định lựa chọn bộ SGK nào của địa phương thường diễn ra muộn. Do vậy dù dù các NXB hết sức nỗ lực nhưng vẫn không đảm bảo kịp thời như khi một chương trình một bộ SGK.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Hồng Hải, năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai chương trình, SGK mới bậc THPT. Bắt đầu từ lớp 10 có một loạt môn học, chuyên đề tự chọn. Tùy theo điều kiện của giáo viên, cơ sở vật chất của mỗi nhà trường mà việc quyết định lựa chọn môn học nào, SGK nào diễn ra rất muộn. Thậm chí trước hoặc sau lễ khai giảng ít ngày các NXB mới có thông tin về tên SGK và số lượng cần in ấn, phát thành. Điều này mới dẫn đến tình trạng chậm SGK cục bộ ở một số nơi.