Trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ này đã diễn ra tọa đàm về chủ đề “Phát triển văn hóa đọc cho trẻ em: câu chuyện từ Việt Nam và New Zealand”.

Tham gia phần tọa đàm có tác giả truyện tranh Kat Quinn, đồng thời là họa sĩ, chủ NXB Illustrated Publishing tại New Zealand; bà Phạm Minh Hoa, giảng viên khoa Giáo dục Mầm non (GDMN), ĐHSP Hà Nội, người sáng lập Trường mầm non Ako Kindergarten; nhà văn Lê Phương Liên, chuyên viết truyện thiếu nhi, cựu biên tập viên NXB Kim Đồng, người đỡ đầu cho nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng ở Việt Nam và PGS.TS Lã Thị Bắc Lý, nguyên Trưởng khoa GDMN, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chuyên gia nghiên cứu về văn học thiếu nhi.

Tại buổi tọa đàm, nhà văn Phương Liên và PGS.TS Lã Thị Bắc Lý kể lại cảm xúc từ những vần thơ xinh xắn, trong trẻo được nghe, được học từ những năm tháng học lớp “vỡ lòng” chính là lý do đến với sách. Còn với chị Kat Quinn, việc trở thành tác giả truyện tranh bắt nguồn từ những trang sách về công chúa, phù thủy được chị gái đọc cho từ thời chưa biết chữ. “Những câu chuyện có hình vẽ sinh động, nội dung giản dị và kết thúc có hậu” trở thành motip chung, hấp dẫn các em thiếu nhi ở lứa tuổi mầm non. Và những tác giả sách cho thiếu nhi đều phải nuôi dưỡng được cho mình những góc nhìn trong trẻo, hiểu được tâm lý lứa tuổi mới có thể viết lâu, viết nhiều cũng như hấp dẫn được các em đọc sách, đặc biệt giai đoạn hiện nay khi các phương tiện nghe nhìn, các trò chơi hiện đại có sức hấp dẫn lớn. Đây được xem như điểm thống nhất giữa các tác giả viết cho thiếu nhi của Việt Nam và New Zeland.

Câu hỏi “Làm sao để trẻ đam mê đọc sách?” cũng được đặt ra với các khách mời. Tác giả Kat Quinn từ trải nghiệm thơ ấu bản thân cũng như kinh nghiệm nuôi dạy 6 người con cho rằng việc tiếp xúc sớm với sách và việc không bị hạn chế trong lựa chọn sách sẽ tạo hứng thú cho các em say mê khám phá những điều hấp dẫn, thú vị khi mở những cuốn sách ra.

Ở phía người làm giáo dục và có những nghiên cứu sâu, PGS.TS Lã Thị Bắc Lý khẳng định các trường mầm non tại Việt Nam hiện nay vẫn duy trì việc các cô giáo đọc truyện cho các con học sinh nghe. Và hiện nay, phụ huynh cũng đồng hành với giáo viên mầm non trong việc thường xuyên mua và đọc sách cho con em mình.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đóng góp cho việc đa dạng hóa phương thức tiếp cận sách của trẻ em từ bậc học mầm non. Việc kỳ vọng quá nhiều vào sách giấy sẽ hạn chế khả năng tiếp cận sách của các em, đặc biệt trong giai đoạn phát triển đa dạng các cơ quan cảm giác như nghe, nói, nhìn, sờ ở lứa tuổi này. Kể chuyện của cô giáo hay bố mẹ, sách nói, đóng tiểu phẩm... có thể xem như những gợi ý đơn giản, dễ thực hiện với các trường mầm non và phụ huynh.

Nữ đại sứ Tredene Dobson trong phần chia sẻ của mình nhấn mạnh vai trò của giáo dục gồm nhà trường và phụ huynh trong việc xây dựng và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ em. Và cũng tại buổi gặp gỡ này, bà Tredene Dobson “bật mí” sẽ ra mắt CLB “Sách của đại sứ” vào đúng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 với mong muốn đem tới cho phụ nữ, những người đang gánh vác trên vai rất nhiều nhiệm vụ, nhiều công việc khác nhau sẽ có thời gian dành cho việc đọc sách để thư giãn, để nâng cao nặng lực bản thân hay đơn giản đọc sách cho con và giúp con hình thành thói quen, đam mê với những trang sách.

Khép lại tọa đàm, bà Đại sứ mong muốn sẽ tiếp tục triển khai những hợp tác chặt chẽ về văn hóa, giáo dục với Việt Nam trong suốt nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam.