Ngày 27/12, Ban Bí thư Trung ương Đoàn phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức diễn đàn “Người trẻ và trách nhiệm với đất nước”. Diễn đàn được tổ chức nhân nhân dịp ra mắt cuốn sách “Người trẻ có sợ trách nhiệm”.

Tại diễn đàn, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật nói, trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào người trẻ cũng có ước mơ, hoài bão lớn, dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, bên cạnh những người trẻ sống có trách nhiệm thì vẫn có một bộ phận bạn trẻ sống thờ ơ, đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết, quên mất vai trò đối với cộng đồng, xã hội, gia đình... "Đây phải chăng là biểu hiện của căn bệnh sợ trách nhiệm", ông Lâm đặt vấn đề.

"Bệnh sợ trách nhiệm bắt nguồn từ đâu? Đi tìm câu trả lời này, NXB Chính trị quốc gia Sự thật lên ý tưởng xuất bản cuốn sách Người trẻ có sợ trách nhiệm. Để xuất bản cuốn sách này, chúng tôi may mắn được đọc và nghiên cứu bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên Tạp chí Cộng sản năm 1973. Dù tình hình, nhiệm vụ lúc đó khác hiện nay nhưng quan điểm, tinh thần dám lên án, dám đấu tranh với bệnh sợ trách nhiệm của Tổng Bí thư khi còn là cán bộ trẻ vẫn còn nguyên tính thời sự", PGS.TS Vũ Trọng Lâm cho biết.

Nhấn mạnh giá trị lịch sử và ý nghĩa thực tiễn của bài viết "Bệnh sợ trách nhiệm" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo, nguyên Quyền Trưởng Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nói, bài viết đã chỉ ra những biểu hiện của bệnh sợ trách nhiệm như đùn đẩy, không dám nhận trách nhiệm, sợ khuyết điểm, né tránh...

"Diễn đàn Người trẻ và trách nhiệm với đất nước là dịp để mỗi người trẻ quán triệt giá trị, ý nghĩa lớn lao bài viết Bệnh sợ trách nhiệm" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng quan trọng hơn là xác định ý thức, trách nhiệm của mình đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước", PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ.

"Dám đổi mới, dám chấp nhận thất bại là một phần của nghiên cứu khoa học"

Tại diễn đàn, chủ nhân của Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng (năm 2022), Nhà giáo trẻ tiêu biểu Trung ương (năm 2022) Chu Đức Hà, Giảng viên Khoa Công nghệ nông nghiệp (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) nói, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm không chỉ là một nguồn cảm hứng mà còn là một nguyên tắc quan trọng trong suốt sự nghiệp khoa học của mình.

TS. Chu Đức Hà cho rằng, trong môi trường nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, hai từ "dám nghĩ" được thể hiện bằng sự hiếu kỳ, không ngừng đặt ra những câu hỏi mới, thách thức những bài toán thực tế của biến đổi khí hậu và mở rộng giới hạn của kiến thức hiện có.

"Làm sao sản xuất lúa gạo từ 5-6 tấn/ha có thể đạt được 7-8 tấn/ha? Làm sao cây lúa của chúng ta có thể chịu được xâm nhập mặn, ngập úng hay kháng lại được sâu bệnh hại? Sự sáng tạo và tò mò không bao giờ hết chính là những động lực quan trọng giúp các nhà khoa học chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá khoa học", TS. Chu Đức Hà chia sẻ.

Cũng theo TS. Chu Đức Hà, dám khám phá, dám đổi mới và dám chấp nhận thất bại như một phần của quá trình học hỏi, vốn là một lẽ rất thường quy trong nghiên cứu khoa học.

Từ thực tế bản thân, anh Vũ Gia Luyện, Giám đốc Công ty cổ phần giải pháp công nghệ quốc tế (ITS), Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 (lĩnh vực Kinh doanh – Khởi nghiệp) cho rằng, tâm lý sợ hãi, sợ chịu trách nhiệm là biểu hiện khá phổ biến hiện nay ở người trẻ. "Nhưng sau khi phạm sai lầm điều quan trọng không phải là việc bạn né tránh sai lầm mà phải dám đối diện, phải học hỏi từ nó để trưởng thành hơn".

"Không có một ai hoàn hảo. Những người thành công hôm nay cũng là những người đã từng phạm sai lầm. Nhưng họ dám chịu trách nhiệm, dám dũng cảm đối mặt với sai lầm để trưởng thành hơn, để tiếp tục tìm kiếm những thách thức mới, cũng là những cơ hội mới của cuộc đời", anh Vũ Gia Luyện chia sẻ.