Chuyện ở một lớp học về len

Quán café Valley đối diện Văn Miếu, Quốc Tử Giám trên phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa được xây dựng trên ý tưởng về một góc Hà Nội xưa cổ kính, yên bình, với cây hoa và rất nhiều tác phẩm nghệ thuật trưng bày, sắp đặt khéo léo.

Ngay từ khi thai nghén ý tưởng xây dựng một không gian gặp gỡ của những người yêu Hà Nội, mong muốn tìm một không gian cho những giây phút bình yên, lắng mình, chị Hoàng Oanh, chủ Valley cafe đã mong muốn tổ chức chuỗi workshop hướng dẫn nghề đan móc len sợi truyền thống. Và mùa hè là lúc thuận lợi để biến ý tưởng này thành hiện thực. Học sinh, sinh viên là đối tượng học viên lớp học này hướng tới.

“Lớp học về len” ra đời từ đầu hè đã thu hút lượng lớn học viên là học sinh khắp các địa bàn quận, huyện của Thủ đô. Trong căn phòng nhỏ tầng 2 của Valley Café, giữa không gian bài trí theo lối sinh hoạt Hà Nội những năm đã xa ấm cúng và bắt mắt, một kệ trưng bày những sản phẩm như: búp bê, hoa trái, móc chìa khóa, gấu, voi, lợn… những loài vật quen thuộc trong đời sống được tạo nên từ nghệ thuật đan móc len sợi. Cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến đang hướng dẫn cho từng học viên ở các trình độ khác nhau nắm bắt được kỹ thuật và thực hành ngay với những cuộn len sợi nhiều màu.

“Em biết đan móc đã 15 năm nay rồi, trước đây cũng có hướng dẫn vài người thân quen yêu thích công việc này. Sau đi làm thấy cuộc sống cứ vội vã hối hả mà tối đến nhìn lại không thấy thực sự tạo ra được gì cho đời và cũng thấy mệt mỏi nên quyết định nghỉ hẳn để chuyên tâm vào công việc đan móc len sợi”, cô Yến cho biết.

Tuổi thơ của Hải Yến trải qua ở ngoại thành Hà Nội. Những tấm áo, chiếc khăn, đôi găng tay được mẹ đan cho cô con gái giữ ấm những ngày đông giá rét có sức hấp dẫn đặc biệt. Có đôi găng tay theo Yến đến tận khi trưởng thành. Hình ảnh bàn tay mẹ thoăn thoắt đưa que đan hay que móc kết nối, vặn xoắn sợi len vào nhau, dần hình thành những sản phẩm hữu dụng cho cuộc sống có sức lay động đặc biệt. Ở tuổi thiếu niên, Yến đã bắt đầu mày mò học đan móc. Mẹ lúc này vì quá bận mải mưu sinh không có nhiều thời gian dạy, cô giáo trẻ khi ấy tìm đến các bà, các bác, những người từng tự đan móc đồ cho gia đình để học mỗi người một ít và căn bản tự thực hành thử sai hằng ngày. Ban đầu cũng đơn giản chỉ là áo, mũ, khăn…đã dần nâng lên thành sản phẩm mỹ nghệ như cành hoa, đồ chơi, lót cốc...

Khi internet phát triển, có điều kiện tìm hiểu thông tin, Yến hiểu rằng nghề đan móc thủ công vẫn có những chỗ đứng riêng, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang trong và ngoài nước. Nhưng theo quan sát và tìm hiểu, cô Yến cho rằng sản phẩm đan móc phát triển mạnh hơn ở thị trường phía Nam, tạo nên một không khí sôi động cho người làm nghề.

Nhớ lại những chiếc khăn “đan thuê” cho các bạn từ thời cấp 3 để làm quà tặng mang dấu ấn cá nhân độc đáo, Hải Yến mỉm cười bởi sự thiếu tinh tế, khéo léo trong từng nút đan, móc, cách chọn pha màu len sợi. Tuy nhiên, hành trình “khởi nghiệp” này lại có giá trị tạo thành những bài học để chị hướng dẫn học viên hôm nay đến đích sớm hơn thay vì việc tự mày mò tự tìm hiểu.

Lớp học chưa đến chục học viên diễn ra trong một không gian trầm lặng, không phấn bảng, không có bài giảng chung. Cô Yến cứ lặng lẽ đến cạnh từng học viên, hướng dẫn và sửa lỗi ngay trên sản phẩm các em đang làm. Để rồi cuối mỗi buổi học, các em đều tự hoàn thành được 1,2 sản phẩm từ kĩ thuật đơn giản như làm chiếc lá đến khó hơn là bông hoa, món đồ trang trí móc khóa...

Tuệ Minh, một học viên lứa 2K8 nhà ở Đông Ngạc, Từ Liêm tham gia khóa học ngay sau ngày kết thúc kì thi vào 10 cho biết từ ngày theo học lớp đan móc đã rèn được sự tập trung. Và bởi nhà xa nên em cũng dậy sớm để kịp tới lớp.

Vốn rất thích những món đồ chơi từ nghệ thuật đan móc, tự bỏ tiền ra mua tặng bạn bè và bày ở góc học tập, Tuệ Minh từng ước tự tay có thể tạo nên được những sản phẩm đan móc nên em nhờ mẹ tìm lớp và tham gia với tất cả hứng thú, nhiệt tình, say mê cũng như sự cẩn trọng, tỉ mẩn. Lúc đầu, chưa quen, Minh có chút nản nhưng rồi một chiếc lá, một bông hoa thành hình sau mỗi buổi học đã tiếp thêm động lực để em tự tập thêm ở nhà. Cũng chính từ lớp học đan móc này giúp em hiểu mình hợp với các kĩ năng nghề và có những dự định sẽ kiếm thêm thu nhập từ công việc ban đầu chỉ như giải trí và thỏa mãn ước mơ làm được vài món đồ cho cá nhân và tặng bạn bè.

“Em nghĩ đến việc làm ra những sản phẩm để bán như kiểu đồ chơi búp bê, hình các con thú, hoa cài áo... Những thứ này đâu đó cũng đã có nhưng em sẽ làm theo ý tưởng của người mua đặt hàng”, Tuệ Minh chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Vân, phụ huynh đưa con và cháu đến lớp học đan móc đều đặn mỗi sáng chủ nhật hàng tuần tranh thủ mở máy tính soạn giáo án. Công việc của một giáo viên tiểu học khiến chị say mê với những phần việc thủ công. Cho cả con và cháu đến học theo chị Vân là cách giúp lũ trẻ sống chậm hơn, cảm nhận cuộc sống tốt hơn giữa nhịp điệu quay cuồng của thời công nghệ.

Chị Vân cho rằng dù cuộc sống có hiện đại, thay đổi đến đâu thì những công việc như đan móc thủ công vẫn có cơ hội trở thành nghề đem lại thu nhập, đặc biệt khi nhu cầu cá thể hóa trong trang phục, phụ kiện đang lên ngôi như hiện nay.

Đan móc là công việc từng được phụ nữ Hà Nội tranh thủ làm lúc rảnh rỗi tạo nên những sản phẩm hữu dụng cho gia đình hay có khi thêm phần thu nhập nhỏ cho gia đình suốt những năm tháng khó khăn. Công việc thủ công này đã và đang trở lại vừa giúp mọi người cân bằng cuộc sống vốn hối hả, bận rộn vừa thêm cơ hội nghề nghiệp cho những bạn trẻ sáng tạo và yêu thích khám phá.

Sản phẩm đan móc và cơ hội thị trường đầu ra

Không ít người ngạc nhiên khi thời điểm này, hầu hết các sản phẩm tiêu dùng đều làm theo số lượng lớn theo dây chuyền, vẫn còn rất đông người theo đuổi công việc “mất thời gian” và đòi hỏi sự tỉ mẩn như đan móc len sợi.

Nhưng theo lí giải từ bà Trần Tuyết Lan, Tổng Giám đốc công ty cổ phần doanh nghiệp xã hội Craft Link, đơn vị có thâm niên trong lĩnh vực sản phẩm làng nghề và sản phẩm thủ công thì đan móc len sợi vẫn có đất sống bởi nhiều lí do.

Thứ nhất, xuất phát từ việc nhiều người, đặc biệt người trẻ bắt đầu có sự say mê, yêu thích công việc cũng như sản phẩm thủ công bởi tính cá nhân hóa, không bị trùng lắp, không sản phẩm nào giống nhau. Chính điều này tạo ra sự “không đụng hàng”.

Thứ hai, các sản phẩm thủ công truyền thống trong đó gồm cả sản phẩm đan móc len sợi được ưa chuộng bởi tầng lớp trẻ và cả trung niên hiện nay đều mong muốn có một số công việc để làm lúc rảnh rỗi, có khi không phải vì mục đích để kiếm tiền hay tăng thêm thu nhập. Điều quan trọng khi tự làm ra sản phẩm cho bản thân và bạn bè, mỗi người tự cảm thấy giá trị của bản thân cũng như tăng khả năng sáng tạo.

Ở góc độ sản phẩm mang tính thương mại, bởi tính đơn chiếc, cá thể và độc đáo, sản phẩm đan móc len sợi có giá thành khá cao so với sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt. Nhưng đổi lại, người làm nghề buộc phải thay đổi, không được phép lặp lại những motip quen thuộc hay đơn giản giống như thời các mẹ, các bà từng làm trước đây.

“Để được thị trường nhận chấp nhận cần có những dòng sản phẩm khác nhau để phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng. Bí quyết để thành công nằm ở việc các sản phẩm có cá tính, có thiết kế mới và thay đổi liên tục”, bà Lan phân tích.

Sản phẩm đan móc len sợi khi ra thị trường thường được chia thành các nhóm hàng như: Sản phẩm thời trang, trong đó gồm những phụ kiện và sản phẩm trưng bày nhằm phù hợp với từng đối tượng khác nhau.

Ngoài ra theo bà Lan, có thể phân chia theo cách khác. Ví dụ như đối với thị trường trong nước, các bạn trẻ thích nhóm sản phẩm tươi trẻ, cá tính và mang tính ứng dụng cao như khăn, mũ thời trang; các sản phẩm quà tặng như túi đeo, hình thú vật gần gũi. Với người trung niên, lớn tuổi lại thiên về các sản phẩm như khăn quàng thời trang, áo ấm…

Còn đối với đối tượng khách hàng nước ngoài cũng cần thiết kế nhiều dòng sản phẩm để phù hợp về vóc dáng, màu sắc và cả thời tiết.

27 năm kết nối nghệ nhân và thợ thủ công từ các làng nghề để tạo nên các sản phẩm thương mại cho thương hiệu Craft Link, bà Lan cho rằng những người theo đuổi và làm công việc thủ công, trong đó có đan móc len sợi đòi hỏi phải có tính kiên nhẫn tỉ mỉ và đặc biệt là phải rất yêu nghề. Năng khiếu cũng được xem như điểm cộng cho công việc đòi hỏi tính thẩm mỹ và sáng tạo này. Nhưng về cơ bản theo bà Lan, ai cũng có thể làm được công việc đan móc len sợi.

Đan móc len làm lâu quen tay sẽ khiến tốc độ nhanh hơn. Bà Lan chỉ nhấn mạnh việc thiết kế, sáng tạo tất cả các sản phẩm thủ công truyền thống đều cần dựa trên những kĩ thuật cơ bản truyền thống được chuyển giao qua nhiều thế hệ. Đây cũng được xem như điểm mấu chốt để Craft Link trong suốt gần 30 năm qua theo đuổi công việc kết nối thợ thủ công, nghệ nhân từ các làng nghề truyền thống trong việc giữ gìn, kế thừa và phát huy sản phẩm thủ công trong cuộc sống hôm nay.

“Thông qua công việc này, tôi cho rằng giá trị lớn nhất là ở việc giữ gìn được bản sắc văn hóa của các nhóm dân tộc, nhóm làng nghề truyền thống. Ngoài ra, khi làm việc với các nhóm dân tộc thiểu số, chúng tôi nhận thấy họ có thế mạnh về làm các sản phẩm thủ công truyền thống riêng của mình. Bởi vì hầu hết các nhóm dân tộc thiểu số trước kia sống là tự cung tự cấp, cho nên họ rất khéo léo và tài năng, có thể làm được rất nhiều các sản phẩm bằng tay để phục vụ cho cuộc sống gia đình mình. Và thêu dệt hoặc sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống nằm trong những kỹ năng họ đạt đến đỉnh cao. Còn với các nhóm nghề truyền thống của người Kinh thì đan móc sợi lại là một trong những kỹ thuật vô cùng phổ biến. Điều chúng tôi làm chỉ là giúp họ cập nhật về kiểu dáng để phù hợp với nhu cầu thị trường”.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung về nghề đan móc len sợi: