Tọa đàm “Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức đã chỉ ra những thách thức với nguồn nhân lực Việt Nam và nêu ra những yêu cầu về chất lượng lao động trong tình hình mới.

Dịch bệnh khiến doanh nghiệp thiếu hụt lao động nghiêm trọng

Đại dịch Covid-19 2 năm qua, đặc biệt đợt bùng phát lần thứ 4 khiến nền kinh tế bị ngừng trệ, nhiều doanh nghiệp phải cho lao động ngừng, giãn hoặc nghỉ việc; tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh và mạnh, cùng với việc nhiều lao động rời bỏ thị trường lao động.

Khi vaccine đã được triển khai tiêm phòng trên diện rộng, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, kinh tế bắt đầu hồi phục, doanh nghiệp thực hiện việc tăng tốc sản xuất, kinh doanh sẽ dẫn đến tăng cao nhu cầu lao động, việc thiếu hụt lao động cũng có thể xảy ra. Câu chuyện thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp đã được đặt ra từ khi làn sóng người lao động hồi hương.

Trên thực tế, hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động, trong đó phải kể đến Nghị quyết 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” cùng với việc bao phủ vaccine đang tạo cơ hội cho doanh nghiệp hoạt động trở lại. Việc thiếu hụt lao động, đặc biệt lao động có tay nghề là khó tránh khỏi.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, chú ý vấn đề đào tạo lại nguồn lao động phù hợp điều kiện mới: Giảm số lượng nhưng phải nâng cao chất lượng.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Điện tử Việt Nam đã nhấn mạnh việc cần thiết phải tăng cường đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp, góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Cũng theo bà Thúy Hương, đào tạo người lao động giai đoạn này cần theo hướng kết hợp đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhiều hơn nữa nhằm thích ứng ngay với điều kiện sản xuất.

Thêm những kỹ năng để lao động đáp ứng nhu cầu chuyển đổi của doanh nghiệp

Diễn đàn kinh tế thế giới cho rằng những ảnh hưởng sâu sắc của sự phát triển công nghệ, toàn cầu hóa, chuyển đổi mô hình phát triển và đại dịch Covid-19 đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ của thế giới việc làm và thúc đẩy nhu cầu nâng cao kỹ năng lao động. Chỉ tới năm 2025, khoảng 40% người lao động sẽ cần được đào tạo lại; 84% người sử dụng lao động sẽ chuyến sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc…

Ông Nguyễn Văn Bé, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp các khu chế xuất và khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh chỉ ra những yêu cầu người lao động cần phải thuần thục để đáp ứng điều kiện sản xuất bình thường mới. "Trở thành doanh nghiệp số, lao động phải được đào tạo, biết sử dụng phần mềm, biết lập trình, ít nhất cũng phải biết công nghệ thông tin", ông Bé khẳng định.

Tuy nhiên, chỉ khoảng gần 1/4 doanh nghiệp được khảo sát cho biết có thể sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho nhân viên của họ. PGS.TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt nam cho biết cần có những cách phân định về đào tạo nghề trong một xã hội chuyển đổi mạnh mẽ về công nghệ cũng như tác động chưa từng có trong tiền lệ bởi đại dịch. Theo ông Lân, cần chia theo hai nhóm đào tạo. Nhóm cập nhật đào tạo lại và thứ hai thuộc về nhóm công nghệ mới, chuyển đổi số. "Tổ chức đào tạo không khó, chúng ta đã làm nhiều năm, có kinh nghiệm rồi. Khó khăn nằm ở việc phải đào tạo theo kiểu hướng cầu". PGS.TS Dương Đức Lân nhấn mạnh.

Sự chuyển biến mạnh mẽ về công nghệ trong sản xuất cộng thêm sự thiếu hụt lao động do những tác động từ đại dịch Covid-19 đặt ra những yêu cầu mới cho công tác đào tạo nghề. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong ngày Kỹ năng lao động Việt Nam đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ; và các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, đồng thời cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.