Mục tiêu của Nghị định 116 không phải là thu hồi kinh phí đào tạo
Nghị định 116 năm 2020 được Chính phủ ban hành ngày 25/09/2020 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020 và bắt đầu áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022.
Điểm đáng chú ý, ngoài hỗ trợ học phí, Nghị định 116 quy định sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội nếu cam kết làm trong ngành giáo dục sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.
Đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nguyện vọng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, kinh phí đào tạo sẽ do kinh phí của cá nhân, tổ chức doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả (không thuộc ngân sách nhà nước chi trả).
Nghị định 116 cũng quy định rõ, nếu sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp hoặc công tác không đủ thời gian theo quy định; hoặc sinh viên sư phạm chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo, bị kỷ luật thì phải bồi hoàn kinh phí đào tạo.
Tuy nhiên, ông Dương Xuân Huyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn băn khoăn, Nghị định 116 chưa đưa đặt ra chế tài trong trường hợp người học không bồi hoàn kinh phí đào tạo. Ông cho biết, hiện tỉnh Lạng Sơn có hàng chục trường hợp cử tuyển vi phạm buộc phải thôi học và tỉnh đã gửi 5 lần thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ đào tạo nhưng đến nay vẫn chưa thu lại được đồng nào.
Trước băn khoăn này, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, mục tiêu của Nghị định 116 không phải là để thu hồi kinh phí đào tạo mà nhằm thu hút được sinh viên giỏi theo học sư phạm.
Sinh viên sau khi ra trường công tác tại trường công hay tư, chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác làm việc... đều không bị thu lại kinh phí đào tạo. Trong trường hợp sinh viên không thực hiện đúng cam kết công tác trong ngành giáo dục theo quy định thì địa phương có thể vận dụng các quy định của luật dân sự để thu hồi kinh phí.
Vênh giữa nhu cầu đào tạo và nhu cầu tuyển dụng giáo viên
Liên quan đến cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên, ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo giáo viên, nhu cầu tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp của địa phương theo từng trình độ, cấp học. Các cơ sở đào tạo giáo viên xác định, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên và gửi về Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT xác định và thông báo chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên.
Sau khi xác định nhu cầu, chỉ tiêu cần phải đào tạo, UBND cấp tỉnh có quyền lựa chọn cơ sở đào tạo để thực hiện việc đặt hàng đào tạo giáo viên.
Trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh tổ chức đấu thầu việc đào tạo giáo viên của địa phương với các cơ sở đào tạo giáo viên theo số lượng chỉ tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương đã báo cáo về Bộ GD&ĐT, đảm bảo phù hợp với năng lực đào tạo của từng trường và phù hợp với nhu cầu, kế hoạch sử dụng giáo viên của địa phương.
“Các cơ sở đào tạo giáo viên chỉ được tham gia đấu thầu dựa trên khả năng đào tạo của trường và chỉ tiêu đào tạo được giao” – ông Phạm Như Nghệ khẳng định.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên băn khoăn, nếu tính đúng định mức giáo viên, hiện địa phương này đang thiếu khoảng 5000 giáo viên. Vậy nhưng chỉ tiêu biên chế của tỉnh lại rất thấp. Tỉnh giao chỉ tiêu bao nhiêu sử dụng hết bấy nhiêu.
"Nghị định cần phải làm rõ, địa phương đăng ký đặt hàng đào tạo giáo viên là đặt hàng theo định mức giáo viên mà Bộ GD&ĐT quy định hay theo biên chế mà địa phương được Chính phủ giao?" - ông Nguyễn Văn Hưng đặt câu hỏi.
Cùng băn khoăn này, ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, theo lộ trình mà Bộ nội vụ giao, mỗi năm phải giảm ít nhất 10% biên chế, riêng đối với giáo dục giảm từ 5-7% biên chế. Trong khi đó quy dân số, quy mô trường lớp đều tăng...
“Trước khi thực hiện Nghị định này thì cần phải đánh giá thực trạng nhu cầu và được sử dụng nhu cầu giáo viên. Hiện có tình trạng thừa-thiếu cục bộ giáo viên nhưng chủ yếu là thừa giáo viên đang ở bên ngoài xã hội mà chưa được tuyển dụng” – ông Phạm Văn Thủy chia sẻ.
Không thận trọng thì cả năm Trường ĐHSP chỉ lo đi làm hồ sơ dự thầu
Sự ra đời của Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được GS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) ví như cấp voucher cho sinh viên sư phạm và là một hướng đi phù hợp.
Nhưng ông cho rằng, điều quan trọng là phải thu hút được người giỏi theo học sư phạm. Trong khi đó hiện sinh viên ra trường phụ thuộc rất nhiều vào việc làm. Chính sách việc làm tốt sẽ thu hút được học sinh giỏi theo học.
“Quy trình đặt hàng, đấu thầu sẽ như thế nào? Tháng 7, 8 các trường bắt đầu tổ chức tuyển sinh rồi liệu chuẩn bị hồ sơ có kịp không? Hồ sơ đấu thầu đào tạo giáo viên có khác gì với đấu thầu hạng mục khác vì sản phẩm đào tạo có khi 4-5 năm sau mới có thể kiểm định chất lượng đào tạo? Đó còn chưa kể, chỉ có 20 chỉ tiêu đào tạo nhưng có đến 4-5 đơn vị đào tạo tham gia đấu thầu” – GS Nguyễn Quý Thanh băn khoăn.
Góp ý vào văn bản hướng dẫn thực hiện đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội được quy định tại Nghị định 116, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đặt câu hỏi, khi tổ chức đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên thì chất lượng và bài toán tài chính có đặt ra cao nhất hay không? Bởi đây không đơn thuần là câu chuyện mua bán mà là trách nhiệm với tương lai giáo dục.
Ông Nguyễn Văn Minh cho rằng, nếu không thận trọng thì cả một năm một trường đào tạo giáo viên chỉ tập trung để đi đấu thầu. Tháng nào cũng chuẩn bị hồ sơ cho mấy tháng thì đây là một điều đáng lo.
“Bộ GD&ĐT dự báo nhân lực trên cơ sở các địa phương trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Thứ hai, địa phương đăng ký nhu cầu theo từng giai đoạn với số lượng cụ thể. Thứ ba, Nhà nước bỏ tiền ra thì phải quản lý chất lượng, quản lý và phân bố sản phẩm – là sinh viên tốt nghiệp. Nếu không vô hình chung sẽ tạo ra những vùng trũng trong giáo dục” – GS.TS Nguyễn Văn Minh đề xuất.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, nghị định 116 đưa ra những cơ chế khác nhau để các địa phương lựa chọn chứ không bắt buộc phải đấu thầu, phải giao nhiệm vụ.
"Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT kết hợp với Bộ nội vụ có những đề xuất cụ thể để cân đối giữa nhu cầu đào tạo và tuyển dụng"- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.