Trước việc TP. Hải Phòng dừng việc dạy bài học mới theo hình thức trực tuyến đối với học sinh lớp 1, lớp 2, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hóa học, hệ thống giáo dục Học mãi nêu quan điểm: việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy là điều quan trọng nhưng nó không phải là cây đũa thần để áp dụng cho mọi đối tượng học sinh và mang lại hiệu quả tuyệt đối.
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia dạy học trực tuyến, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho rằng, đối với lớp 1, lớp 2, cách thức mà học sinh chiếm lĩnh kiến thức là thông qua các hoạt động. Các con cần có môi trường với sự tương tác cao giữa học sinh với giáo viên và giữa học sinh với nhau. Trong khi đó, việc tổ chức các hoạt động tương tác này lại rất khó trên môi trường số, ít nhất trong thời điểm hiện nay chúng ta chưa có nhiều công cụ online để có thể đảm bảo được.
Đặc biệt đối với lớp 1, các con đang trong giai đoạn tập đọc, tập viết, luyện chữ, nhận biết và làm các bài toán cơ bản… như vậy rất cần có sự theo dõi, giám sát và bao quát của giáo viên mới có thể đánh giá được chất lượng bài học của con cần chỗ nào phải sửa, chỗ nào phải rút kinh nghiệm.
Điều này khác với học sinh cấp học cao hơn như THPT, sinh viên đại học. Người học ở các cấp học này ít nhiều đã có những kiến thức nền và giáo viên có thể sử dụng các phương pháp giảng dạy tương đối truyền thống để truyền tải thông tin.
“Nếu chúng ta vẫn duy trì dạy học online theo cách cũ có thể vừa không đạt hiệu quả mà còn gây ra tâm lý phản kháng ở trẻ con và ở cả phụ huynh nữa” - Thầy Ngọc nhấn mạnh.
Từ thực tế một năm đẩy mạnh việc dạy học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục phòng chống dịch Covid-19, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng, chúng ta nên coi đây là một cú huých để thúc đẩy dạy trực tuyến trở nên rộng rãi hơn.
Các bạn trẻ hiện nay nên xem việc học trực tuyến là một kỹ năng mà các bạn cần phải nắm bắt được bởi vì trong tương lai sẽ có rất nhiều sự thay đổi mà chúng ta không lường trước được. Chỉ có điều nếu việc học trực tuyến hiện nay còn tồn tại những bất cập, có những chỗ, những nơi không hiệu quả thì cần phải điều chỉnh ngay để làm sao không tạo ra ấn tượng xấu, gây tâm lý "tẩy chay" đối với chính bản thân người học và cả người dạy.
Để việc dạy trực tuyến đạt được hiệu quả, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng cần phải đảm bảo hai yếu tố công nghệ và sư phạm. Về mặt công nghệ hiện nay hầu như chỉ nhắc đến các công cụ giúp cho giáo viên kết nối được học sinh của mình, chẳng hạn như phần mềm Zoom. Tuy nhiên, để tạo ra một bài giảng hấp dẫn việc tạo ra công cụ kết nối thôi thì chưa đủ mà đòi hỏi giáo viên phải đầu tư về mặt công nghệ, thiết kế được các nội dung dạy học sao cho sinh động. Và như vậy, các con sẽ tiếp nhận kiến thức không chỉ thông qua những điều mà các thầy cô nói mà còn thông qua hình ảnh, thông qua âm thanh. Nếu giáo viên càng đầu tư nhiều công sức vào việc tạo ra các clip sinh động, hấp dẫn thì càng thu hút được học sinh.
Về mặt sư phạm, nếu học sinh học trực tiếp trên lớp thì giáo viên có thể bao quát được học trò, có thể nhìn nét mặt để đoán được con đã hiểu bài hay chưa. Trong khi đó, trên môi trường online việc theo dõi học sinh rất là khó. Vì nhiều lý do khác nhau mà học sinh có thể không bật webcam nên giáo viên không thể nắm bắt được chưa kể sĩ số lớp học thường rất đông. Để khắc phục được điều này giáo viên chỉ có thể giao các nhiệm vụ học tập, tăng tính tương tác giữa thầy-trò thông qua đó nắm bắt được mức độ hiểu bài của các con và có những phản hồi ngược lại cho phù hợp.
Nghe chương trình Diễn đàn VOV2: "Học trực tuyến thực sự có hiệu quả?"