Phụ huynh viết cam đoan tự nguyện cho con học thêm
Ngoài cho con học thêm ở trung tâm tiếng Anh, đều đặn tuần 2 lần, chị Nguyễn Thị Nguyệt ở Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội đều chở con đến lớp học thêm của cô giáo chủ nhiệm. Mỗi buổi kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, với học phí 150 ngàn đồng. Dù phải đưa đón con vất vả song chị Nguyệt khẳng định, việc học thêm của con là nhu cầu có thật của gia đình. Bởi, với sĩ số hơn 60 học sinh/lớp, con chị khó thu nạp được kiến thức nếu chỉ học ở trường.
“Ngay cả cô giáo của con cũng nói sĩ số đông quá, chỉ mong giảng được hết bài trên lớp chứ không thể dạy nâng cao”.
Chị Nguyệt và 10 phụ huynh nữa đã tự gom lớp và năn nỉ cô giáo dạy thêm cho con. “Cô nói nếu bị bắt được là nguy hiểm cho cô nên phụ huynh đã viết giấy cam đoan là tự nguyện cho con học thêm”, chị Nguyệt kể.
Theo quy định, giáo viên trường công không được dạy thêm ngoài nhà trường, dạy chính học sinh của mình khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Hân có con đang học tiểu học ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, từ lớp 1 đến lớp 5 con chị vẫn đi học thêm tại nhà cô giáo chủ nhiệm.
“Thực tế nhiều gia đình trong đó có gia đình tôi, bố mẹ không dạy được, hơn nữa cũng không có nhiều thời gian để dạy con. Vậy nên theo tôi học thêm là thỏa thuận 2 bên không cấm được”.
Trong khi đó, dù không thực sự muốn đi học thêm nhưng Nguyễn Anh Tuấn – một HS ở Hà Nội lo lắng nếu không đi học thêm thì sẽ bị tụt lại so với các bạn cùng lớp, sợ giáo viên trên lớp không “hài lòng”. Bởi, em từng có trải nghiệm không vui khi học THCS. Tuấn cho biết, do không đi học thêm với giáo viên ở trường nên em nhiều lần bị điểm kém, "em rất khó chịu và lo lắng. Điểm kém với em là cả vấn đề”.
Báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam năm 2011 - 2020 do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO công bố cho thấy, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông hiện nay. Cụ thể, chi phí học thêm đối với tiểu học là 32%, THCS là 42% và THPT là 43%.
Dạy thêm, học thêm: Khó kiểm soát
Mặc dù có nhiều quy định siết chặt dạy thêm học thêm nhưng trên thực tế thay vì đến các trung tâm dạy thêm, học sinh thích tìm đến thầy riêng vì được chọn thầy và được quan tâm hơn.
Thêm vào đó, với một chương trình học nặng, học để thi, buộc học sinh phải đi học thêm nếu không muốn trượt. Thầy P.T.H, một giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội đánh giá, “Đối với các bậc khác không nói nhưng bậc phổ thông, nếu chỉ học trong SGK thì khó để các em đi thi. Đơn cử như môn tiếng Anh của mình là không đi thi được”.
“Học ở trường là đủ thì không nói làm gì nhưng ở Việt Nam đang có một thực tế là thi gì học đấy, cho nên buộc học sinh phải đi học thêm để phục vụ các kỳ thi”, thầy H. chia sẻ.
Địa phương chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn nhưng thực tế việc xử phạt dạy thêm hiện rất hạn chế vì nhu cầu từ phía phụ huynh là có thật.
Hơn nữa, dù đã có quy định nhưng vì chưa được lượng hóa cụ thể nên việc tổ chức các hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường dễ dàng “lách” dưới dạng gia sư, bồi dưỡng học sinh thông qua trung tâm.
Chuyên gia giáo dục Trần Mạnh Tùng nêu ví dụ, giáo viên dạy 3-4 con của bạn bè thì có bị quy vào dạy thêm sai quy định hay không? Dạy thêm đó nhưng rồi kiểm tra giáo viên có thu tiền không cũng là vấn đề khó.
Theo thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, vấn đề “dạy thêm, học thêm” suốt nhiều năm vẫn được bàn luận tại nhiều diễn đàn, hội thảo lớn nhỏ. Ngành giáo dục có nhiều giải pháp để ngăn ngừa tình trạng dạy thêm tràn lan nhưng sự thay đổi mới chỉ từ vẻ bề ngoài còn thực chất vẫn phổ biến dưới những hình thức, biến báo khác nhau.
Bản chất là do chưa quán triệt được mục tiêu dạy học vì sự phát triển của con người mà vẫn nặng về thành tích.
"Sự thay đổi căn bản toàn diện giáo dục chưa theo tinh thần Nghị quyết 29. Việc dạy học vẫn chủ yếu cung cấp kiến thức, hướng tới thi cử, điểm số cao thì vẫn còn dạy thêm học thêm".
Theo thầy Nguyễn Văn Hòa, hiện nay việc kiểm tra đánh giá đã thay đổi theo chương trình mới với việc không cho điểm, không xếp loại HS. Tuy nhiên, ông vẫn chờ đợi những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Đề xuất dạy thêm học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Mới đây, Sau khi cử tri một số địa phương kiến nghị cần quản lý và xử lý nghiêm hơn việc dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, từ năm 2012, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 17 quy định, hướng dẫn việc này.
Cụ thể hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản như không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa. Học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau. Tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm. Không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
Thông tư 17 cũng quy định các trường hợp không được dạy thêm, học thêm. Cụ thể: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường, dạy chính học sinh của mình khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Theo Bộ GD-ĐT, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện./.