23 giờ đêm 31/03, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đối với đề thi môn Ngữ văn – môn thi dành được sự quan tâm đặc biệt của dư luận theo đánh giá cấu trúc không có gì thay đổi so với đề thi của những năm trước.

Cụ thể, phần đọc hiểu (3,0 điểm): Ngữ liệu là một đoạn thơ 16 câu nằm ngoài chương trình SGK phổ thông. Sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu, được phân loại khá rõ ranh giới của các cấp độ nhận thức.

Câu hỏi số 1 yêu cầu nhận biết về một yêu tố hình thức của ngữ liệu, đó là thể thơ; câu hỏi số 2 yêu cầu nhận biết về một yếu tố nội dung của ngữ liệu, đó là yêu cầu “Chỉ ra hai hình ảnh trong đoạn trích diễn tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung”. Với yêu cầu nhận biết, đây sẽ là những câu hỏi giúp học trò dễ dàng đạt mức điểm tuyệt đối dành cho mỗi câu hỏi, thường có thể từ 0,5 tới 0,75 điểm.

Câu hỏi số 3 hướng tới mức độ vận dụng và thông hiểu khi yêu cầu thí sinh lí giải cách hiểu về các hình ảnh trong ba dòng thơ trích từ ngữ liệu đọc hiểu: “Miền Trung/ Eo đất này thắt đáy lưng ong/ Cho tình người đọng mật” – các em phải “vận dụng” kiến thức về tu từ nghệ thuật, kiến thức địa lí, văn hóa… để “thông hiểu” ý thơ, nhận ra mối liên tưởng khá thú vị từ hình dạng của dải đất miền Trung tới tình người sâu đậm, ngọt ngào…

Câu hỏi số 4 có thể coi là câu hỏi mang tính chất tổng hợp khi xuất phát từ nền tảng của sự thông hiểu mà hướng tới mức độ vận dụng và vận dụng cao, xác định đúng mạch ý tình trong đoạn trích, đồng thời vận dụng những kiến thức xã hội, lịch sử, địa lí… để có cái nhìn chân thực, chính xác về tình cảm tác giả dành cho miền Trung, nỗi xót thương cho mảnh đất đói nghèo, khắc nghiệt, khô cằn…, tình yêu tha thiết với vùng đất có những con người cơ cực, nhọc nhằn mà tài hoa, tình nghĩa!

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên trường THPT Chu Văn An Hà Nội nhận định, nhìn chung, với cấu trúc quen thuộc, mức độ các câu hỏi vừa sức, có xu hướng giảm tải khá rõ khi gia tăng câu hỏi nhận biết so với các kì thi THPT Quốc gia trước đây. Phần Đọc hiểu sẽ là phần kiến thức và kĩ năng hứa hẹn khả quan cho quĩ điểm của thí sinh trong quá trình thực hiện các yêu cầu của đề bài.

Phần Làm văn (7 điểm) với 2 câu hỏi Nghị luận xã hội (2 điểm) và nghị luận Văn học (5 điểm).

Về câu hỏi nghị luận văn học cũng là một kiểu bài quen thuộc với học sinh, đó là trình bày, phân tích một hình tượng nghệ thuật từ một dữ liệu được trích trong một tác phẩm trong SGK. Cụ thể là một trích đoạn trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Với 2 yêu cầu rất cụ thể, yêu cầu phân tích hình ảnh dòng sông Hương. Yêu cầu thứ hai là nhận xét về tính chất trữ tình trong bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Với cấu trúc của câu nghị luận văn học, thí sinh sẽ xác định rất rõ ràng các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng, có ý thức gắn kết giữa nội dung và nghệ thuật trong quá trình phân tích. Một trích đoạn ngắn làm ngữ liệu nghị luận, hai câu lệnh với hai yêu cầu về nội dung nghị luận vừa hòa kết, vừa tách bạch, câu nghị luận văn học cũng không làm khó cho học sinh trong quá trình làm bài.

Đánh giá về sự phân hóa trong đề thi tham khảo môn Ngữ Văn, trao đổi với phóng viên VOV2, TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng, đề thi môn ngữ văn khác với tất cả các môn còn lại. Các môn khác thi trắc nghiệm còn đề thi môn Ngữ văn thi tự luận vì thế nó không có những kiểu câu hỏi phân loại 50% là câu hỏi mức độ thấp sau đó phân hóa dần. Ở đây sự phân hóa được thể hiện ở trong 4 cấp độ nhận thức của câu hỏi trong phần đọc hiểu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cạo. Phần làm văn Nghị luận văn học, nghị luận xã hội thì mức độ phân hóa thể hiện ở cách làm, cách triển khai của từng thí sinh một.

“Về tổng thể, đề thi tham khảo môn Ngữ văn tạo ra tạo ra một sự an tâm, an toàn cho cả thầy và trò, không có gì mới mẻ, bất ngờ, đột biến cả. Nhưng chính vì không có điều gì bất ngờ ấy nó làm mất đi sự đón đợi rất hồi hộp thường có trước mỗi kỳ thi. Và vì thế có lẽ nó cũng giảm bớt phần nào sự hứng thú cho người thầy trong quá trình ôn luyện và học trò trong quá trình ôn thi và cụ thể quan trọng nhất là trong quá trình làm bài” - TS Trịnh Thu Tuyết đánh giá.