Theo đánh giá của thạc sĩ ngữ văn Trần Phương, đề thi môn Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 khá hay, mức độ đề có sự phân loại tốt, bám sát đề tham khảo được Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó.

Cụ thể ở phần đọc hiểu, các thí sinh được trả lời các câu hỏi đọc hiểu xoay quanh ngữ liệu là một đoạn thơ. Đây đều là các dạng câu hỏi quen thuộc, các thí sinh đã được luyện tập nhiều trong các bài thi tại trường THPT. Không có câu hỏi đọc hiểu nào ở mức khó hoặc lắt léo, hầu như các thí sinh chỉ cần đọc kỹ đề, có lý giải của bản thân, bám sát câu hỏi là sẽ đạt điểm tốt.

Câu 4 (Phần đọc hiểu) theo cô Trần Phương là một câu hỏi hay. Đề yêu cầu nhận xét những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hy sinh của tuổi trẻ.

"Với câu hỏi này, thí sinh cần trả lời rõ ý nghĩa sự hy sinh của tuổi trẻ là gì? Đó là độ tuổi có thể cháy bùng như lửa để tiêu diệt giặc giã, sự hy sinh của tuổi trẻ không chỉ mang lại hoà bình mà còn có khả năng lan toả, truyền động lực cho những lớp người sau. Và thí sinh cũng cần đưa ra đánh giá những suy ngẫm của tác giả là những suy ngẫm sâu sắc, đúng đắn của người từng trải", thạc sĩ Trần Phương đánh giá.

Về câu hỏi viết đoạn nghị luận xã hội 200 chữ, theo cô giáo Trần Phương đây là câu hỏi về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước. Yêu cầu đề rất rõ ràng và đòi hỏi thí sinh phải trả lời cụ thể: tuổi trẻ cần có trách nhiệm gì trong nhận thức, hành động.

"Thí sinh có thể trả lời: tuổi trẻ cần có nhận thức đúng đắn về vai trò của bản thân trong cuộc sống, xã hội hôm nay; cần ra sức học tập, trau dồi bản thân và tích lũy cho mình nhiều kiến thức; tuổi trẻ không được ngại khó khăn, thử thách, cần sống hết mình; cần tiếp nối những khát khao của thế hệ đi trước, đó là xây dựng đất nước vững mạnh, gìn giữ nền hoà bình... Với dạng câu hỏi này, thí sinh không được viết lan man mà chỉ được tập trung vào đúng yêu cầu của đề", cô Phương gợi ý.

Đối với câu 2 phần II của đề thi, cô giáo Trần Phương cho rằng đây là câu hỏi có sự phân hoá thí sinh. Với đề này, các thí sinh cần dựa vào ngữ liệu mà đề bài đã cho, có bình luận, đánh giá sâu sắc thì bài văn mới có sức thuyết phục cao. Năm nay đề có thêm một yêu cầu nhỏ: liên hệ với "hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá" có thể sẽ làm nhiều bạn lúng túng. Muốn làm tốt câu NLVH ở đề thi tốt nghiệp, các thí sinh cần có kỹ năng phân tích văn bản tốt, có tư duy liên hệ và đánh giá vấn đề.

Cô Phương nhận định, phổ điểm môn Ngữ văn năm nay dự đoán sẽ dao động nhiều ở mức 6,5-7,5 điểm, sẽ vẫn có nhiều điểm 8 - 9 nhưng sẽ không nhiều bạn trên điểm 9 như năm 2021.

Trong khi đó theo nhận định của TS. Trịnh Thu Tuyết (Giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI), đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, hơn thế nữa, do mô hình cơ bản không thay đổi nên các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.

Riêng đối với câu 2, phần II (Nghị luận văn học), câu hỏi sử dụng cấu trúc đề quen thuộc: sau đoạn trích của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một câu lệnh có 2 vế tương ứng với 2 yêu cầu: phân tích đoạn trích trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” và “liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống”.

Đoạn trích ngắn miêu tả phát hiện thứ nhất của Phùng về “chiếc thuyền ngoài xa” – “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh” với suy nghĩ, cảm xúc và những nhận thức, phát hiện mới mẻ, bất ngờ về sức mạnh kỳ diệu của cái Đẹp – đó là yêu cầu vừa sức với thí sinh trong đề thi có thời lượng 120 phút cho 3 câu. Yêu cầu thứ hai đề cập đến một trong những giá trị của tình huống nhận thức cũng là đơn vị kiến thức quen thuộc với thí sinh, và có thể mở ra những suy nghĩ sâu sắc độc đáo hơn về “mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống”.

Câu nghị luận văn học tuy đề cập những đơn vị kiến thức cơ bản và quen thuộc nhưng khi đặt ra sự liên hệ với hình ảnh con thuyền trong hai thời điểm (đầu và cuối truyện), trong 2 cự ly (chiếc thuyền khi ở ngoài khơi xa, được cảm nhận như một cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh; và chiếc thuyền đang vật vã chống chọi với sóng gió giữa cơn bão biển dữ dội ở cuối truyện, gợi ra những suy tư bất an về thân phận con người), thì đã tạo ra một góc nhìn tương đối mới mẻ, có khả năng khơi gợi hứng thú và những suy nghĩ sâu sắc cho thí sinh.

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn của cả nước năm 2021 cho thấy, 978.027 thí sinh tham gia làm bài thi môn này. Trong đó điểm trung bình là 6,47 điểm, điểm trung vị là 6,5 điểm, điểm số nhiều thí sinh đạt nhất là 7,0 điểm. Số thí sinh đạt điểm <= 1 là 172 (chiếm tỷ lệ 0,02%), số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 117.915 (chiếm tỷ lệ 12,06%). Đặc biệt, có đến 14.968 em đạt từ 9 điểm trở lên và có 3 em đạt điểm 10.