Quy trình kiểm soát trùng lặp đề thi với 120 GB dữ liệu đưa vào

Kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp 2023, nhiều giáo viên và chuyên gia cho rằng đề thi môn Ngữ văn trùng lặp với đề thi của các địa phương đã tổ chức trước đó. Cụ thể, ở câu nghị luận xã hội trùng với đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội cách 2 tuần. Còn phần nghị luận văn học trùng lặp với đề thi của tỉnh Nghệ An.

Trả lời băn khoăn này của dư luận, GS. Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng ban đề thi cấp quốc gia cho biết, tinh thần đề thi năm nay cơ bản ổn định cấu trúc như năm 2022, đề thi nằm trong chương trình lớp 12, không ra vào phần giảm tải, đảm bảo tính phân hóa.

Năm nay lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa vào quy trình kiểm soát những phần trùng lặp nội dung đã thi bằng cách sử dụng phần mềm và cơ sở dữ liệu đưa vào.

Theo ông Hà, dữ liệu đưa vào khoảng 120 GB gồm tất cả đề thi, đề đã thi, câu hỏi tìm kiếm trên mạng, các cơ sở gửi tới và Bộ GD – ĐT chủ động tìm.

Bộ sử dụng phần mềm đối sánh do đó hạn chế được nhiều phần trùng lặp. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp này phụ thuộc vào dữ liệu đang có.

Với ý kiến cho rằng, đề thi trùng lặp với đề thi của tỉnh nghệ An, GS. Nguyễn Ngọc Hà khẳng định phần ngữ liệu trùng. Tuy nhiên lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau và điều này là bình thường.

“Với phần làm văn vì cả chương trình có tổng cộng 17 tác phẩm, trong đó chỉ sử dụng được15 tác phẩm, còn 2 tác phẩm không thuộc phần giao của chương trình giáo dục thường xuyên. Vì vậy bắt buộc chương trình hiện hành 2006 không thể ra khác được ngoài 15 tác phẩm này”.

Ông Hà cho rằng ngữ liệu được nhiều tỉnh thành sử dụng, thậm chí mỗi tỉnh thành có thể dùng 2 – 3 lần, bao gồm cả thi thử. Tuy nhiên lệnh hỏi khác nhau nên không thể coi là trùng đề.

Trong khi đó, so sánh đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GD-ĐT Hà Nội với đề thi tốt nghiệp THPT 2023, ông Hà cho rằng ngữ liệu khác nhau, lệnh hỏi khác nhau.

“Lệnh hỏi đề thi của Hà Nội là “làm chủ cảm xúc”, trong khi đó đề thi tốt nghiệp THPT ở mức độ cao hơn là “cân bằng cảm xúc”.

Trước đây, bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn từng đưa ra thông điệp “chống văn mẫu”. Tuy nhiên, đề thi môn Ngữ Văn Kỳ thi tốt nghiệp năm nay được đánh giá là có cấu trúc cũ, cách hỏi và trùng lặp, không khuyến khích sự sáng tạo đổi mới dạy và học.

Phản hồi ý kiến này, GS. Hà cho rằng, trong đề văn có phần đọc hiểu và làm văn. Phần đọc hiểu được phép sử dụng ngữ liệu không nhất thiết nằm trong chương trình, riêng đây là điểm mới.

“Trong các đề thi, phần đọc hiểu tổ ra đề luôn hướng tới vấn đề có nội dung liên quan thiết thực tới các vấn đề xã hội, thời sự, cần tính giáo dục. Với ngữ liệu tự chọn, riêng phần đọc hiểu có tính mở cao”.

Theo ông Hà, lứa thí sinh năm 2023 và 2024 vẫn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Chúng ta chờ đón đề thi của chương trình 2018 với tính mở cao, không có những quy định về tác phẩm cụ thể thì tính sáng tạo nhiều hơn.

“Thời điểm hiện tại do quy định chương trình nên chỉ có thể làm tốt nhất trong khả năng”, ông Hà khẳng định.

Tiếp tục nghiên cứu đổi mới đề thi

Thừa nhận ra đề thi là khâu khó nhất vừa phải đảm bảo công bằng cho các vùng miền, đánh giá trên diện rộng chất lượng dạy của từng vùng miền, ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho rằng, đổi mới đề thi đang ở giai đoạn bước nối.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang dần tiến tới kết thúc việc thi chương trình năm 2006 và chuyển sang chương trình 2018, do đó chúng tôi tính toán, cân nhắc, tham mưu lộ trình hợp lý nhất và không gây sốc cho thí sinh.

Kể cả thí sinh đang học chương trình 2018 cũng mới chỉ được 3 năm vì vậy quá trình đổi mới cần lộ trình. Do vậy theo ông Chương, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu đổi mới để đến năm 2025 việc đổi mới thi theo chương trình 2018 ở mức độ toàn diện hơn và tính mở cao hơn.

Nói về việc đổi mới đề thi, ông Chương khẳng định chương trình và phương án đã công khai. Hiện, Bộ đã kết thúc lấy ý kiến xã hội, thường trực ban chỉ đạo tiếp tục xử lý gần 200 ý kiến phân tích để có ma trận báo cáo Chính phủ và Bộ trưởng để đưa ra phương án thi phù hợp cho năm 2025.

Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, đề thi năm nào cũng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến của dư luận. Đây là nội dung quan trọng thuộc trách nhiệm của bộ. Chúng ta đã có kinh nghiệm tích lũy nhiều năm. Do đó năm nay tiếp tục đổi mới trong quy trình từ đề thi đến lựa chọn cán bộ làm đề.

“Đề thi có hội đồng, các ban, giới thiệu tổ hợp phản biện. Các thành viên tham gia trong ban đề thi ở các môn được lựa chọn từ giáo viên nhiều kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ từ giáo viên phổ thông trực tiếp đứng lớp để sát với thực tiễn năng lực, trình độ của HS, cân đối thầy cô ở vùng miền khác nhau, đến các thầy cô là giảng viên ĐH để đảm bảo tính chính xác khoa học và toàn diện của kiến thức”, Thứ trưởng khẳng định đề thi có độ tin cậy cao, đảm bảo yêu cầu về cấu trúc, mức độ nhận biết, thông hiểu và phân hóa.

Thứ trưởng cho rằng những trăn trở về đổi mới đề thi cho thấy việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là cấp bách, từ chương trình, sách giáo khoa đến hình thức, nội dung thi cử. “Cấu trúc, nội dung đề thi đang thực hiện theo chương trình hiện hành nên phải có sự giao thời nhất định, chưa thể theo ngay đổi mới”.

Chưa tính đến việc trả kỳ thi tốt nghiệp về cho các địa phương

Với sự cố lọt đề thi, đề thi nhận được những phản ứng trái chiều từ dư luận, nhiều ý kiến cho rằng kỳ thi với quy mô hơn một triệu thí sinh được tổ chức bởi cơ quan trung ương thì những sự số như vậy khó tránh khỏi. Phóng viên đặt câu hỏi liệu Bộ GD-ĐT có nghĩ chuyện trả kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương tự tổ chức bởi hiện nay, chỉ 50% xét tuyển dựa vào kết quả thi?

Trước băn khoăn này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định chủ trương chung trong mọi vấn đề là phân cấp. Thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT chưa tính đến việc để các tỉnh tổ chức kỳ thi này vì chưa phù hợp.

“Hiện nay vẫn thi 3 chung: chung đề, chung đợt, chung kết quả với mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp, xét tuyển sinh CĐ - ĐH 60%. Vậy mỗi tỉnh ra đề mức độ khó dễ khác nhau có đảm bảo công bằng không?”, theo Thứ trưởng để cho mỗi tỉnh tự tổ chức cũng không hề đơn giản./.

Với đề thi Địa lý Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, câu 79 mã đề 324 liên quan đến khối lượng hàng hóa luân chuyển bằng đường hàng không ở nước ta giai đoạn 2015-2020, yêu cầu nhận xét biểu đồ, có GV Địa lý cho rằng đề thi không có đáp án đúng.

Phản hồi về thắc mắc này, GS. Nguyễn Ngọc Hà cho biết chưa trực tiếp làm việc với tổ ra đề. Tuy niên sẽ trao đổi với tổ ra đề môn Địa lý và thông báo sau.