Xưa, các cụ làm thơ cổ điển, thơ Đường luật, Thất ngôn bát cú "đề - thực - luận - kết"– đó là mẫu nhưng mỗi người sử dụng mẫu ấy khác nhau nên mới có Tú Xương khác với Hồ Xuân Hương, khác với Nguyễn Khuyến. Nhưng bây giờ chép theo nhau là cái nạn khủng khiếp. Các cụ 1000 năm Văn học Trung đại cứ bảo theo mẫu, cổ điển, nhưng thực ra vẫn sáng tạo và đó chỉ là khung thôi, nhưng giờ đưa bài văn, thuộc lòng rồi chép. Tôi cực kỳ phản đối văn mẫu là vì thế! TS. Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội chia sẻ về "vấn nạn" văn mẫu.

Văn mẫu xuất phát từ những hạn chế trong chương trình, SGK, dạy - học và thi cử

TS. Trịnh Thu Tuyết cho rằng sự trì trệ, bất cập trong chương trình SGK, trong quá trình dạy và học, trong cả khâu ra đề kiểm tra, đánh giá đã dẫn đến văn mẫu.

Ví dụ, chương trình văn lớp 12 có hơn 10 tác phẩm, trong cả năm ấy mỗi giáo viên cứ tuần tự dạy theo phân phối chương trình, từ tác phẩm đầu tiên đến tác phẩm cuối cùng, dạy đến cạn kiệt các đơn vị kiến thức để làm sao khớp với khả năng ra đề. Mô hình ra đề trở thành quen thuộc, thậm chí định hình trong đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT.

Với ngần ấy tác phẩm, thầy cô “chần” tan nát như tiêu bản trong phòng thí nghiệm, đi thi cũng thi đúng 1 trong từng đó bài nếu không có văn mẫu mới là lạ. Bởi người dạy lười biếng hoặc không có gì riêng sẽ cóp thành văn mẫu.

Bao giờ trước một kỳ thi quốc gia Bộ GD&ĐT cũng ra đề minh họa, thậm chí có năm 2 -3 đề minh họa với những tên như đề thử nghiệm, đề tham khảo, đề minh họa... Đây cũng chính là nguyên nhân tạo ra khuôn, để rồi giáo viên cũng rập khuôn ấy.

Có thể Bộ GD&ĐT muốn định hướng gợi ý để thầy và trò học, nhưng đến giáo viên, với những người lười suy nghĩ thì đấy là phương tiện họ “cày" để dạy, rồi bắt học sinh học theo khuôn.

Nhưng với những người có bản lĩnh, muốn khuyến khích sự sáng sáng tạo của học trò sẽ thấy đề minh họa như “vòng kim cô” ràng buộc sự sáng tạo của cả thầy và trò.

Đề văn thi tốt nghiệp THPT có 2 phần. Phần đọc hiểu là văn bản ngoài SGK chiếm 3 điểm. Phần làm văn với câu Nghị luận xã hội liên quan trực tiếp đến văn bản đọc hiểu. Câu Nghị luận văn học có quỹ điểm cao nhất (5 điểm) có 50% số điểm trong bài chắc chắn thầy và trò "quần nát" trong chương trình cả năm học. SGK có mười mấy tác phẩm, lại có đề mẫu, minh họa, đề ra đáp án cũng có từng ý, từng nội dung.

Ví dụ, đáp án câu Nghị luận văn học, đảm bảo về hình thức là 0.25 điểm, nội dung 0.5 điểm, đúng chính tả ngữ pháp 0.25 điểm và sáng tạo sâu sắc mới mẻ 0,5 điểm tổng cộng 1.5 điểm, chắc chắn HS có 1-1.5 điểm. Nếu giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm được 0.5 điểm …từng chi tiết nhỏ đáp án công bố duy trì bao nhiêu năm nay đã tạo ra khuôn.

Tuy vậy theo cô Tuyết, nếu nói đó là khuôn sẽ “hơi nặng” vì đó là yêu cầu tối thiểu mà học sinh phải đạt được, nhưng còn lại trong 5 điểm của câu Nghị luận văn học còn 3 điểm trong hướng dẫn của các Hội đồng chấm thi định lượng ra từng đơn vị kiến thức, ví dụ nói được nội dung ý 1-2-3 sẽ được bằng này điểm, nói được nghệ thuật ý 1-2-3 được bằng này điểm, tích vào thì được từng này điểm đó là cơ sở tiềm tàng cho văn mẫu phát triển.

Theo TS. Trịnh Thu Tuyết, lâu nay, giáo dục phổ thông có một khái niệm mà bản thân sự tồn tại của nó đã cho thấy vấn đề trong hoạt động dạy và học của thầy trò phổ thông, đó là khái niệm “trả bài”.

Từ kiểm tra miệng, vấn đáp, thi quốc gia, đều tính chất trả bài, thầy giảng, học sinh nghe chép sau đó chép càng nhiều, càng đủ, càng đúng càng tốt rồi học thuộc lòng, hôm sau thầy kiểm tra, cuối năm thi quốc gia viết lại hoặc trả lời lại càng đúng, càng đủ điểm càng cao, học sinh trả bài của thầy cho thầy. Theo cô Tuyết, trả bài là tư duy sinh ra văn mẫu.

Nguyên nhân sâu xa từ Danh và Lợi

Nguyên nhân dẫn đến “vấn nạn” văn mẫu theo cô Tuyết còn xuất phát từ danh lợi. Từ cái danh muốn có thành tích, thích tỉ lệ đỗ cao, thích bằng khen… Văn mẫu còn do sự lười biếng, trì trệ, thậm chí vụ lợi của một số giáo viên đã tạo ra một “nền công nghiệp văn mẫu” kiếm tiền trong các lớp dạy thêm, học thêm.

“Số lượng giáo viên sử dụng văn mẫu để kiếm tiền nhiều vô biên, họ làm giàu bằng văn mẫu, lên mạng tìm kiếm thử thấy kinh hoàng, phải nói là một “nền công nghiệp văn mẫu”, TS Thu Tuyết bức xúc.

Quá trình dạy và học, muốn GV thay đổi cực kỳ khó vì liên quan đến năng lực (trí tuệ, chuyên môn, kiến thức, kỹ năng) và bản lĩnh liệu có dám bảo vệ điều suy nghĩ, có dám đối diện với tất cả phản biện tranh luận và chấp nhận cả phương án khác của học sinh không.

Tuy nhiên, giáo viên có nhân cách thế nào đi chăng nữa nhưng nếu chương trình SGK, quá trình dạy và học, thi cử, kiểm tra đánh giá vẫn trì trệ thì không bao giờ thay đổi được. Có thể khẳng định, chính cách dạy, cách thi, cách ra đề và chấm thi cùng nền công nghiệp luyện thi kinh hoàng như hiện nay đã hủy hoại thê thảm chất văn chương, biến học trò thành những cái máy được lập trình theo ba công đoạn: ghi chép – học thuộc – trả bài! Học như thế, thi như thế, học trò không chán văn mới là sự kì lạ!", TS. Trịnh Thu Tuyết khẳng định.

Kiến nghị không thi các tác phẩm có trong SGK

Theo TS. Trịnh Thu Tuyết, để triệt tiêu vấn nạn văn mẫu cần thay đổi cả quá trình. Trước tiên là chương trình SGK.

SGK nên tuyển chọn những tác phẩm mang tính chất kinh điển cuả Việt Nam thế giới ở các thể loại, nội dung, chủ đề, cảm hứng, khác nhau phong phú đa dạng phù hợp từng cấp học. Trong quá trình dạy và học, thầy cô sử dụng văn bản mang tính kinh điển làm 2 việc:

Thứ nhất: Quá trình dạy và học, thực chất là quá trình tương tác giữa thầy và trò, thầy cô hướng dẫn để học sinh sở hữu những kỹ năng: đọc, hiểu, giải thích, cảm thụ, phân tích, diễn đạt…để khám phá và làm chủ đơn vị kiến thức trong những tác phẩm kinh điển được tuyển chọn trong SGK. Quá trình đó sẽ giúp học sinh được có được kỹ năng không chỉ dùng cho bài thi tốt nghiệp THPT mà dùng trong suốt cuộc đời. Khi xem 1 bộ phim, nghe ca từ của 1 bài hát, đọc quyển truyện… đều có thể sử dụng kỹ năng đó để phân tích, cảm thụ tác phẩm.

Thứ hai: Bên cạnh kỹ năng, trong quá trình tiếp cận tác phẩm kinh điển của Việt Nam và thế giới, ví dụ đưa trích đoạn Hoàng tử bé vào tác phẩm lớp 6, các em học Dế mèn phiêu lưu ký, Chiếc lá cuối cùng, Truyện Kiều…, các em được khơi gợi xúc cảm, suy nghĩ, có chiêm nghiệm, trải nghiệm. Đây là những trải nghiệm mà nếu như người lớn phải qua những bầm dập, bất hạnh, thăng hoa trong cuộc sống mới có được thì HS có thể đi tắt trong sự cảm nhận, tiếp nhận của mình để có những trải nghiệm tắt từ tác phẩm văn chương.

Như vậy cùng lúc người thầy bằng cách hướng dẫn trò để các em vừa chiếm lĩnh kiến thức, vừa có năng lực và vừa có phẩm chất. Tất nhiên, đây là quá trình không thể nóng vội.

Vấn đề đặt ra là những tác phẩm đó đưa vào sách giáo khoa để làm gì? Theo TS. Trịnh Thu Tuyết, những tác phẩm này chỉ như những dữ liệu thầy sử dụng cung cấp cho trò những kỹ năng, học trò sử dụng những tác phẩm đó như ví dụ, dẫn chứng khám phá, chiếm lĩnh kiến thức từng tác phẩm cụ thể chứ không phải tác phẩm đó cuối năm sẽ thi.

Để "dẹp" văn mẫu, TS. Trịnh Thu Tuyết đề xuất không thi tác phẩm ở trong chương trình mà chỉ thi các tác phẩm ở ngoài chương trình như cách làm của các nước phát triển.

“Chính điều đó bỏ được áp lực thi cử. Nếu hôm nay học Tây Tiến thì cuối năm thi thì các em học trong trạng thái ra sức chép lời thầy, còn nếu không còn là tác phẩm thi nữa thì các em học thoải mái, không còn áp lực, có thể nói những điều thật nhất, xúc cảm chân thành nhất trong tiếp nhận của mình, có thể thể hiện được khả năng, năng lực diễn đạt, trình bày một vấn đề, "cũng như khi các em review về một bộ phim về một cuốn truyện nào đó trên status mạng xã hội..."

Đề thi cần thay đổi ra sao?

Theo TS. Trịnh Thu Tuyết, đề thi từ 2017 đến nay Nghị luận xã hội luôn theo form bất biến dù tác phẩm lấy từ bên ngoài SGK, đó là mảnh đất màu mỡ cho văn mẫu phát triển. Phần Nghị luận văn học chiếm 50% số điểm còn lại càng khiến cho văn mẫu có đất tung hoành.

TS. Tuyết cho rằng đề thi có thể học theo các nước phát triển. "Tôi đã thử nghiệm những đề như vậy trong các lớp học của mình và học sinh rất thích. Đề có 2 câu, câu 1 là đọc hiểu và cảm thụ văn học. Câu 2 là nghị luận xã hội.

Như các đề thi bấy lâu, câu 1 thường sử dụng văn bản chính luận làm đề đọc hiểu. Thật ra cung cấp kỹ năng đọc hiểu sau này có mấy người tìm văn bản chính luận để đọc, chỉ khi cần chuyên môn hẹp thì mới tìm đến.

Khả năng đọc hiểu chủ yếu rơi vào các tác phẩm văn học, cho nên tôi thử nghiệm ngữ liệu đọc hiểu 90% sử dụng các văn bản nghệ thuật như đoạn văn xuôi tự sự, văn xuôi trữ tình, 1 đoạn thơ trữ tình thậm chí ca từ bài hát, tất nhiên phải chọn lọc đầy đủ đáp ứng tiêu chí giáo dục, nhân văn… Những câu hỏi đọc hiểu nên phong phú chứ đừng theo form bất biến như lâu nay không thay đổi.

Để trả lời các câu hỏi đọc hiểu, học sinh cần vận dụng tất cả những kĩ năng đã được cung cấp, được luyện và đã sử dụng thành thạo trong cả năm học khi tiếp cận với các tác phẩm văn học của chương trình sách giáo khoa. Trong số các câu hỏi đọc hiểu, có thể dành một câu viết đoạn văn để học sinh thể hiện kĩ năng cảm thụ văn chương và nhất là kỹ năng diễn đạt với đối tượng là một chi tiết tự sự hay một câu thơ nào đó (thực ra trong cuộc sống hàng ngày, nghe một bài hát, đọc một cuốn sách, thường cũng chỉ cùng nhau bình một ca từ, một câu thơ hay một chi tiết nào đó, mấy ai ngồi phân tích tác phẩm).

Bài luận về các vấn đề hoặc các hiện tượng xã hội phải là bài văn hoàn chỉnh chứ không phải đoạn văn cắt khúc như hiện nay. Chỉ trong bài văn hoàn chỉnh như thế, học sinh mới có cơ hội thể hiện rõ nhất nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh, quan niệm sống cùng những trải nghiệm và khả năng tư duy chặt chẽ, lập luận sâu sắc sáng tạo… của mình.

Nếu làm vậy, có lẽ sẽ không còn khái niệm “trả bài”, mỗi bài thi sẽ là sự kiểm tra đánh giá những kĩ năng các em tự thu nhận được sau những hướng dẫn của thầy cô, khả năng sử dụng các kĩ năng ấy để khám phá kiến thức, cũng thấy được những phẩm chất các em tự bồi đắp cho mình, dần dần, chắc chắn, sau từng tác phẩm văn chương", TS. Trịnh Thu Tuyết nêu quan điểm.