Đại học Đông Dương, tiền thân của ĐH Tổng Hợp Hà Nội nay là ĐHQG Hà Nội trước đây có rất nhiều chuyên ngành trong đó ngoài các ngành Khoa học cơ bản còn có các khoa ngành đào tạo nghệ thuật. Việc Khoa các khoa học liên ngành được chính thức cấp giấy phép trở thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật như thêm một mảnh ghép nhằm hoàn thiện các lĩnh vực đào tạo đa ngành ở ĐH Quốc gia Hà Nội.
Nhân dịp này, VOV2 có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật.
Phóng viên: Thưa PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, được biết Khoa Các khoa học Liên ngành đã được chuyển đổi mô hình và tổ chức lại thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, vậy trường có những khoa ngành đào tạo mới nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật sau khi được chuyển đổi từ Khoa Các khoa học liên ngành được Đại học Quốc gia Hà Nội giao cho nhiệm vụ tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo đại học và sau đại học về khoa học liên ngành hiện có các chương trình có tính liên ngành trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sáng tạo và nghệ thuật. Điều này cho phép nhà trường bên cạnh các chương trình đào tạo đang tổ chức triển khai, thực hiện việc xây dựng và tổ chức đào tạo các chương trình đào tạo mới gắn với chức năng nhiệm vụ.
Trong năm học này, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật đang chuẩn bị được ĐHQGHN giao nhiệm vụ triển khai đào tạo trình độ đại học ngành Kiến trúc (chương trình đào tạo Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan), ngành Nghệ thuật thị giác (với hai hướng ngành là Nhiếp ảnh nghệ thuật và Nghệ thuật tạo hình đương đại).
Như thế, chỉ riêng đối với các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, cùng với ngành Thiết kế sáng tạo (với các hướng ngành là Đồ họa công nghệ số, Thiết kế nội thất bền vững, Thời trang và sáng tạo), nhà trường sẽ thực hiện đào tạo 3 ngành ở bậc cử nhân.
Đối với trình độ thạc sỹ, hiện nay nhà trường cũng đã hoàn thiện hồ sơ để được Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép đào tạo ngành Công nghiệp văn hóa sáng tạo. Đây là chương trình đào tạo thạc sỹ đầu tiên và tiên phong về công nghiệp văn hóa sáng tạo trên phạm vi cả nước.
Như vậy, với việc xây dựng thêm các chương trình đào tạo mới, đến năm 2024, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật là đơn vị đào tạo đủ 3 trình độ giáo dục đại học: 2 ngành trình độ tiến sỹ là Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Di sản học; với 5 ngành trình độ thạc sỹ là Biến đổi khí hậu, Khoa học bền vững, Quản lý phát triển đô thị, Di sản học và 7 ngành trình độ đại học là Quản trị thương hiệu, Quản trị tài nguyên di sản, Quản trị đô thị thông minh và bền vững, Quản lý giải trí và sự kiện, Thiết kế sáng tạo, Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan, Nghệ thuật thị giác.
Trong đào tạo đại học, có 6 ngành sinh viên học 4 năm, tốt nghiệp nhận bằng cử nhân còn ngành Kiến trúc thì sinh viên học 5 năm và nhận bằng kiến trúc sư. Đây cũng là lần đầu tiên ở ĐHQGHN sẽ cấp văn bằng kiến trúc sư.
Phóng viên: Việc mở ngành đào tạo mới được dựa vào căn cứ nào và trường có sự chuẩn bị gì về nhân sự và cơ sở vật chất thưa ông ?
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Như chúng ta đều biết, việc mở một chương trình đào tạo mới đòi hỏi một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và xây dựng hết sức công phu và nghiêm túc. Đối với chúng tôi, việc quyết đinh xây dựng một chương trình đào tạo ngoài việc căn cứ vào các chiến lược phát triển của đơn vị nói riêng và Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung thì được căn cứ chủ yếu từ tình hình thực tiễn bao gồm xu hướng biến đổi của các ngành đào tạo nghệ thuật ứng dụng ở Việt Nam và trên thế giới, đặc biệt là kết quả khảo sát nhu cầu xã hội, nhất là nhu cầu của các doanh nghiệp về nguồn nhân lực được đào tạo. Ngoài ra, chúng tôi cũng xem xét việc mở ngành từ việc nghiên cứu mối quan hệ giữa ngành đào tạo dự định mở với các ngành sẵn có của nhà trường để đảm bảo tính hệ thống cũng như duy trì quan hệ tương hỗ giữa các ngành.
Bên cạnh đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh tới đặc điểm của việc mở ngành ở Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật là ngoài việc tuân thủ các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của ĐHQGHN trong việc mở ngành thì nhà trường chủ động lựa chọn tiếp cận đào tạo đáp ứng các xu thế mới của thị trường lao động về yêu cầu nhân lực, lựa chọn tiếp cận đào tạo theo triết lý giáo dục toàn diện và điều này thể hiện rõ ràng nhất ở việc chuẩn bị nhân sự để tổ chức đào tạo.
Đội ngũ giảng viên về lĩnh vực nghệ thuật của nhà trường không chỉ vượt yêu cầu về số lượng mà còn đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng bởi bên cạnh giảng dạy, nghiên cứu thì hầu hết giảng viên đều là các nhà thực hành sáng tạo, nhà quản lý sáng tạo có uy tín trong cộng đồng nghề nghiệp và có những đóng góp xuất sắc trong thực hành nghề nghiệp tại thủ đô. Chúng tôi tự hào trong đội ngũ giảng viên có nhiều người được các giải thưởng quốc gia về mỹ thuật, về sách, về các dự án nghệ thuật và di sản của thủ đô, các chương trình giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản cấp quốc gia, được khẳng định tên tuổi và uy tín ở trong cộng đồng thực hành, sáng tạo nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo về nghệ thuật còn được hưởng lợi nhờ môi trường giáo dục toàn diện và mang tính liên ngành. Sinh viên không chỉ được rèn luyện các kiến thức kỹ năng của ngành mà còn có cơ hội được học các nhóm học phần về phát triển năng lực làm việc sáng tạo, năng lực kinh doanh và khởi nghiệp, năng lực truyền thông và marketing, do các giảng viên của các ngành khác trong trường giảng dạy. Đây là yếu tố quan trọng để sinh viên ngay từ khi đang học để hướng đến việc khai thác, quản trị, chuyển giao các sản phẩm sáng tạo của mình và là yếu tố năng lực đang rất được thị trường mong đợi bên cạnh năng lực chuyên môn.
Về cơ sở vật chất, trường xây dựng một hệ thống giảng đường và thực hành nghề nghiệp, không gian sáng tạo nghệ thuật tại Khoa Nghệ thuật và Thiết kế ở tầng 7 và tầng 1, Tòa nhà C1T (144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội). Cùng với hệ thống phòng học, phòng thực hành, không gian sáng tạo, thiết bị chuyên ngành được đầu tư thì hệ thống học liệu thường xuyên được cập nhật, phù hợp với nội dung phát triển tri thức về lĩnh vực được đào tạo trên thế giới.
Tuy nhiên, điểm nhấn quan trọng của chuẩn bị cơ sở vật chất là hệ thống các xưởng, các studio nghề nghiệp, các địa chỉ nghệ thuật mà trường đã kết nối, ký thỏa thuận hợp tác đào tạo để giảng viên và sinh viên triển khai việc dạy học ngay tại môi trường làm việc thực tế, ngay từ những học phần đầu tiên. Các địa điểm liên quan đến di sản và sáng tạo nghệ thuật như quần thể di tích và khu trưng bày tại Tòa nhà Quốc hội, Hoàng thành Thăng Long, cụm tuyến di tích tại quận Hoàn Kiếm và nhiều bảo tàng, galery, studio đã bắt đầu quen thuộc vớ sự xuất hiện của sinh viên nhà trường. Chúng tôi quan niệm rằng trong đào tạo nghệ thuật, cơ sở vật chất tại trường là nền tảng, song mạng lưới thực hành nghề nghiệp ngoài trường có môt tầm quan trọng rất lớn bởi sự đa dạng của đời sống nghệ thuật đòi hỏi sự đa dạng trong nguồn lực đào tạo.
Phóng viên: Vậy đâu là sự khác biệt của chương trình đào tạo của trường với các trường đào tạo cũng lĩnh vực, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Mặc dù là một đơn vị mới tham gia các hoạt động về sáng tạo và nghệ thuật, tuy nhiên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật là một đơn vị đào tạo mang bản sắc riêng khi xây dựng triết lý đào tạo nghệ thuật dựa trên nền tảng của khoa học liên ngành. Đây không chỉ là một định hướng giáo dục mới mẻ về nghệ thuật trên thế giới mà còn là một khuôn khổ giúp cho sinh viên của các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật được phát triển một cách toàn diện, vừa tập trung năng lực chuyên môn của ngành vừa phát triển năng lực quản trị nghề nghiệp, khởi nghiệp. Điều này được thể hiện trong các mục tiêu đào tạo được thiết kế và cấu trúc chương trình đào tạo dược xây dựng đa dạng, linh hoạt gồm nhiều nội dung chuyên môn khác nhau, giúp cho sinh viên có thể dễ dàng lựa chọn định hướng phát triển cũng như phát huy các thế mạnh của mình.
Điểm khác biệt thứ hai trong các chương trình đào tạo về nghệ thuật của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật là việc tăng cường các hoạt động thực hành và ứng dụng bên cạnh việc đào tạo lý thuyết. Cuối cùng, nhà trường chú trọng việc tư vấn, hỗ trợ học tập cho sinh viên, hướng sinh viên chủ động tăng cường thực hành kỹ năng nghệ thuật và đa dạng trải nghiệm học tập để hình thành tư duy nghệ thuật đa dạng gắn với thực hành nghề nghiệp.
Phóng viên: Sự hợp tác trong nước và quốc tế được thưc hiện thế nào để sinh viên ra trường có đủ kiến thức và năng lực hội nhập trở thành công dân toàn cầu thưa ông ?
PGS TS Nguyễn Văn Hiệu: Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và xu thế phát triển của các lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo trên toàn thế giới hiện nay, yêu cầu hội nhập trở thành một trong những mục tiêu quan trọng và bắt buộc đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật. Bên cạnh đó chúng tôi cũng ý thức được rằng sự đồng hành của các doanh nghiệp các đơn vị sử dụng lao động tương lai có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phát triển năng lực của người học, thu hẹp khoảng cách giữa kết quả đào tạo và yêu cầu thực tế.
Do đó, ngay từ trong quá trình xây dựng các chương trình cho đến khi triển khai đào tạo, các hoạt động hợp tác với đơn vị và doanh nghiệp ở trong nước và quốc tế của nhà trường đã được song song thực hiện. Kết quả có được cho đến nay là gần một trăm biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết, trong đó có nhiều đối tác có tên tuổi và uy tín lớn. Đặc biệt, vừa qua nhà trường cũng chính thức ký kết hợp tác với Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Anwept (Bỉ), một cơ sở giáo dục về nghệ thuật hàng đầu ở châu Âu, có lịch sử gần 400 năm và là ngôi trường mơ ước của nhiều sinh viên ngành nghệ thuật trên khắp thế giới trong các hoạt động trao đổi sinh viên và nghiên cứu khoa học.
Việc ký kết hợp tác với các đối tác không chỉ mở ra cơ hội cho sinh viên được thực tập và học tập ở những môi trường thực tế có chất lượng mà đồng thời còn thu hút được một đội ngũ chuyên gia từ các doanh nghiệp hỗ trợ và tham gia vào các chương trình đào tạo của nhà trường, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có đạt được những kỹ năng và kiến thức chuyên môn theo yêu cầu thực tế. Trong khi đó, việc hợp tác với nhiều trường đại học và trung tâm đào tạo về nghệ thuật lớn trên thế giới sẽ là cơ hội để sinh viên lĩnh vực nghệ thuật của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật được học hỏi và tiếp cận với trình độ phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Phóng viên: Xin cảm ơn PGSTS Nguyễn Văn Hiệu, chúc Trường ngày càng phát triển góp phần hoàn thiện mô hình và định hướng của ĐHQG Hà Nội!