Vì sao điểm học bạ "chạm trần"?

Trường đại học Văn hóa Hà Nội có đến 3 ngành đạt mức điểm chuẩn 30.5 theo phương thức xét tuyển học bạ, đó là Báo chí, Luật và Quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành. Chuyên ngành văn hóa truyền thông cũng có điểm chuẩn chạm trần 30.

Theo ông Trương Đại Lượng - Trưởng phòng Đào tạo, quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, trường ĐH Văn hóa Hà Nội, so với năm trước điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ tăng nhẹ, cao nhất là 3 điểm. Tuy nhiên, trường ĐH Văn hóa không đơn thuần chỉ xét học bạ mà xét học bạ kết hợp theo quy định. Do đó, điểm xét tuyển theo phương thức học bạ tăng chỉ là một phần còn điểm cao do thí sinh đạt được các chứng chỉ, điểm ưu tiên khác.

“Các em lấy điểm học bạ theo từng tổ hợp 3 năm cộng điểm ưu tiên, chẳng hạn chứng chỉ IELTS hoặc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh, tùy theo giải, chứng chỉ, tùy theo mức độ thí sinh đạt được nhà trường mới cộng điểm cho các em”.

Bên cạnh trường ĐH Văn hóa, nhiều trường ĐH khác cũng có mức điểm xét tuyển học bạ tăng chóng mặt. Nếu như năm 2021 phương thức xét học bạ của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chỉ có hai ngành đạt 29 điểm thì năm nay có đến bốn ngành có điểm chuẩn 29,75.

Nhiều ngành tại Trường đại học Cần Thơ cũng có điểm chuẩn học bạ tăng mạnh, có ngành tăng đến 5 điểm. Nếu như năm 2021 điểm chuẩn cao nhất là 29 và chỉ có hai ngành ngoài sư phạm đạt mức điểm này thì năm nay có đến năm ngành có điểm chuẩn từ 29 trở lên, trong đó có 3 ngành 29,25 điểm.

Trước hiện tượng điểm chuẩn học bạ tăng vọt, TS. Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân lý giải, hiện nhiều thí sinh đăng ký nhiều trường xét tuyển theo phương thức học bạ và các phương thức xét tuyển khác, không sử dụng kết quả thi THPT nhưng chỉ tiêu dành cho phương thức này ở các trường là không cao.

“Mọi năm phương thức xét theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT là phương thức được các trường dành chỉ tiêu cao nhất nhưng năm nay có những trường lần đầu tiên sử dụng phương thức xét học bạ dẫn đến tính huống nhiều thí sinh đăng ký phương thức này trong khi chỉ tiêu ít thì điểm trúng tuyển tăng lên”.

Học bạ là phương thức xét tuyển ít công bằng nhất?

3 năm qua, việc học của thí sinh chịu ảnh hưởng rất lớn do dịch COVID-19, vậy mà điểm chuẩn xét tuyển theo học bạ vẫn tăng dần, thậm chí có trường tăng 7-8 điểm. Theo thầy giáo Đinh Đức Hiền đó là một sự bất thường. “Nếu như phương thức này không được kiểm soát thì việc 30 hay trên 30 mới đỗ ĐH bằng xét tuyển học bạ không còn là chuyện hiếm trong tuyển sinh ĐH”.

Điểm chuẩn học bạ tăng đột biến cho thấy 3 vấn đề cần xem xét. Đó là độ tin cậy thấp của phương thức xét tuyển học bạ; Có sự cạnh tranh, chạy đua xét tuyển học bạ giữa các trường ĐH, thể hiện ở chỗ các trường ĐH có những mức điểm cộng ưu tiên khác nhau, chênh lệch nhau rất lớn và không có chuẩn chung giữa các trường ĐH với nhau; Cuối cùng là sự bất cập trong kiểm tra đánh giá năng lực của học sinh tại các trường THPT trong phạm vi cả nước.

Theo thầy Đinh Đức Hiền, phương thức xét tuyển bằng học bạ là phương thức có độ tin cậy thấp nhất và tính công bằng thấp nhất vì các trường ĐH không thể kiểm soát nổi điểm học bạ thí sinh mà phụ thuộc hoàn toàn vào các trường THPT.

“Đôi khi có tình trạng “tạo điều kiện” làm đẹp học bạ diễn ra ở các địa phương bấy lâu nay... Kể cả không có việc “tạo điều kiện” đi chăng nữa thì chất lượng đào tạo kiểm tra đánh giá vốn không đồng đều giữa các khu vực trong phạm vi cả nước không chỉ thể hiện giữa các địa phương, vùng miền mà còn giữa các trường trong cùng khu vực, giữa các lớp trong cùng 1 trường”.

Đánh giá chất lượng sinh viên tuyển vào trường theo phương thức xét tuyển học bạ, ông Trương Đại Lượng, trưởng phòng đào tạo, quản lý khoa học và hợp tác quốc tế Trường đại học Văn hóa Hà Nội thừa nhận có tình trạng thí sinh điểm học bạ cao trong khi điểm thi tốt nghiệp THPT lại rất thấp. Nhưng số này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ sinh viên trúng tuyển nhờ phương thức xét học bạ.

“Một số năm so sánh điểm đầu vào các em bằng học bạ kết hợp và học bạ đơn thuần với điểm thi tốt nghiệp THPT cho thấy: có những em điểm học bạ cao nhưng điểm thi không cao lắm, một số em tổ hợp Văn-Sử-Địa hoặc Toán-Anh- Văn xét học bạ điểm rất cao nhưng điểm tiếng Anh thi tốt nghiệp chỉ được 3-4 điểm, không tương đồng với điểm học bạ. Nhưng đây là số ít và không phổ biến”, ông Trương Đại Lượng cho biết.

Xét tuyển bằng học bạ là cách tuyển sinh khá tiên tiến được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên để đạt độ tin cậy cao cần đáp ứng 2 yếu tố là đảm bảo tính đồng đều trong chất lượng đào tạo kiểm tra đánh giá năng lực HS và đảm bảo tính minh bạch công bằng của tất cả kỳ thi kiểm tra đánh giá.

Do đó thầy Hiền cho rằng “chúng ta chỉ nên coi phương thức xét học bạ như một điều kiện sàng lọc, cần có những phương thức bổ sung thêm kết hợp với các chứng chỉ quốc tế IELTS, SAT, bài test bổ sung, bài luận hoặc bài phỏng vấn để tăng cường độ tin cậy.

Nếu các trường ĐH chỉ chạy theo KPI -hiệu quả về số lượng trong tuyển sinh, gia tăng phương thức tuyển sinh học bạ sẽ dẫn 2 vấn đề trầm trọng đó là chất lượng SV lâu dài và một phần tác động đến việc làm sai lệch trong kiểm tra đánh giá năng lực HS của các trường THPT trên cả nước”, thầy Hiền nhận định.

Ở một góc độ khác, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT cho rằng điểm chuẩn học bạ mà các trường công bố ở thời điểm này chưa có nhiều ý nghĩa, thậm chí khiến thí sinh hoang mang. Bởi vì năm nay, sau khi có kết quả điểm thi, thí sinh mới bắt đầu đăng ký tất cả các nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT.

“Hiện, một số trường nhận hồ sơ đăng ký bằng đường học bạ thì các trường dựa vào chỉ tiêu dự kiến lấy từ trên xuống dưới mới xác định 29.5 mới đậu. Trong khi, các em đó chắc gì đã học trường đấy vì còn đăng ký học bạ nhiều trường khác, đăng ký theo các phương thức khác theo hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Nhiều em sẽ không trúng tuyển vào các trường mới công bố, khi đó các trường tuyển được chỉ tiêu thì phải hạ điểm xuống, nói 30 nhưng có khi hạ xuống chỉ còn 20. Vì vậy, con số 30 – chạm trần ở thời điểm hiện nay tính cả thí sinh ảo chẳng có ý nghĩa gì”.