Điểm chuẩn ngang bằng 2020 hoặc tăng nhẹ

Nhận định chung về đề thi tốt nghiệp THPT 2021 tất cả các môn các giáo viên, chuyên gia tuyển sinh đại học cho rằng đề thi vừa sức. Điểm các môn có sự bù trừ cho nhau cộng với đề thi một số môn được đánh giá dễ sẽ khiến cho tổng điểm của các khối dự báo ngang bằng hoặc tăng hơn so với năm ngoái.

Bà Nguyễn Thị Hòa - Trưởng phòng Khảo thí Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, điểm chuẩn vào các trường năm nay sẽ nhỉnh hơn năm 2020 từ 0.5-1 điểm. Tuy nhiên những ngành truyền thống vẫn giữ nguyên như năm ngoái.

“Những ngành điểm chuẩn tăng là khối ngành được yêu thích hiện nay như kinh tế quản lý, khoa học công nghệ. Khối ngành giữ nguyên điểm chuẩn là kỹ thuật và các khối ngành truyền thống”, bà Hòa dự đoán.

Sau khi các địa phương chấm thi xong, khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm mới có thể đưa ra nhận định về điểm chuẩn nhưng theo đánh giá sơ bộ PGS.TS Nguyễn Đức Khoát – Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, điểm chuẩn năm nay sẽ tương đương năm 2020 hoặc tăng từ 1-2 điểm.

Ông Khoát cho biết, năm 2021 nhà trường giữ ổn định chỉ tiêu với 2000 em, xét tuyển theo 5 phương thức. Đến thời điểm này phương thức xét tuyển học bạ trường đã đủ chỉ tiêu. Một số ngành có nhu cầu chưa cao sẽ tiếp tục gọi sau khi thí sinh thi xong THPT.

Đề thi năm nay theo các chuyên gia dễ hơn một chút so với năm ngoái nhưng vẫn phân hóa tốt để đảm bảo vừa phục vụ xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH-CĐ. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp và tự chủ tuyển sinh, các trường ĐH đa dạng phương thức xét tuyển. Thậm chí có trường xét tuyển 5- 6 phương thức. Trong đó chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ chiếm khoảng từ 20 %đến 40% tổng chỉ tiêu, tùy từng trường.

Điều đó khiến chỉ tiêu tuyển sinh đối với hình thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm so với mọi năm. Về mặt logic sẽ khiến điểm trúng tuyển bằng hình thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT dự báo sẽ tăng. TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu Trưởng trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh phân tích.

Còn về mức độ tăng, TS. Trần Đình Lý cho rằng tùy thuộc vào tốp ngành và tốp trường. Ông Lý dự dự đoán điểm chuẩn xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT chia thành 3 nhóm:

Các ngành tốp trên thu hút thí sinh điểm tăng 1-2 điểm, nhóm giữa điểm tăng nhẹ từ 1-1.5 điểm và nhóm thứ 3 thuộc các khối ngành truyền thống khó tuyển sẽ giữ ổn định.

Riêng với trường ĐH Nông Lâm TP. HCM, ông Lý cho rằng các con số năm nay sẽ giữ ổn định. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh trong 3 năm gần đây là 5000 cho cơ sở chính tại TP. HCM và 2 phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận. Điểm chuẩn của 2 phân hiệu Ninh Thuận và Gia Lai được dự báo ổn định so với 2020.

Năm nay, Trường ĐH Ngoại Thương xét tuyển theo 6 phương thức. Theo TS. Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại Thương, đến thời điểm này, Trường ĐH Ngoại thương đã xét tuyển theo phương thức 1, 2, 5. Học sinh đáp ứng ngưỡng điểm đánh giá xét tuyển đã đủ chỉ tiêu mà trường đặt ra. Nhà trường đang xét tiếp những đợt tiếp theo theo chỉ tiêu phân bố theo từng phương thức đối tượng.

Số lượng nộp hồ sơ dồi dào nên nguồn tuyển thuận lợi để chọn thí sinh tốt nhất, chỉ tiêu nào chưa đến thời gian xét tuyển, nhà trường chưa thực hiện để dành lại cho các em có những cơ hội theo đúng cam kết. Năm nay, phương thức xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp của ĐH Ngoại chiếm 30% trong tổng chỉ tiêu 3990 năm 2021.

Dựa trên phân tích của các chuyên gia và nhà trường, bà Hiền cho rằng điểm trúng tuyển vào trường theo phương thức thi tốt nghiệp THPT vẫn ổn định như các năm trước.

Thí sinh xét theo kết quả thi tốt nghiệp không cần lo lắng.

Trước câu hỏi, chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp thu hẹp, trong khi lượng thí sinh lớn tăng có khiến cho khả năng cạnh tranh của thí sinh theo phương thức này khốc liệt hơn so với mọi năm?, TS Vũ Thị Hiền cho rằng thí sinh không nên lo lắng.

Bởi, tổng số thí sinh trong hệ thống vẫn giữ ổn định. Những thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức xét riêng, xét trước của trường khi xét đến phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ bị loại ra khỏi hệ thống. Chỉ những bạn chưa xác nhận nhập học thì mới được tiếp tục xét theo phương thức thi tốt nghiệp THPT. Do đó, thí sinh không quá lo.

Theo quan sát của trường ĐH Ngoại thương, thí sinh có điểm cao ở phương thức khác thì thường có điểm cao ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT nên khi loại ra khỏi hệ thống để xét phương thức tiếp theo thì độ cạnh tranh ở phương thức xét điểm thi THPT cũng như mọi năm chứ không quá khốc liệt, dù các trường đã giảm tỉ trọng chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét điểm thi THPT xuống", bà Hiền nhận định.

Mặc dù dự báo điểm chuẩn tăng nhẹ song TS. Trần Đình Lý cho rằng, mức điểm tăng của các ngành, các trường còn phụ thuộc nhiều vào số lượng hồ sơ đăng ký, lượng thí sinh ảo, điểm xét tuyển của các tổ hợp môn; tình hình thí sinh nhập học thực tế bằng các phương thức xét học bạ, ưu tiên xét tuyển…

Thực tế năm ngoái, một số trường dành gần 50 % chỉ tiêu xét điểm học bạ nhưng tỷ lệ nhập học thực tế chỉ đạt khoảng 25% đến 30%, do vậy chỉ tiêu xét điểm thi tăng lên vào thời điểm cuối.

Phó Hiệu Trưởng trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thí sinh nên so sánh điểm thi đạt được của mình với điểm trúng tuyển của các trường đại học trong vài năm liên tiếp để tính cơ hội trúng tuyển.

Thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng nên sau khi biết điểm thi, để tăng khả năng trúng tuyển vào các ngành yêu thích TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại Thương khuyên thí sinh hãy dũng cảm chọn ngành mình yêu thích nhất.

Cho dù có đang ở ngưỡng đánh giá điểm tương đối cao, các em cứ mạnh dạn đăng ký, nên xếp các nhóm nguyện vọng căn cứ trên ngành nghề yêu thích trước, sau đó trường dự kiến theo đuổi ngành đó. Chia thành các nhóm điểm cao, trung bình, thấp khác nhau, luôn để 1 nguyện vọng là bệ đỡ giảm tỷ lệ rủi ro tối đa cho mình để có nơi mình theo học ít nhất trong năm tới”, bà Hiền nhắn nhủ thí sinh.