"Ngợp" với điểm chuẩn ngành sư phạm

Năm nay, điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn (khối C) với 28,5 điểm. Nhiều ngành Sư phạm khác của trường này cũng có điểm chuẩn cao như Sư phạm Hoá 26 điểm, Sư phạm Toán 27,5 và 27,7…

Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, theo thang điểm 40, ngành Sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn cao nhất với 38,67. Sư phạm Ngữ văn có mức điểm chuẩn 37,17.

Đáng chú ý, tại Trường ĐH Hồng Đức, ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và Sư phạm Lịch sử chất lượng cao có điểm chuẩn 39,92 điểm (thang 40). Nếu không có điểm ưu tiên, trung bình thí sinh phải được 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.

Theo thang điểm 30, ngành Sư phạm Lịch sử của trường ĐH Hồng Đức cũng có điểm chuẩn là 29,75 điểm - trung bình mỗi môn thí sinh phải đạt gần 9,92 điểm mới trúng tuyển.

Ở phương thức xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT của trường ĐH Sư phạm TPHCM, ngành Sư phạm Toán học và Sư phạm Hóa học đều có mức điểm trúng tuyển là 29,75, Sư phạm Ngữ văn 28,93, Sư phạm Lịch sử 28,08, Sư phạm Địa lý 27,92, Sư phạm Sinh học 28,70…

Năm 2022, điểm chuẩn các ngành đào tạo sư phạm tại Trường ĐH Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội đa phần đều tăng so với năm ngoái. Đáng chú ý nhóm ngành giáo dục 2 (Sư phạm Ngữ Văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Lịch sử và Địa Lý) có điểm chuẩn 28 - tăng 1.45 điểm; ngành Giáo dục tiểu học có điểm chuẩn cao nhất 28.55 - tăng 0.95 điểm so với năm 2021.

Nhiều nguyên nhân khiến điểm chuẩn sư phạm tăng

GS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đánh giá, về cơ bản sự chênh lệch điểm chuẩn năm nay không quá lớn so với năm 2021. “Năm ngoái điểm chuẩn nhóm ngành Sư phạm tiếng Anh, Sư phạm Toán bằng tiếng anh, Sư phạm Toán, Sư phạm Văn giữ ở mức cao - trên 27 điểm. Đặc biệt điểm chuẩn Sư phạm tiếng Anh gần 28.5 điểm. Do đó, năm nay dịch chuyển trên dưới 0.5 điểm là không nhiều”.

Theo GS. Minh, phổ điểm thi tốt nghiệp năm nay và năm ngoái không chênh lệch quá lớn, chỉ có dung sai ở điểm môn Lịch sử năm nay cao hơn năm trước, cho thấy tác động từ việc dạy và việc học, đặc biệt các khâu ra đề có thay đổi tích cực hơn.

“Trường sư phạm Hà Nội là nơi đào tạo sư phạm lớn nhất của cả nước. Chính vì vậy rất nhiều thí sinh mong muốn trở thành thầy cô giáo thường có nguyện vọng vào học”.

Một nguyên nhân nữa khiến điểm chuẩn sư phạm tăng, theo GS. Nguyễn Văn Minh đó là theo Nghị định 116, các trường sư phạm phải xác định chỉ tiêu được Bộ GD&ĐT duyệt và phân bổ. Các trường sư phạm bắt buộc phải lấy đúng chỉ tiêu, không được lấy nhiều hơn cho nên “chỉ tiêu có hạn mà số lượng mong muốn vào sư phạm lớn đã dẫn đến điểm chuẩn luôn cao không chỉ trong năm nay”.

Lý giải nguyên nhân điểm chuẩn sư phạm tăng, bên cạnh điểm thi tốt nghiệp THPT cao, đặc biệt ở môn Lịch Sử, PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm – Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng năm nay áp dụng Nghị định 116 các địa phương phải đăng ký chỉ tiêu đào tạo với Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên có một số bất cập trong việc triển khai nên nhiều địa phương chưa đăng ký chỉ tiêu, do đó Bộ tổng hợp chỉ tiêu ít hơn năm trước nên khi phân chỉ tiêu về các trường đào tạo giáo viên ít đi, khiến tỷ lệ chọi cao hơn.

Năm nay, tổng chỉ tiêu đào tạo các ngành sư phạm tại ĐH Giáo dục là 436, giảm mạnh so với năm 2021 (khoảng 700 chỉ tiêu).

Thêm nữa, việc các trường đa dạng phương thức tuyển sinh nên một bộ phận thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức khác như đánh giá năng lực, xét chứng chỉ tiếng anh quốc tế... nên chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT ít hơn. “Đặc biệt một số trường khi Bộ GD&ĐT phân chỉ tiêu, có những ngành chỉ có 10-15 em thì chắc chắn điểm chuẩn sẽ cao hơn”, PGS.TS Nguyễn Chí Thành nhận định.

Một nguyên nhân nữa được ông Thành đưa ra là một số trường không thể mở những ngành số lượng ít thí sinh đăng ký nên đôi khi phải đặt chỉ tiêu cao vì không muốn có thí sinh trúng tuyển vào ngành của mình. “Đây là câu chuyện đã xảy ra ở những mùa tuyển sinh trước”.

Theo Th.S Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, điểm chuẩn sư phạm tăng do nhiều nguyên nhân. Một trong số đó liên quan đến quy trình xét tuyển có sự thay đổi.

“Khác với mọi năm, xét tuyển các phương thức riêng được thực hiện trước, xác nhận nhập học trước, những em chưa biết điểm thì lo không biết có đậu sư phạm không nên có thể xác nhận nhập học ở các ngành khác. Còn năm nay khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới đăng ký nguyện vọng nên cơ hội để tập trung nhiều thí sinh đăng ký ở phân khúc điểm cao”.

Ông Quốc cho biết, năm nay một số ngành đào tạo sư phạm giảm chỉ tiêu dẫn tới điểm chuẩn tăng. Tuy nhiên, một số ngành tăng chỉ tiêu như Giáo dục tiểu học mà điểm vẫn tăng. “Đây có thể là tác động của truyền thông, thí sinh biết được cơ hội việc làm để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, sự thiếu hụt giáo viên, đặc biệt các TP lớn như TPHCM nhu cầu giáo viên tiểu học cao. “Có thể các em nhận thấy nếu học tốt mà vào được đúng ngành xã hội cần thì cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường sẽ thuận lợi hơn”.

Một nguyên nhân khác theo ông Quốc là do những tác động từ chính sách, cụ thể là Nghị định 116. “Thí sinh điều kiện khó khăn chọn ngành đào tạo giáo viên thuận lợi vì được miễn học phí vừa được hỗ trợ sinh hoạt phí”.

Sư phạm có sức hút trở lại?

Điểm chuẩn sư phạm tăng cao trong mùa tuyển sinh 2022 nhưng nhiều chuyên gia đánh giá chưa thể khẳng định sư phạm có sức hút trở lại, cần phải đánh giá tổng thể trên nhiều phương diện.

Không phủ nhận những năm gần đây Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên cho đào tạo giáo viên, thu hút thí sinh tốt nhất cho ngành sư phạm, nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục, nhất là trong bối cảnh triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ví dụ chính sách tuyển thẳng, ưu tiên chính sách học phí theo nghị định 116, sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí, nếu tìm công việc trong lĩnh vực giáo dục thì sẽ không phải trả học phí. Đồng thời, có nhiều chính sách ưu đãi ưu đãi cho giáo viên.

Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Chí Thành, trưởng khoa sư phạm Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, một số ngành điểm chuẩn cao không có nghĩa thí sinh đăng ký vào sư phạm nhiều hơn./.

Theo Nghị định 116, các địa phương đăng ký chỉ tiêu đào tạo giáo viên với Bộ GD&ĐT và phải đưa kinh phí đào tạo chỉ tiêu đó về các trường đào tạo giáo viên. Kinh phí cấp ngay nhưng với chính sách tuyển dụng hiện nay thì chưa biết 4 năm nữa SV đó có được tuyển vào ngành đào tạo giáo viên hay không?

Trên thực tế, việc đặt hàng giáo viên theo Nghị định 116 nhưng việc tuyển dụng nhân sự lại theo nghị định 115. Do vậy dù địa phương có nhu cầu tuyển dụng giáo viên nhưng không mặn mà chuyện đặt hàng các trường Sư phạm.