Ngày 7/10/2024, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) GS. Klaus Schwab thăm ĐHQGHN và giao lưu với sinh viên về chủ đề Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh - Tầm nhìn cho thế hệ trẻ.

Tham dự chương trình có GS. Hilde Schwab - Phu nhân GS. Klaus Schwab và cũng là người đồng sáng lập Quỹ hỗ trợ doanh nhân xã hội Schwab và các đại biểu quốc tế khác.

Cùng dự chương trình có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, ông Đỗ Ngọc Huỳnh – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và bà Nguyễn Minh Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH.

Trở lại của Việt Nam sau 15 năm, GS. Klaus Schwab - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của WEF trong bài phát biểu của mình khích lệ tinh thần sáng tạo và quyết tâm vượt khó của tuổi trẻ Việt Nam. GS đưa thông tin về xu thế định hình kỷ nguyên thông minh của nhân loại; cơ hội, thách thức và định vị Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới và những yêu cầu đặt ra đối với thế hệ trẻ nhằm nắm bắt những xu thế thời đại, phát huy vai trò tiên phong đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Đối thoại với sinh viên chủ đề "Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh - Tầm nhìn cho thế hệ trẻ", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người.

Đánh giá cuộc đối thoại là một minh chứng thể hiện kết quả của mối quan hệ ngày càng gắn bó, chặt chẽ và đầy sức sống giữa Việt Nam và WEF, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời thông tin: gần đây nhất, WEF đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh, trung tâm thứ hai trong mạng lưới của WEF tại Đông Nam Á.

Thủ tướng đánh giá cao, cảm ơn những chia sẻ rất sâu sắc, ý nghĩa, những tình cảm dành cho Việt Nam và định hướng cho thế hệ trẻ Việt Nam của Giáo sư Klaus Schwab tại cuộc đối thoại, tạo động lực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Thủ tướng rằng, tầm nhìn chiến lược của Giáo sư và của WEF được thế giới khẳng định trong hơn 50 năm phát triển của WEF và ngày càng được khẳng định trong nắm bắt những xu hướng mới toàn cầu và đề xuất những giải pháp cho tương lai.

Nói về chủ đề cho Hội nghị WEF Davos năm 2025 sắp tới tại Davos, Thụy Sĩ là "Định hình kỷ nguyên thông minh", Thủ tướng đánh giá đây là nội dung mang tầm thời đại, là vấn đề thế giới phải nghiên cứu, thích ứng và làm chủ; nhất trí với Giáo sư về cách tiếp cận bao trùm, toàn diện, phản ánh xu hướng phát triển của thời đại mới khi đề cập "kỷ nguyên thông minh".

Theo Thủ tướng, sự thông minh không chỉ đơn thuần là sự phát triển bùng nổ của công nghệ mới mà còn gắn kết, cộng hưởng ở nhiều khía cạnh rộng lớn khác.

Từ khía cạnh kinh tế, thông minh phải thực sự chuyển hoá thành sự cải thiện về năng suất, trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, cũng như phát huy hiệu quả trong khâu phân phối.

Từ khía cạnh xã hội, thông minh phải làm xã hội bình đẳng hơn, tự do hơn, bao trùm hơn, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau.

Từ khía cạnh môi trường, thông minh phải đi đôi với sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển bền vững các nền kinh tế.

Từ khía cạnh địa chính trị, thông minh phải thúc đẩy hoà bình, hợp tác và phát triển, phải ngăn ngừa xung đột, đối đầu, chia rẽ, gác lại quá khứ, khai thác điểm đồng, hướng tới tương lai.

"Tôi cho rằng kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể", Thủ tướng nhấn mạnh.

Phân tích về thách thức và cơ hội của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam trong bối cảnh này, Thủ tướng cho rằng phát triển bền vững, bao trùm trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của thế giới ngày nay.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững là vấn đề có tính toàn cầu, tác động đến toàn dân, toàn diện, đến mọi hoạt động của con người, mọi quốc gia. Vì vậy, cần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế để thúc đẩy và mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kỷ nguyên thông minh mang lại.

Thủ tướng chỉ ra 3 thách thức lớn với Việt Nam: Khoảng cách về công nghệ, thiếu hụt về hạ tầng; quy mô kinh tế, nguồn lực còn hạn chế, đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi; biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, đe dọa an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng.

Bên cạnh đó, cũng có những cơ hội với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, như cơ hội của người đi sau (có điều kiện đi thẳng lên những công nghệ, giải pháp mới nhất); nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, trong đó có vai trò, đóng góp quan trọng của các bạn sinh viên, thanh niên; hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương là xu thế không thể đảo ngược.

Về tầm nhìn trong kỷ nguyên phát triển mới, Thủ tướng cho rằng trước hết chúng ta phải tự tin, bản lĩnh và chúng ta có cơ sở để tự tin, bản lĩnh để tham gia kỷ nguyên thông minh.

Về vấn đề này, Thủ tướng bày tỏ tâm đắc với chia sẻ của Giáo sư Klaus Schwab về bản lĩnh Việt Nam. Với tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", truyền thống văn hóa – lịch sử hào hùng, chúng ta có bản lĩnh, tự tin để đi lên, vượt qua giới hạn của chính mình.

Chia sẻ về mục tiêu của Việt Nam tới năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao, Thủ tướng cho rằng cả dân tộc phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), huy động mọi nguồn lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khai thác nguồn lực nội sinh (thiên nhiên, truyền thống văn hóa – lịch sử, con người), đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, lấy nguồn lực bên ngoài (vốn, quản trị, công nghệ, đào tạo nhân lực…) là quan trọng, đột phá.

Nhấn mạnh vai trò của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên thông minh, Thủ tướng nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội".

Thủ tướng mong muốn, tin tưởng thế hệ trẻ phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, dám đương đầu khó khăn, thách thức, vượt qua khó khăn, thách thức, có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề đặt ra, phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong, bản lĩnh, tự tin bước vào kỷ nguyên thông minh, đóng góp cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Thủ tướng đề nghị các bạn trẻ tiên phong tham gia các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành như chip bán dẫn, điện toán đám mây, Internet vạn vật…

Thủ tướng bày tỏ mong muốn GS. Klaus Schwab và WEF sẽ có thêm nhiều sáng kiến hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên, thanh niên tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có thêm cơ hội tiếp cận và làm chủ những công nghệ tiên tiến thông qua các chương trình, dự án của WEF; từ đó góp phần hỗ trợ Việt Nam tiên phong trong kỷ nguyên thông minh mà thế hệ trẻ là nòng cốt.

Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và lắng nghe những ý kiến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cộng đồng doanh nghiệp, các bạn trẻ thanh niên và sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, về đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo thuận lợi cho thế hệ trẻ để vững bước tiến vào kỷ nguyên thông minh.

Tại buổi gặp gỡ, GS. Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết Đại học không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, tiên phong trong việc phát triển các chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số, đồng thời triển khai các dự án nghiên cứu liên ngành, hướng đến giải quyết các vấn đề quốc gia và toàn cầu về phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ và bảo vệ môi trường.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho rằng chia sẻ của GS. Klaus Schwab về những xu hướng phát triển kinh tế và công nghệ sẽ mở ra cho các em sinh viên một tầm nhìn mới về vai trò của mình trong sự phát triển của đất nước và thế giới. Đồng thời, Giám đốc Lê Quân cũng mong các em sinh viên hãy biến cơ hội quý báu này thành động lực để các em trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai, những người tiên phong đưa Việt Nam lên một tầm cao mới trong kỷ nguyên thông minh.

Trong thời gian qua, ĐHQGHN đã ban hành chiến lược KHCN và đổi mới sáng tạo; đã ban hành bộ chỉ số đánh giá mức độ đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN và các đơn vị; đã triển khai đồng bộ ứng dụng KPI trong quản lý vận hành; đang triển khai kế hoạch quốc tế hóa ĐHQGHN; đã chuyển đổi các ngành nghề đào tạo theo hướng đẩy mạnh các ngành kỹ thuật công nghệ; cho tới nay, ĐHQGHN đã có tỷ trọng các ngành kỹ thuật công nghệ y dược… chiếm tới 35%.

Thực hiện vai trò dẫn dắt của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục quốc dân, ĐHQGHN được lãnh dạo Đảng và Nhà nước Việt Nam giao xây dựng đề án phát triển trở thành đại học trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2030; tịch cực tham gia vào Đề án phát triển 50.000 nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn của Chính phủ.

Hiện nay, ĐHQGHN đang tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, xây dựng Khu đô thị Đại học tại Hòa Lạc, với mục tiêu biến nơi đây thành một khu vực đào tạo và nghiên cứu hiện đại, tiên tiến, mang tầm quốc tế, là trung tâm hợp tác với doanh nghiệp, trung tâm chuyển giao công nghệ. Cuối tháng 9 vừa qua, ĐHQGHN đã khởi công được các công trình đến từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, là đơn vị đầu tiên trong 3 đại học đã giải ngân được nguồn vốn vay này.