Vượt qua 8 dự án “nặng ký”, tại vòng chung kết Cuộc thi “Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2022, dự án "Chinh phục ngôn ngữ dành cho trẻ rối loạn phát triển" đến từ Trung Tâm Đào tạo Trực tuyến, khoa Tạo dáng công nghiệp và khoa Kinh tế đã giành giải Nhất cuộc thi.
Giải Nhì thuộc về hai dự án: Fungus - Viên đốt từ nấm; Smart Wheel Chair. Ban Tổ chức cũng trao 3 giải Ba và 2 giải Khuyến khích cho các nhóm tác giả dự án.
"Chinh phục ngôn ngữ dành cho trẻ rối loạn phát triển" là dự án xây dựng bộ sản phẩm “Thực hành phát triển giao tiếp” dành cho cha mẹ, người chăm sóc, người thực hiện can thiệp trị liệu, nhà nghiên cứu, các Trung tâm chuyên biệt và phục hồi chức năng cho trẻ rối loạn phát triển.
Sản phẩm bao gồm: Tài liệu dạng sách (hướng dẫn qua kênh đọc các bước thực hiện cho từng hoạt động, mã QR chứa các video hướng dẫn trên trẻ tương ứng với từng hoạt động kết hợp Flashcard nhận diện, Flashcard các bài tập). Bộ sản phẩm hướng dẫn kèm theo hệ thống bài tập được xây dựng theo đúng tiến trình phát triển ngôn ngữ lời nói, vừa là công cụ để thực hiện trực tiếp trên trẻ.
Điều đặc biệt là dự án được thực hiện bởi sinh viên hệ đào tạo trực tuyến của nhà trường. Chia sẻ niềm vui khi giành được giải Nhất tại cuộc thi, chị Hà Thị Như Quỳnh, sinh viên Trung tâm E-learning, Khoa Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Mở Hà Nội cho biết, bản thân chị hỏng mắt trái từ khi lên 3 tuổi rưỡi. Vì vậy, chị Quỳnh đã gặp nhiều thử thách trong cuộc sống, bị sự kỳ thị và chính bản thân cũng tự ti và chối bỏ khiếm khuyết của mình.
Trước khi tạo ra sản phẩm này, chị là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục CHIC, Đông Anh, Hà Nội. Trong quá trình can thiệp trị liệu cho trẻ rối loạn phát triển, chị Hà Như Quỳnh luôn muốn xây dựng các hoạt động bổ trợ giúp trẻ hiểu, phát triển ngôn ngữ bền vững, hiểu trước khi nói.
“Chúng tôi nghiên cứu hoạt động suốt 10 năm, tôi chưa bao giờ nghĩ đến xuất bản sách. Nhưng đợt COVID-19, thấy phụ huynh không có công cụ hỗ trợ các con nên ngoài việc cung cấp hệ thống bài tập, hướng dẫn qua Zoom chúng tôi viết lời hướng dẫn từng hoạt động chi tiết để ba mẹ thực hiện. Làm mẫu thì cử chỉ như thế nào, nói từ gì? Sau bước làm mẫu đến bước hỗ trợ trẻ thực hiện, và giảm dần sự hỗ trợ để trẻ có thể tự tin hiểu nội dung ba mẹ muốn truyền tải. Chúng tôi đã quay video, mỗi hoạt động đều có một cô một trò thực hiện để phụ huynh quan sát, dễ dàng đồng hành cùng với các con”, chị Quỳnh chia sẻ.
Kể từ khi phát động Cuộc thi đến trước khi diễn ra Vòng sơ khảo, đã có 21 ý tưởng dự án với sự tham gia của hơn 100 sinh viên thuộc các khoa và trung tâm đào tạo của Trường ĐH Mở Hà Nội đăng ký tham gia.
Vòng sơ khảo được tổ chức vào ngày 26/8/2022 với sự tham gia của 20 ý tưởng dự án. Ban tổ chức đã mời 11 chuyên gia là các nhà huấn luyện, các chủ doanh nghiệp và 11 thầy cô là giảng viên chuyên môn tham gia đánh giá các ý tưởng dự án.
Đồng hành cùng một số trường ĐH và Bộ GD&ĐT trong tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sinh viên, ông Nguyễn Văn Tuyền, đại diện ban giám khảo đánh giá, các dự án khởi nghiệp có chất lượng tốt lên. “Dù còn quá sớm để thấy thành công từ các dự án khởi nghiệp song đây là động lực và trải nghiệm quý giá để sinh viên tự tin, quyết liệt có nhiều thành quả trong tương lai, tìm được những dự án đầu tư ngay từ ghế nhà trường”.
Phát biểu tại Lễ trao giải cuộc thi, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng, kể từ khi phát động từ tháng 3, chặng đường cuộc thi trải qua 7 tháng là không dài. Tuy nhiên, hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội tin rằng các ý tưởng dự án khởi nghiệp đã được ươm mầm, ấp ủ từ trước đó, không tính bằng tháng mà bằng năm.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, các năm trước, thông thường sinh viên chính quy có cơ hội tham gia khởi nghiệp nhiều hơn. Tuy nhiên, tại Trường ĐH Mở với tinh thần “mở”, sinh viên hệ đào tạo trực tuyến cũng tham gia.
Dự án Chinh phục ngôn ngữ dành cho trẻ rối loạn phát triển là sản phẩm do sinh viên hệ đào tạo trực tuyến, là người khiếm thị trực tiếp thực hiện dự án cho thấy “câu chuyện khởi nghiệp không chỉ mang thành công giá trị bằng tiền bạc, kinh tế mà còn lan tỏa giá trị nhân văn”, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung chia sẻ./.