Để khởi nghiệp không chỉ là hoạt động mang tính phong trào, gây lãng phí về thời gian, tiền bạc và làm thui chột khát vọng khởi nghiệp của các bạn trẻ, những hoạt động đào tạo kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn và các vấn đề cơ chế, pháp lý đặc biệt là việc tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho những dự án có tính khả thi sẽ giúp các bạn trẻ hiện thực hóa thành công các hoạt động khởi nghiệp đồng thời lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong giới trẻ. Đây là nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên VOV2 với ông Nguyễn Phan Huy Khôi - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên nói riêng, thanh niên Việt Nam nói chung?
Ông Nguyễn Phan Huy Khôi: Trong thời gian gần đây có thể thấy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên đang càng ngày càng có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Các ý tưởng về khởi nghiệp, các dự án khởi nghiệp của sinh viên chất lượng ngày càng cao. Các ý tưởng khởi nghiệp cũng thực tế hơn, được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn từ các kĩ năng về xây dựng ý tưởng, phân tích thị trường cũng như là lên kế hoạch chuẩn bị các nguồn lực để thực hiện các dự án khởi nghiệp... Có thể nói các dự án ngày càng có chất lượng tốt, tính khả thi tương đối cao.
Đặc biệt tỉ lệ các ý tưởng khởi nghiệp trực tiếp liên quan đến đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, giải quyết các bài toán mới của cuộc sống vừa được sinh ra và tạo ra bởi kết quả của quá trình chuyển đổi số, càng ngày càng nhiều hơn.
Điều này cũng là kết quả từ sự quan tâm của nhà nước, của xã hội, của quá trình truyền thông, tạo động lực cho sinh viên, các đề án các chương trình của nhà nước, của Bộ GD-ĐT, của TW Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh Niên của Việt Nam, của các cấp chính quyền địa phương, và cụ thể là ở các trường ĐH, sự quan tâm hỗ trợ, tạo môi trường đấy đã bước đầu có những hiệu quả trong thực tế.
Chính các bạn sinh viên, với sự thuận lợi, các bạn là đối tượng được cọ sát, học tập về tri thức cũng như được thúc đẩy, được thắp lửa thì khát vọng về khởi nghiệp, tinh thần về khởi nghiệp trong đối tượng sinh viên đang càng ngày càng cao.
Xét về góc độ đào tạo con người, các bạn sinh viên không chỉ tập trung vào việc học tập một cách thụ động mà đã sớm có ý thức ứng dụng kiến thức học được để giải quyết các bài toán với nhu cầu của xã hội, đó cũng là một hiện tượng, kết quả của việc hiện nay ngành GD chúng ta hướng đến hoạt động giáo dục toàn diện.
Từ góc độ của TW Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên VN thì Trung tâm hỗ trợ TN khởi nghiệp VN cũng có chung quan điểm, nhận thức như vậy để có gắng xây dựng khi mà tương tác, trao đổi khi mà các chương trình đối với thanh niên đặc biệt là đối với sinh viên, thì luôn luôn thúc đẩy động lực, nhiệm vụ chính của các bạn sinh viên.
Như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ trong sự kiện của Trung tâm hỗ trợ TN khởi nghiệp VN, thì nhiệm vụ của giáo dục là dạy làm người và dạy làm ăn. Chính cách tiếp cận như vậy đã tạo ra một tâm thế cho các bạn sinh viên trong việc học và hành, vừa sử dụng những kiến thức mình học được đi vào thực tế.
Bên cạnh những việc về hoạt động phong trào, có rất nhiều các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp, từ cấp trường, từ cấp địa phương cho tới cấp quốc gia, của rất nhiều tổ chức đơn vị từ Bộ GD-ĐT, từ Hội Liên hiệp TN VN, từ các địa phương, điều ấy cũng thúc đẩy cho các bạn sớm làm quen với việc xây dựng các ý tưởng kinh doanh, làm quen việc hình thành ý thức luôn theo dõi, quan sát và phát hiện ra các vấn đề của xã hội để có thể từ đấy xây dựng các ý tưởng, kế hoạch để giải quyết các vấn đề đấy thì đó chính là nền tảng xây dựng ý tưởng về khởi nghiệp.
Tuy nhiên là có một hiện tượng, là hiện nay các ý tưởng khởi nghiệp, các dự án khởi nghiệp của sinh viên thường là không có độ cam kết, không kéo dài, các mô hình thường rất khó để chuyển đổi thành các doanh nghiệp mà vận hành tốt, mà thường nó chỉ kéo dài tầm 1-2 năm.
Tuy nhiên đấy là hiện tượng chung của hoạt động khởi nghiệp, 100 dự án khởi nghiệp thì có 1 dự án có thể tồn tài hình thành và phát triển thành một doanh nghiệp cũng đã khó rồi, chứ chưa nói gì trong đối tượng sinh viên.
Đây có thể nói cũng là một sự lãng phí nguồn lực xã hội, rất đáng tiếc. Tuy nhiên nhìn ở góc độ khác, có thể coi các hoạt động về khởi nghiệp của sinh viên nó cũng là một hoạt động tập dượt, thông qua việc xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, mô hình khởi nghiệp thì các bạn SV học được rất nhiều kĩ năng về kinh doanh, vận hành tổ chức, đánh giá xử lí vấn để, quyết định...
Phóng viên: Để những hoạt động khởi nghiệp không mang tính phong trào gây lãng phí về thời gian và tiền bạc, theo ông cần có giải pháp gì ?
Ông Nguyễn Phan Huy Khôi: Để hạn chế bớt các sự lãng phí nguồn lực XH, các cơ hội thì nếu được hiệu quả hơn, cũng nên có điều chỉnh ở trong góc nhìn của cơ quan quản lí, cơ quan tổ chức trong hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sinh thái sáng tạo, như là các trường, Bộ GD-ĐT, các bộ ngành, các quỹ, các đơn vị có thể hỗ trợ nguồn vốn hay kĩ năng về quản trị. Nếu như có một kết nối, mô hình chuẩn hơn, thiết thực hơn, có thể sát sao hơn đối với các bạn sinh viên khi triển khai các ý tưởng khởi nghiệp thì có thể chúng ta sẽ bớt lãng phí những ý tưởng xuất sắc, bớt lãng phí thành tựu về mặt nghiên cứu của các bạn SV.
Để tránh việc lãng phí nguồn lực này thì thực ra cũng có rất nhiều cách tiếp cận và quan điểm. Đầu tiên là các tổ chức từ nhà trường, Bộ GD - ĐT, Hội Liên hiệp TN VN, TW Đoàn, các tổ chức Đoàn, các cơ quan chính quyền địa phương có thể ưu tiên và đánh giá khắt khe hơn các vấn đề thực tế, để tránh các cuộc thi, hoạt động khởi nghiệp thành phong trào, tránh để các hoạt động trở thành hình thức đánh dấu về mặt thành tích.
Bên cạnh đó phải tập hợp các nguồn lực tốt hơn để làm sao các bạn SV kết nối hỗ trợ, được huấn luyện, được đào tạo, nâng đỡ cụ thể hơn, chi tiết hơn, làm sao để các ý tưởng khởi nghiệp được đặt trong môi trường thuận lợi để phát triển về các mô hình khởi nghiệp đi vào đời sống một cách thực tế. Có lẽ đó cũng là một điều kiện cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực và chúng ta sẽ có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp được phát triển và hoàn thiện từ môi trường sinh viên.
Còn trong quá trình triển khai, công tác thì hiện nay chúng ta có dự án, Trung tâm hỗ trợ TN khởi nghiệp VN cũng xác định rằng sẽ góp phần tham gia vào thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên. Chúng tôi cũng đang thúc đẩy các hoạt động kết nối nhiều với các trường ĐH, kí hợp tác chiến lược với các trường ĐH để làm sao phối hợp tổ chức, bằng chức năng nghiệp vụ của mình đào tạo các hoạt động hướng nghiệp, cung cấp các hoạt động hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp cho các bạn sinh viên có thể tham gia tư vấn, hoàn thiện ý tưởng và phối hợp với Cục xúc tiến TM - Bộ Công thương để hỗ trợ các bạn SV tìm con đường, tìm thị trường, phát triển sản phẩm của mình.
Phóng viên: Nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu sáng chế của sinh viên đã đạt giải tại các cuộc thi trong nước và quốc tế nhưng lại không phát triển tiếp, không được chuyển giao công nghệ. Theo ông, do nguyên nhân nào? Chúng ta cần có giải pháp nào để các hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp của sinh viên đạt hiệu quả mong đợi?
Nguyễn Phan Huy Khôi: Để các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên có thể ngày càng sôi động hơn nữa, thực tế hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, cũng như làm thế nào để trong quá trình triển khai hoạt động của các bạn sinh viên nó không mang tính chất thời vụ, cơ hội, hời hợt, các bạn cũng dễ từ bỏ, thì thực ra nên có những khuyến khích, ghi nhận của các bạn trong các hoạt động khởi nghiệp, nó như là một phần của thành tích học tập.
Còn nếu xét lý do vì sao các hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên thường không được kéo dài, thì có cả lý do chủ quan lẫn khách quan. Lý do khách quan thì thường các ý tưởng khởi nghiệp của các bạn sinh viên khó có sự tập trung vì nhiệm vụ chính của các bạn vẫn là học tập, cũng như các bạn thiếu nguồn lực. Đây là điều đương nhiên vì vốn khi khởi nghiệp thì đã rất khó khăn về nguồn lực rồi thì với các ý tưởng về khởi nghiệp của sinh viên càng khó, nhà trường cũng không giải quyết được. Ví dụ như thiếu nguồn vốn, kỹ năng về quản trị nhân sự, về vận hành... thì rõ ràng đấy là những điểm khó khăn.
Ngoài ra nữa thì còn có lí do chủ quan đó là thường các bạn SV thì khi các bạn có ý thức về phấn đấu học tập, có ý thức nhanh nhẹn về xây dựng ý tưởng khởi nghiệp thì các bạn cũng dễ dàng tiếp cận được các nguồn học bổng. Khi mà các tổ chức học bổng hay các quỹ khi đánh giá về thành tích của các bạn thì việc các bạn được giải thưởng trong các cuộc thi khởi nghiệp TW địa phương thì cũng là một điểm cộng mà rất nhiều các bạn sinh viên đã từ bỏ rất nhiều ý tưởng thú vị tiểm năng của mình để tham gia học tập tiếp.
Một phần ở đây cũng là do các bạn phát hiện ra nguồn lực thiếu thốn, hỗ trợ nguồn lực không đủ để doanh nghiệp có thể phát triển được thì các bạn có thể lựa chọn một con đường khác thì đó cũng là một thực tế mà chúng ta cũng phải thừa nhận.
Hiện nay chúng tôi hi vọng có thể giải quyết trong tương lai bằng việc quan tâm hơn, sát sao hơn với ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên bằng việc tìm cơ chế kết nối các quỹ, các ngân hàng, các đơn vị nhà trường để làm sao vẫn ươm khởi nghiệp cho sinh viên, các quỹ ưu tiên cấp nguồn vốn cho sinh viên, hỗ trợ cho sinh viên về nguồn nhân lực, kĩ năng quản trị, vốn là những thứ, kỹ năng mà rất thiếu ở độ tuổi sinh viên.
Đây có thể cũng là cách để chúng ta giải quyết thực trạng này, mà thực sự tôi tin rằng với một thực tế rằng đang càng ngày càng có nhiều ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên có chất lượng, thì nếu như có cơ hội, nguồn lực đầy đủ hơn thì chúng ta sẽ có rất nhiều các doanh nghiệp tồn tại, không chỉ ở mức độ ý tưởng nữa mà có thành tựu, thì đây cũng là mong muốn của chúng tôi vì chắc chắn rằng sinh viên sẽ là nguồn lực chính nguồn lực lao động đóng góp cho xã hội.
Phóng viên: Vâng xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!