Phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 cho thấy 6/9 môn tăng điểm so với năm 2023. Theo đó, mức tăng từ 0,06 đến 1,04. Do đó, điểm trung bình một số tổ hợp xét tuyển cũng tăng. Tăng mạnh nhất là tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) từ 18,97 lên 20,95 điểm.

Các tổ hợp khác A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) cũng tăng từ 0,2 đến 0,13 điểm.

Điểm chuẩn theo điểm thi tốt nghiệp tăng nhẹ

Căn cứ vào phổ điểm mà Bộ GD-ĐT công bố hôm 17/7, ThS. Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Thương Mại dự đoán điểm trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT vào trường năm nay từ 23 điểm trở lên.

Tuy nhiên, các tổ hợp xét tuyển của Trường ĐH Thương Mại đều có môn Toán. Đây là môn tỉ lệ điểm từ 8 trở lên giảm nên ông Trung dự đoán điểm chuẩn xét tuyển của nhà trường cơ bản ổn định như 2022, 2023. Mức điểm biến động nếu có sẽ trong khoảng 0.5 điểm ở một số ngành hot như: Logistics, Marketing, Thương mại điện tử...

Hiện tại, nhiều Trường ĐH đã công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển. Ngành Luật (tổ hợp C00) của Trường ĐH Luật TPHCM và 2 ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm TPHCM và các tổ hợp xét tuyển của Trường ĐH Ngoại Thương đang ở mức cao nhất là 24 điểm.

Lý giải về mức điểm sàn tăng 0.5 so với năm ngoái, TS. Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại Thương cho biết nhà trường dựa vào phân tích phổ điểm của các tổ hợp đang sử dụng để xét tuyển để đưa ra mức sàn này. Ví dụ như tổ hợp A00, A01, D01, qua phân tích số lượng thí sinh có ngưỡng điểm cao – ngưỡng thông thường có điểm chuẩn trúng tuyển của nhà trường khoảng từ 26-27 điểm trở lên cho thấy, số thí sinh đạt mức điểm này trở lên tăng so với năm 2023.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng vừa đưa ra dự báo điểm chuẩn xét tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Nhà trường dự báo ngành Công nghệ Thông tin là Khoa học Máy tính và Thông tin, Khoa học dữ liệu có mức điểm 34 - 35,5/40 điểm; Kỹ thuật Điện tử và Tin học dự báo 25 -26,5/30 điểm.

Có 13/27 ngành có mức điểm chuẩn dao động trong khoảng 20-21/30 điểm.

GS.TS Lê Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, phổ điểm 2024 có nhiều điểm tương đồng so với năm 2023. Bài thi Khoa học tự nhiên ở phân khúc cao – 8, 9, 10 điểm tăng nhẹ so với năm 2023 nên điểm tuyển sinh năm nay cơ bản giữ nguyên giữ hoặc tăng nhẹ 0.5-1 điểm với các tổ hợp liên quan đến môn Khoa học Tự nhiên.

“Những ngành có lượng thí sinh đông như các Khoa Toán, Lý, Hóa, Sinh, một số ngành của khối Khoa học trái đất, Môi trường...có khả năng điểm giữ nguyên hoặc tăng nhẹ khoảng 0.5-1 điểm”, thầy Sơn nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Hòa Trưởng phòng - Phòng Khảo thí & Đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Giao thông Vận tải nói bất ngờ với phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2024. Theo đó, điểm thi “nhích” lên, nhất là mức điểm 6-7-8 ở tổ hợp D01 do điểm Văn của thí sinh tốt.

Do vậy, PGS.TS Nguyễn Thị Hòa dự đoán chuẩn xét tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay “nhích” lên so với năm ngoái từ 0.25-05 điểm, đặc biệt ở các ngành xét tuyển tổ hợp D01.

Đặt nguyện vọng theo 3 nhóm

Chia sẻ kỹ thuật đặt nguyện vọng, TS. Vũ Thu Hiền – Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương khuyên thí sinh xác định danh mục nguyện vọng mong muốn. Danh mục này chia thành 3 nhóm.

Thứ nhất là “nhóm ước mơ”. Đây là nhóm mà thí sinh có thể hơi “bay bổng”, tham vọng nhưng thực sự thích. Nhóm thứ 2 là nhóm “vừa sức” có khả năng đỗ cao, căn cứ vào điểm các năm trước và dự kiến phổ điểm năm nay. Nhóm thứ 3 là nhóm “an toàn”, có thể đặt thấp hơn để tránh rủi ro.

Đồng thời, thí sinh đặt nguyện vọng theo mức độ ưu tiên các ngành học yêu thích.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, trong ngày đầu hệ thống xét tuyển mở, đã có 600 nghìn nguyện vọng được đặt lên hệ thống. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 10 ngày nữa để thí sinh lựa chọn và sắp xếp các nguyện vọng.

Với thí sinh đã có kết quả trúng tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý thí sinh phải bảo mật tài khoản để đăng nhập, đăng ký và thay đổi nguyện vọng trong hệ thống. Tránh trường hợp bảo mật không tốt, để lộ tài khoản sẽ bị người khác điều chỉnh, sắp xếp nguyện vọng trái với mong muốn của mình.

Dù thí sinh được đăng ký nguyện vọng không giới hạn song vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH khuyên thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng dẫn đến nhầm lẫn, tốn kém chi phí của gia đình. Chiến thuật là sắp xếp nguyện vọng hợp lý, có những phương án đề phòng rủi ro trượt tất cả các nguyện vọng.

Theo GS.TS Lê Thanh Sơn, khi đặt nguyện vọng, thí sinh và gia đình cần căn cứ vào đam mê và thực lực của các em. Cần nghiên cứu điểm tuyển sinh 3 năm gần nhất vì năm nay sẽ có nhiều tương đồng. “Các em nên đặt nguyện vọng căn cứ vào đam mê và năng lực để đặt nguyện vọng cao 1, 2, 3 vào những ngành học phù hợp”.

Với những thí sinh đã đăng ký xét tuyển sớm và được thông báo đỗ thì cần đặt nguyện vọng 1 nếu đó là ngành mà em yêu thích nhất. Nếu còn cân nhắc các nguyện vọng 1, 2, 3 thì nên đặt theo thứ tự ngành học yêu thích và cũng cần căn cứ vào điểm trúng tuyển những năm gần nhất của các trường ĐH.

Thầy Sơn cho biết, quá trình xét tuyển thí sinh thường mắc phải những lỗi như nhầm lẫn điểm ưu tiên hoặc chưa hiểu rõ nguyên tắc xét tuyển. Hệ thống xét tuyển chung Bộ GD-ĐT sẽ đóng vào 17h ngày 30/7. Do đó, thí sinh phải lưu ý hoàn thành việc điều chỉnh nguyện vọng trước mốc gian này./.