Theo đánh giá của Google, nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 21 tỷ đô la Mỹ, xếp 70 thế giới và xếp thứ 14 khu vực châu Á trong đó thị trường Fintech đạt 4,4 tỷ USD ( 2017), khoảng 7,8 tỷ USD ( 2020 ) và tính đến cuối năm 2021 chúng ta mới có 154 công ty ứng dụng công nghệ này.

Tại một số cơ sở Giáo dục Đại học Việt Nam đã triển khai các chương trình đào tạo về Fintech ở cả bậc cử nhân và thạc sỹ. Fintech cũng đang thu hút nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Kinh tế .

Trong thời đại “số hóa" - Fintech là lĩnh vực khá quan trọng cần được đầu tư quan tâm nghiên cứu, đào tạo nhiều hơn bởi nó có tầm ảnh hưởng quan trọng đến quản lý tài chính quốc gia và quốc tế.

Nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực này, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và CLB các nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo quốc tế với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành và đại diện các tổ chức, doanh nghiệp cùng các trường Đại học trong khối Kinh tế. Nhân dịp này phóng viên VOV2 có cuộc phỏng vấn GS.TS Đức Trần (David Trần) - Đại học Massachusetts, Boston, Hoa Kỳ.

Phóng viên: Theo giáo sư, Fintech mới mẻ với nền kinh tế Việt Nam như thế nào và chúng ta cần phải tiếp cận nó ở những góc độ nào để có thể để có thể đem lại lợi ích cho nền kinh tế cũng như hội nhập và số hoá trong lĩnh vực kinh tế?

GS Đức Trần: Fintech đặc biệt là Fintech công nghệ Blockchain thì hiện nay đang không phải quá mới mẻ với người dân Việt Nam. Việt Nam là đất nước nằm trong top 5 trong các nước dẫn đầu trên thế giới, có sự hiểu biết rất tốt về các sản phẩm tài chính liên quan tới công nghệ blockchain. Ảnh hưởng của nó đối với đất nước, có thể nói, nếu như các tổ chức tài chính truyền thống ở Việt Nam mà không tham gia Fintech mà dựa trên công nghệ Blockchain thì có thể gặp rủi ro, đó là dòng tiền sẽ bị chạy từ các sản phẩm của ngân hàng đó sang các sản phẩm của Fintech mà có áp dụng Blockchain. Bởi vì bây giờ các bạn trẻ thích dùng các tài khoản số, các Digital Access nên để Việt Nam không bị rủi ro đấy thì thứ nhất là cho phép các tổ chức tài chính hay các ngân hàng Việt Nam tham gia phát triển sản phẩm để kéo người dùng trẻ hay những người dùng của tương lai quay về sử dụng các sản phẩm của mình. Ví dụ như Hà Nội cấm không cho dùng Bitcoin để thanh toán, các ngân hàng hoặc một số nơi được cấp license (giấy phép) của nhà nước có thể xây dựng các sàn giao dịch cho phép người dân mua tài sản số qua các sàn do ngân hàng quản lý, thì như vậy là dòng tiền không bị chảy từ ngân hàng truyền thống mà chảy sang các nước khác hay các sản phẩm khác.

Phóng viên: Qua nghiên cứu, ông có nhìn nhận như thế nào về mối quan tâm của các ngân hàng, các tổ chức tài chính Việt Nam đối với phương thức quản lý tài chính mới này?

GS Đức Trần: Tôi thì nghĩ rằng các ngân hàng ở Việt Nam đặc biệt là các ngân hàng lớn họ đã ý thức được chuyện này. Theo như tôi biết hoặc có thể là dự đoán thì họ cũng đang thử nghiệm cũng như chỉ cần bấm nút là chạy được rồi, họ chỉ đang âm thầm triển khai nội bộ trong ngân hàng của họ thì tôi nghĩ là chúng ta có thể chờ tín hiệu gì đấy, rất đáng hi vọng và mong là tốt từ phía nhà nước để các sản phẩm như vậy được tiếp cận với người dùng.

Phóng viên: Theo ông thì mục đích của hội thảo này nhằm hướng tới đối tượng nào?

GS Đức Trần: Mục đích của hội thảo này nhằm hướng tới hai loại đối tượng. Đối tượng thứ nhất đó là từ phía của những người làm về chuyên môn, hay các chuyên gia trong lĩnh vực Toán học, Tài chính... thì đây là nơi họ tìm được vấn đề rất là to lớn nhưng tận dụng sức mạnh của 2 cộng đồng như vậy để cùng hợp tác với nhau, giải quyết các bài toán lớn, để ra được sản phẩm tốt nhất cho thị trường Việt Nam. Đối tượng thứ 2 đó là doanh nghiệp, các công ty đang muốn làm sản phẩm về Fintech, họ muốn nghe về xu hướng ở trên thế giới là như thế nào để họ định hướng sản phẩm tốt hơn.

Phóng viên: Đây cũng là một lĩnh vực mới mà các chuyên gia kinh tế, các giảng viên khối kinh tế và cả sinh viên theo học ngành kinh tế cần phải nắm bắt. Vậy theo ông, các trường ĐH khối Kinh tế cần cập nhật và triển khai đào tạo cho sinh viên của mình vấn đề này thế nào?

GS Đức Trần: Các trường Đại học ở Việt Nam trong những năm gần đây đã tuyển dụng được nhiều người trẻ được đào tạo ở nước ngoài, bản thân họ cũng rất tinh nhạy trong việc nhận thức được, có những phát triển về khoa học rất tốt theo kịp với nước ngoài. Do đó về con người thì không thành vấn đề, vấn đề quan trọng ở đây lớn hơn, là Nhà nước nên có những cơ chế để khuyến khích họ để họ được tham gia và những hướng nghiên cứu hay những chương trình giảng dạy tiên tiến. Quan trọng nhất là nguồn lực và chính sách đãi ngộ để học có thể truyền đạt những kiến thức tốt nhất cho sinh viên cũng như thực hiện các đề tài khoa học để tiếp tục hướng nghiên cứu tiên tiến của họ.

Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn GS!

GS Đức Trần (đứng giữa) tại Diễn đàn Việt Nam Fintech Forum tháng 10 năm 2022