Dù học trực tiếp, trực tuyến vẫn là công cụ củng cố kiến thức

Báo cáo tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GDĐT đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện những giải pháp ứng phó với dịch Covid-19, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục.

Trao đổi về giải pháp bù đắp kiến thức cho học sinh khi quay trở lại trường học, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Giải pháp đầu tiên được Bộ tính đến là chỉ đạo các địa phương linh hoạt trong việc kết thúc năm học, trong đó chấp nhận việc phải kéo dài thời gian để bù đắp kiến thức cho học sinh. Việc này sẽ tùy thuộc vào tình hình từng địa phương để có xử lý cho phù hợp.

Thứ hai, theo Bộ trưởng, khi học sinh quay trở lại học trực tiếp thì việc học trực tuyến, qua truyền hình vẫn sẽ tiếp tục là công cụ duy trì trong việc bù đắp, củng cố kiến thức cho học sinh. Thời gian qua, Bộ GDĐT đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các bài giảng qua truyền hình cho nhiều khối lớp, đặc biệt là lớp 1, lớp 2. Hệ thống bài giảng này sẽ là nguồn học liệu mở được sử dụng để hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho học sinh khi các em quay trở lại trường học trực tiếp.

Bên cạnh việc ban hành chương trình dạy học cốt lõi để sử dụng trong cả điều kiện học sinh học trực tuyến và khi đã trở lại trường học, một giải pháp khác cũng được Bộ trưởng nhắc tới, đó là thời gian qua, nhiều hoạt động đã được thực hiện nhằm hướng dẫn cho học sinh năng lực tự học. Đây vừa là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, song cũng vừa là để thay đổi phương pháp dạy và học, nâng cao khả năng tự học, nghiên cứu tài liệu của học sinh. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, củng cố kiến thức cho học sinh không chỉ được ngành Giáo dục thực hiện trong năm học 2021-2022 mà sẽ còn được tiếp tục ở những năm tiếp theo.

95% học sinh từ 12-17 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi vaccine trong quý IV năm 2021

Chia sẻ xung quanh các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết hiện nay, Bộ Y tế đang chuẩn bị đủ nguồn vaccine và lựa chọn được loại vắc xin phù hợp để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Theo rà soát của Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 8 triệu học sinh từ 12-17 tuổi, với số lượng vắc xin cần để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV năm 2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trên 95% học sinh thuộc đối tượng này.

Đối với trẻ em từ 3-11 tuổi (khoảng trên 14 triệu trẻ em), Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vắc xin phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi đảm bảo điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho trẻ em lứa tuổi này.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, Bộ GDĐT rà soát kỹ các quy định bảo đảm an toàn học đường. Đồng thời, phải tổ chức tiêm vắc xin sớm và thật an toàn cho học sinh trong độ tuổi theo quy định của Bộ Y tế. Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ GDĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngay việc đăng ký tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi, để sẵn sàng khi có vắc xin sẽ tổ chức tiêm nhanh và an toàn nhất cho các cháu.

Với tinh thần đến trường phải an toàn, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ GDĐT rà soát lại, chuẩn bị hệ thống giám sát y tế học đường, đảm bảo tất cả học sinh đến trường học đều có đầu mối cụ thể theo dõi sức khỏe. Ngoài an toàn về sức khỏe, Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc chăm sóc, giáo dục học sinh toàn diện; đặc biệt là vấn đề tâm lý học đường.

Phó Thủ tướng cũng nhận định năm học 2021-2022 sẽ khó hơn nhiều, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng một phần yêu cầu, song dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình chỉ là hình thức bổ trợ và không tránh khỏi những tác động không mong muốn.

“Chúng ta cần có các giải pháp rất nhanh cho năm học này”, Phó Thủ tướng nói, đồng thời yêu cầu phải có kế hoạch, giải pháp rất chủ động để hoàn thành kế hoạch năm học; cùng với đó là chủ động có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh bằng các hình thức phù hợp, trong ngắn hạn cũng như trong một vài năm tới.

Thống nhất với phương án của Bộ GDĐT là kế hoạch năm học 2021-2022 sẽ kết thúc linh hoạt, tùy vào tình hình của địa phương, Phó Thủ tưởng lưu ý, sự linh hoạt không chỉ ở cấp tỉnh mà còn sâu hơn xuống cấp huyện, cấp xã; việc thi cử, đánh giá kết quả học tập định kì, cuối năm phải được thực hiện rất linh hoạt.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành Giáo dục sát sao hơn nữa trong việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hình thức cuốn chiếu. Trong đó, việc chuẩn bị sách giáo khoa, từ thẩm định, xuất bản, đến phát hành đến tay học sinh, phụ huynh - thời gian qua dù dịch bệnh nhưng đã làm tương đối tốt - cần tiếp tục làm tốt hơn nữa; đẩy mạnh ứng dụng đặt hàng thương mại điện tử, đưa sách đến tận tay học sinh.