Giỏi một thứ hay cần biết nhiều thứ? Câu hỏi của thế hệ Gen Z

Bạn trẻ Thảo My ở Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, giới trẻ hiện nay đang theo đuổi một xu hướng khá rõ ràng, đó học thêm kỹ năng, đầu tư, học ngoại ngữ,…để có hành trang đa dạng khi bước vào môi trường làm việc. Tuy nhiên, chính My lại lựa chọn đầu tư sâu vào chuyên môn vì hiểu rằng: “Cuối cùng ai cũng phải chọn một con đường mà thôi.”

Trong khi đó, bạn Hồ Tú, ở Thanh Xuân, Hà Nội lại theo định hướng “đa di năng”. Sau khi tốt nghiệp đại học, Tú không học lên thạc sĩ mà trau dồi thêm các kỹ năng khác. “Cái gì cũng nên biết một chút”, Tú chia sẻ.

Liệu hiểu biết sâu về một lĩnh vực giúp ta tiến xa hơn hay sự linh hoạt biết nhiều thứ tạo nhiều cơ hội hơn? Câu hỏi này không thể trả lời chung cho tất cả mọi người, nhưng chúng ta có thể nhìn vào ưu – nhược điểm của từng con đường để tự mình lựa chọn.

Giỏi một thứ, cơ hội tiến xa nhưng đầy thử thách

Theo chị Nguyễn Hoàng Thanh Hương, chuyên gia giáo dục tại Công ty Cổ phần Giáo dục Toàn cầu EEG, bất kỳ ngành nghề nào cũng cần những người giỏi chuyên sâu. Họ có thể trở thành nhân sự cốt cán, được ưu tiên đào tạo, dễ dàng thăng tiến vì họ tạo ra giá trị rõ rệt trong một lĩnh vực.

Chọn con đường này, bạn có lộ trình sự nghiệp cụ thể và tịnh tiến vững vàng. Bạn sẽ là người được chọn để phát triển sâu hơn, thay vì phải cạnh tranh lan man. Thậm chí, bạn dễ được tin tưởng giao trách nhiệm lớn vì sở hữu năng lực đặc biệt mà không phải ai cũng có.

Tuy nhiên, để giỏi thật sự một thứ không hề dễ. Bạn phải có đam mê, có định hướng rõ và đặc biệt là kỷ luật bản thân: dành thời gian, tâm trí và nỗ lực lâu dài cho việc đào sâu, tìm tòi, rèn luyện chuyên môn.

Biết nhiều thứ, linh hoạt, dễ thích nghi nhưng cũng dễ “lạc trôi”

Biết nhiều thứ không đồng nghĩa với giỏi nhiều thứ. Nhưng nó đem lại sự linh hoạt, điều mà thị trường lao động hiện nay rất cần.

Nếu biết nhiều thứ, bạn sẽ dễ dàng nói chuyện với mọi người, dễ kết nối vì có thể chia sẻ nhiều chủ đề. Trong môi trường công việc, bạn trở thành người hỗ trợ tốt cho đội nhóm vì hiểu biết đa chiều: từ kỹ thuật, chuyên môn, truyền thông cho đến xử lý sự kiện.

Không chỉ thế, biết nhiều còn là vũ khí sinh tồn trong thời kỳ bất ổn. Đại dịch Covid-19 là ví dụ điển hình. Những người có nhiều kỹ năng xoay xở tốt hơn, không bị động trong việc kiếm sống và điều chỉnh mục tiêu nghề nghiệp.

Nhưng mặt trái là gì? Bạn dễ bị thiếu định hướng, dễ “lạc trôi” giữa một rừng kỹ năng mà không có cái nào đủ sâu để làm điểm tựa phát triển lâu dài.

Giỏi một thứ hay cần biết nhiều thứ, nên chọn hướng nào?

Câu trả lời của chuyên gia Thanh Hương là không có con đường nào tốt hơn, chỉ có con đường phù hợp hơn với bạn tại thời điểm hiện tại.

Có người sinh ra để tập trung, đào sâu và trở thành chuyên gia. Có người lại có khả năng bao quát tốt, làm nhiều việc cùng lúc, không bị “tẩu hỏa nhập ma”. Điều đó phụ thuộc vào năng lực, sở thích và cả môi trường sống.

Nếu bạn chưa rõ mình nên đi theo hướng nào? Hãy cứ học hỏi, trải nghiệm, tiếp xúc với nhiều lĩnh vực. Từ đó bạn sẽ dần nhìn ra đâu là thứ mình có thể theo đuổi lâu dài.

Liệu có thể kết hợp cả hai? Câu trả lời là “có” nhưng cần có chiến lược. Hãy xác định đâu là lĩnh vực mà bạn xuất sắc nhất, từ đó bạn sẽ đào sâu, theo đuổi lâu dài. Sau đó, bổ sung thêm các kỹ năng có liên quan, có khả năng tương hỗ.

Chị Thanh Hương đưa ra ví dụ, nếu bạn học thiết kế, hãy tìm hiểu thêm về phong thủy, tín ngưỡng, lịch sử, địa lý, tất cả đều giúp bạn trở nên am tường hơn và phát triển sâu hơn trong lĩnh vực của mình. “Đừng học tràn lan những thứ không kết nối với chuyên môn, vì như thế dễ dẫn đến lan man, dàn trải và thiếu định hướng.”

Biết mình là ai để chọn đúng hướng đi

Bạn có thể giỏi một thứ, bạn cũng có thể biết nhiều thứ, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là bạn phải biết mình muốn gì, giỏi gì, và sống trong điều kiện như thế nào.

Dù bạn là ai, chỉ cần bạn không ngừng học hỏi, có kế hoạch rõ ràng thì mọi lựa chọn đều có thể trở thành hành trang vững chắc cho hành trình trưởng thành của mình.

“Biết nhiều thì dễ. Xuất sắc thật sự trong một lĩnh vực mới là điều khó. Vì thế, hãy thách thức chính bản thân mình để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực. Tuy nhiên không có một lĩnh vực nào, một kỹ năng nào có thể tồn tại độc lập được mà nó phải tồn tại trong mối quan hệ tác động qua lại với những lĩnh vực khác. Vì vậy, để giỏi một cách trọn vẹn hơn, hãy vượt qua bản thân mình để tìm hiểu thêm những lĩnh vực liên quan đến ngành nghề mà bạn đã lựa chọn”, chị Thanh Hương khuyên các bạn trẻ.