Sáng 4/8, tại Bộ GD&ĐT đã diễn ra Hội thảo xây dựng giải pháp đánh giá, phân loại dạng tật để giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.
TS. Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GDDT, Trưởng Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Bộ GD&ĐT và GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội thảo. Cùng dự có đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học và các chuyên gia, đại biểu tới từ các địa phương, nhà trường có trẻ khuyết tật.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Việt Nam tích cực tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế. Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai trên thế giới kí cam kết thực hiện Công ước Quốc tế về quyền trẻ em vào năm 1991...
Những năm qua, Ban Chỉ đạo trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Bộ GD&ĐT đã tăng cường công tác chỉ đạo thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức tập huấn, kiểm tra, hỗ trợ các địa phương trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật.
"Những nỗ lực đó thể hiện trên các phương diện hoạch định chính sách; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị; công tác nghiên cứu giáo dục hòa nhập đã đạt được những kết quả bước đầu và có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng một môi trường tiếp cận giáo dục bình đẳng, thân thiện và chất lượng đối với người khuyết tật" - Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, giáo dục trẻ khuyết tật ở nước ta vẫn còn gặp nhiều thách thức. Trẻ khuyết tật ở những vùng sâu, xa, vùng khó khăn và ở những gia đình có điều kiện kinh tế hạn chế chưa được chăm sóc, giáo dục đầy đủ. Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn chưa đầy đủ về số lượng, phân bố không đồng đều. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập còn hạn chế...
TS Nguyễn Văn Hưng - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, chuyên gia về giáo dục đặc biệt đã nêu báo cáo về phân loại dạng và mức độ khuyết tật. Hiện nay có khá nhiều các bộ công cụ đánh giá về trẻ khuyết tật. Mỗi công cụ được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế mang tính lịch sử xã hội. Chế độ hỗ trợ nhất định từ góc độ pháp luật đến việc đáp ứng nhu cầu, mong muốn của các phụ huynh và chăm sóc - giáo dục.
Tại Việt Nam, có một số ít công cụ đánh giá được xây dựng; chủ yếu được nhập khẩu và áp dụng trong thời gian gần đây. Một số được Việt hóa thích ứng (Denver -2, Kyoto, WICS – IV), một số được dịch có điều chỉnh (Brunet-Lezin, ASQ, Small Steps, UDN-II…). Việc sử dụng các công cụ đã được Việt hóa hoặc điều chỉnh cũng đang ở mức độ khiêm tốn cả về số lượng trẻ và địa bàn. Do vậy các nhận định hoặc kết luận được đưa ra còn thiếu tính khách quan.
Cũng theo TS Nguyễn Văn Hưng, ở Việt Nam tỷ lệ trẻ khuyết tật từ 2 - 17 tuổi chiếm 2,83%; từ 2 - 15 tuổi là 3,02% so với tổng số trẻ em cùng độ tuổi. Trẻ có một dạng khuyết tật là 80%, 20% đa tật. Tỷ lệ trẻ khuyết tật ở nông thôn cao hơn gần 1,5 lần khu vực thành thị. Vùng có tỷ lệ khuyết tật cao nhất là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.Theo TS Hưng :"Trẻ khuyết tật đang được can thiệp, hỗ trợ và học tập trong các cơ sở giáo dục chủ yếu dựa vào đánh giá theo hồ sơ y tế và bằng quan sát, nhận định của cha mẹ trẻ và kinh nghiệm của giáo viên. Các công cụ sàng lọc/ phát hiện ban đầu, công cụ đánh giá sâu để can thiệp còn hạn chế về số lượng, chủ yếu được thực hiện tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập".
Ông Hứa Minh Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Vĩnh Long cho biết, toàn tỉnh có hơn 1.500 học sinh khuyết tật đi học ở các trường mầm non, phổ thông.
Cô Trịnh Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Bình Minh (Hà Nội) cho hay, với học sinh khuyết tật, trường đang phân loại dạng tật dựa vào Giấy xác nhận tình trạng bệnh tật do cơ sở y tế cấp, giấy xác nhận khuyết tật do UBND xã/phường cấp để xếp lớp cho phù hợp. Tuy nhiên, giáo viên chưa có nhiều cơ hội để tập huấn các công cụ đánh giá. Điều này gây khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ.
PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Chuyên gia về giáo dục học sinh khuyết tật, nguyên Phó Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam nêu quan điểm, cần cụ thể hóa được khái niệm về "dạng tật khác"; càng rõ ràng thì càng có nhiều chế độ chính sách. Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành y tế và giáo dục.
.Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hải - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, nếu đủ điều kiện nên Việt hóa một số bộ công cụ có tính chất chuyên biệt cho trẻ khuyết tật. Từ đó cung cấp cho các nhà trường để thống nhất sử dụng trong đánh giá học sinh khuyết tật. Giáo viên giáo dục đặc biệt cần có vị trí việc làm chính thức trong các trường mầm non và phổ thông.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đánh giá cao những ý kiến góp ý từ các đại biểu tham dự. Sự phối hợp giữa đội ngũ nhân viên y tế với giáo viên trong đánh giá trẻ khuyết tật là vô cùng quan trọng và cần chặt chẽ hơn nữa. Đây sẽ là cơ sở bước đầu để các phòng ban chuyên môn sẽ tổng hợp, báo cáo và đưa vào văn bản đề nghị gửi tới lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng với Bộ Y tế.