Tốt nghiệp bằng giỏi nhưng thiếu thực tiễn?

Ngày 10/11, tại hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới giáo dục đại học (ĐH) trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông” do Tạp chí Giáo dục và ĐH Hùng Vương tổ chức, ông Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng trường THCS Ngoại ngữ (Trường Đại học ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) đặt câu hỏi “nóng”: Nhiều giảng viên đại học sư phạm (ĐHSP) hiện nay là các sinh viên giỏi được giữ lại trường để làm giảng viên, đào tạo ra đội ngũ giáo viên phổ thông nhưng họ lại chưa có một ngày dạy trực tiếp tại các trường phổ thông. Điều này có đảm bảo tính thực tiễn?

Ông Nguyễn Phú Chiến nhớ lại, thời kỳ ông làm nghiên cứu sinh và công tác tại một trường ĐH ở Nhật Bản, các sinh viên giỏi đã tốt nghiệp tiến sĩ hầu hết không được giữ lại làm giảng viên của trường ngay mà bắt buộc phải có thời gian làm việc ở doanh nghiệp hoặc giảng dạy thực tế tại trường phổ thông. Khi có đủ kinh nghiệm mới được quay trở lại làm giảng viên của trường đại học.

Mặc dù theo ông Chiến, giảng viên trẻ của các trường ĐHSP nước ta hiện nay dù có tham gia giảng dạy tại trường phổ thông nhưng thời gian thường ít và chủ yếu là thỉnh giảng. Tuy nhiên, giáo viên thỉnh giảng chủ yếu chỉ đảm nhiệm những công việc liên quan đến giảng dạy, còn toàn bộ hoạt động của trường phổ thông, các thầy cô thỉnh giảng không tham gia đầy đủ như giáo viên cơ hữu.

Do vậy, để việc đào tạo giáo viên sát nhu cầu thực tiễn, gắn lý thuyết với thực hành, ông Nguyễn Hữu Chiến cho rằng những giảng viên ở các trường ĐHSP - nơi được ví như những máy cái đào tạo giáo viên nên có thời gian trải nghiệm làm giáo viên ở phổ thông một cách thực thụ, được nếm trải đầy đủ những đắng, cay, ngọt, bùi của giáo viên phổ thông.

Đào tạo giáo viên không được phép sai lầm

“Giáo viên là điểm mấu chốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông”- đó là khẳng định của GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm Hà Nội. Ông lấy ví dụ về những nền giáo dục lớn trên thế giới như Hàn Quốc, Phần Lan, Nhật Bản, Singapore… đạt được thành công lớn do quan tâm đặc biệt đến chất lượng đội ngũ giáo viên.

Do vậy, theo GS. Đinh Quang Báo, việc đào tạo giáo viên không được phép sai lầm vì liên quan trực tiếp đến tương lai con trẻ. Những sinh viên sư phạm trước và sau khi ra trường cần phải được "tắm mình" trong nhà trường phổ thông. Và giống như trường Y đào tạo ra bác sĩ, giáo sinh tại các trường sư phạm cần phải được trải nghiệm nhiều để khi ra trường không bỡ ngỡ và hành nghề tốt.

Phát biểu tại Hội thảo, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, cần tập trung đổi mới cách dạy, cách đào tạo giáo viên phổ thông. Người thầy ngày xưa quan trọng nhất là cung cấp kiến thức. Nhưng kiến thức, tri thức ngày nay có ở mọi nơi nên vai trò của người thầy đã thay đổi từ người cung cấp, truyền thụ kiến thức sang người hướng dẫn để học sinh, sinh viên tự học.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, đổi mới giáo dục ở đại học hay phổ thông thì đổi mới phương pháp là điều cốt lõi. Không chỉ coi học sinh, sinh viên là trung tâm mà cần phải coi học sinh, sinh viên là chủ thể của quá trình dạy và học.

“Nếu chúng ta coi học sinh sinh viên không chỉ là trung tâm mà còn là chủ thể thì thực sự đây là quá trình mà việc dạy chỉ là phụ, việc học mới là chính” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông" do Tạp chí giáo dục (Bộ GD&ĐT) và ĐH Hùng Vương tổ chức ngày 10/11 đã nhận được 150 bài nghiên cứu, công trình khoa học của các tác giả đến từ 48 trường đại học, đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm trên cả nước.

Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề bức thiết của giáo dục hiện nay như vai trò của các trường sư phạm trong việc đổi mới giáo dục phổ thông, bồi dưỡng giáo viên, giáo dục STEM, tích hợp, giáo dục tài năng…

TS. Nguyễn Tiến Trung, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Giáo dục cho rằng: "Đổi mới giáo dục đại học nói chung, đổi mới của các nhà trường có đào tạo giáo viên nói riêng nhất định và phải gắn với sự đổi mới sinh động của giáo dục phổ thông, phục vụ mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông mà cụ thể là đổi mới, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới".