Dự thảo Luật Nhà giáo đang được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Nhiều điểm mới lần đầu tiên được quy định trong dự thảo Luật như: Giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý giáo viên; Lương nhà giáo được xếp cao nhất, giáo viên mầm non nghỉ hưu ở tuổi 55. Đây cũng là lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập.
Với nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến gần 1,5 triệu giáo viên trong cả nước, việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo sẽ giải quyết được những khó khăn, bất cập ra sao về tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo?
P/V VOV2 (Đài TNVN) có cuộc trao đổi với TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) về những điểm mới được quy định tại dự thảo Luật Nhà giáo.
Gỡ điểm nghẽn trong tuyển dụng, sử dụng, điều động giáo viên
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Quy định này nếu được thông qua sẽ tháo gỡ điểm nghẽn gì trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, thưa ông?
TS. Vũ Minh Đức: Từ thực tiễn công tác tuyên dụng, sử dụng nhà giáo; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội: “Luật Nhà giáo ban hành phải tháo gỡ được những điểm nghẽn về thể chế đối với nhà giáo”; Bộ GD-ĐT đề xuất giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyên dụng, sử dụng nhà giáo.
Nếu điều này được thông qua, sẽ tháo gỡ được một số bất cập. Trước hết, nó đảm bảo chiến lược tổng thể và có tầm nhìn dài hạn về đội ngũ nhà giáo, xu hướng phát triển đội ngũ cũng như yêu cầu về chất lượng phù hợp với chiến lược tổng thể về giáo dục quốc gia (do ngành GD-ĐT chủ trì).
Thứ hai, khắc phục được tình trạng tuyển không hết chỉ tiêu biên chế được giao trong khi tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra trên hầu khắp cả nước. Nguyên nhân là do ngành giáo dục đã có quy định định mức số lượng giáo viên dựa trên cơ sở khoa học về giáo dục nhưng nhiều địa phương không tuyển đủ định mức, dành chỉ tiêu để tinh giảm biên chế...
Thứ ba, khắc phục việc tuyển dụng người không phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo vì phương thức tuyển dụng chung giáo viên với các viên chức ngành nghề khác; nội dung thi chưa gắn liền với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.
Thứ tư, khắc phục được tình trạng không thể điều động nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục trên địa bàn khi xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ do phân cấp quản lý như hiện nay (THPT thuộc sự quản lý của Sở GD-ĐT, THCS trở xuống thuộc sự quản lý của UBND cấp huyện, Phòng GD-ĐT không có vai trò chủ trì, tham mưu trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm nhà giáo); bố trí sử dụng một cách hợp lý nhà giáo do thực hiện việc phân công dạy liên trường, liên cấp.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nhà giáo do việc tuyển dụng có yêu cầu bắt buộc là thực hành sư phạm. Không ai khác, ngành giáo dục mới có thể tổ chức thi, đánh giá việc thực hành sư phạm của người dự tuyển một cách khách quan, chính xác nhất.
Nhưng việc giao cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo liệu có mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác trong việc xây dựng kế hoạch nhân lực, tuyển dụng và sử dụng lao động, thưa ông?
TS. Vũ Minh Đức: Việc giao cho cơ quan giáo dục tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo là phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Kết luận 91 của Bộ Chính trị có yêu cầu "nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trong việc quyết định biên chế, tổ chức bộ máy, chính sách đối với nhà giáo và phân bổ ngân sách nhà nước cho ngành Giáo dục".
Việc tuyển dụng, sử dụng hay điều động giáo viên nằm trong số chỉ tiêu biên chế được ngành Giáo dục, ngành Nội vụ xác định, báo cáo cấp có thẩm quyền giao cho ngành Giáo dục, vì vậy không trái với các quy định hiện hành về quản lý biên chế, xây dựng kế hoạch nhân lực.
Mặt khác, theo quy định hiện hành, có thể dùng 1 luật để sửa nhiều luật nếu cần phải quy định để giải quyết những vướng mắc phát sinh của thực tiễn cuộc sống.
Vì vậy nếu có phải điều chỉnh một vài điều khoản ở các luật liên quan thì cũng là điều bình thường trong xây dựng pháp luật.
Không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, nếu cơ quan quản lý giáo dục hoặc trực tiếp là cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thưa ông?
TS. Vũ Minh Đức: Việc cơ quan quản lý giáo dục thực hiện tuyển dụng, sử dụng nhà giáo sẽ giúp cho việc tuyển dụng bám sát yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo, kỹ năng thực hành sư phạm của người tuyển dụng. Điều này giúp cho ngành giáo dục tuyển người có đủ năng lực trở thành nhà giáo.
Việc cơ quan quản lý giáo dục được điều động, bố trí nhà giáo khắc phục được sự thừa thiều cục bộ giáo viên nhất là ở một số môn học đặc thù; đồng thời có thể tăng cường, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhà giáo ở những nơi có khó khăn.
(TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT)
Bên cạnh đó, việc cơ quan quản lý giáo dục được tuyển dụng, điều động giúp cho việc đánh giá nhà giáo đúng theo chuẩn nghề nghiệp; có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ; tạo cơ hội cho các nhà giáo giỏi thăng tiến trong nghề nghiệp; tạo động lực cho họ gắn bó với nghề.
Nhưng nếu giao quyền cho cơ quan quản lý giáo dục hoặc trực tiếp là cơ sở giáo dục tuyển dụng, sử dụng giáo viên liệu có dẫn đến tình trạng "phình" thêm biên chế hay không?
TS. Vũ Minh Đức: Như tôi đã nói ở trên, việc tuyển dụng nhà giáo nằm trong số chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao cho ngành giáo dục (trên cơ sở quy định định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, được ngành Nội vụ thẩm tra, phối hợp với ngành giáo dục trình cấp có thẩm quyền), vì vậy sẽ không xảy ra tình trạng phình biên chế.
Vấn đề minh bạch, đảm bảo chất lượng tuyển dụng, sử dụng nhà giáo cũng là điều mà nhiều người quan tâm vì có thể người đứng đầu cơ sở giáo dục có quyền rất lớn trong tuyển dụng giáo viên, thưa ông?
TS. Vũ Minh Đức: Để thực hiện quy định trên của Luật, cơ quan soạn thảo phải ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ GD-ĐT... trong đó quy định quy trình, thủ tục, điều kiện tuyển dụng nhà giáo đảm bảo công khai, minh bạch, phòng ngừa tiêu cực.
Mặt khác, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, ngành Nội vụ và ngành giáo dục sẽ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác tuyển dụng, thực hiện các cơ chế giám sát đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục
96% giáo viên mầm non mong muốn được nghỉ hưu sớm
Hiện nay, cả nước đã có 1.840 công việc, lĩnh vực đặc thù được nghỉ hưu sớm, trong đó có một số lĩnh vực, công việc của ngành giáo dục. Đối với đề xuất giáo viên Mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm mà không giảm trừ tỉ lệ đóng BHXH liệu rằng có công bằng với một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù khác?
TS. Vũ Minh Đức: Việc quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo, giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm không quá 5 năm so với quy định và không bị trừ tỷ lệ % lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi đã được đông đảo giáo viên mầm non mong mỏi từ nhiều năm và đa số đại biểu Quốc hội khi thảo luận ở Tổ ngày 09/11/2024 đồng tình.
Bộ GD-ĐT và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu điều kiện lao động của giáo viên mầm non tương đương với điều kiện làm việc của nghề nặng nhọc.
Vì vậy đề xuất cho giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm là hoàn toàn phù hợp với sức khỏe của họ và công bằng với các ngành nghề nặng nhọc khác.
Mặt khác, việc cho giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm không những đảm bảo sức khỏe cho giáo viên mà còn là sự đảm bảo chất lượng giáo dục và an toàn của trẻ em.
Hiện nay có khoảng hơn 300 nghìn giáo viên mầm non, người quản lý, phục vụ... Vậy, khi đề xuất chính sách này, ban soạn thảo đã đánh giá tác động như thế nào? Chúng ta đã đánh giá đầy đủ mong muốn nghỉ hưu sớm của đội ngũ giáo viên mầm non hay chưa?
TS. Vũ Minh Đức: Bộ GD-ĐT đã có khảo sát đối với giáo viên mầm non trên cả nước và có đến 96% giáo viên mầm non được khảo sát mong muốn được nghỉ hưu ở tuổi 55. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng có nghiên cứu khoa học về điều kiện lao động mầm non hiện nay.
Trong quá trình soạn thảo dự án Luật, việc đánh giá tác động của chính sách này cũng đã được Bộ GD-ĐT thực hiện.
Tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện các đánh giá này theo đúng quy định.
Một quy định khác được thể hiện trong dự thảo Luật nhà giáo được đông đảo giáo viên quan tâm, đó là lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động. Vậy khi xác định vị trí của nhà giáo ngoài công lập thì cùng với đó sẽ có các chính sách gì kèm theo, thưa ông?
TS. Vũ Minh Đức: Với dự thảo Luật Nhà giáo, lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động. Nhà giáo ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo công lập về quyền, nghĩa vụ chung; về chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo; về đào tạo, bồi dưỡng, về các chính sách ưu đãi, tôn vinh, khen thưởng, hợp tác quốc tế, sự thăng tiến trong nghề nghiệp cũng như các cơ chế bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp và an sinh (như khi cơ sở giáo dục ngoài công lập giải thể hoặc phải dừng hoạt động...)
Trân trọng cảm ơn ông!