Trước câu hỏi “nóng: “Giáo viên dạy học vì tiền hay vì học sinh?”, trong chương trình 30 phút cùng VOV2, chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Lê Thống Nhất cho rằng điều đó tùy thuộc vào từng trường hợp, từng giáo viên.
Dạy thêm phải theo quy định chứ không phải theo giá chợ đen
TS Lê Thống Nhất thừa nhận, khi còn là sinh viên, ông cũng đi dạy thêm. Nhưng việc dạy thêm khi đó chủ yếu để rèn luyện bản thân, là thử thách nghề nghiệp chứ không hề có tiền. Sau mỗi buổi dạy, gia đình thường chỉ nấu cho bát mì tôm.
Nhưng sau khi ra trường đồng lương giáo viên eo hẹp trong khi gánh nặng gia đình đặt lên vai buộc ông phải đi dạy thêm để kiếm thêm thu nhập. “Thập kỷ 80, 90 rất khó khăn. Nên lúc đó động cơ đi dạy thêm là vì tiền. Nhưng dù dạy thêm vì tiền thì chất lượng giảng dạy phải xứng đáng với đồng tiền mà học sinh bỏ ra.” - TS Lê Thống Nhất chia sẻ.
Nếu một thầy giáo dạy giỏi mà học sinh có nhu cầu học để phát triển tri thức, học sinh có thể nộp tiền để xin học. Bằng sức lao động, bằng trí tuệ giáo viên có thể kiếm được 50-80 triệu/tháng là chuyện bình thường nếu giữa bên học và bên dạy thoải mái.
Tuy nhiên, theo TS Lê Thống Nhất dạy thêm đáng bị lên án khi nó bị biến tướng. Trò không có nhu cầu học nhưng bằng nhiều động tác “nghệ thuật” để học sinh không muốn học vẫn phải học.
“Tôi từng biết một giáo viên chủ nhiệm lớp 1 có 60 em. Cô chia lớp ra thành 2 nhóm mỗi nhóm 30 em. Mỗi tuần học thêm cô 2 buổi, mỗi buổi 150 nghìn đồng. Tính ra mỗi tháng giáo viên đó nhẹ nhàng thu về 72 triệu. Ngay như tôi đã từng phải viết đơn để con tôi được đi học thêm. Trước đây, cháu chỉ đạt 6-7 điểm nhưng sau một tháng học thêm điểm số có thể lên 8-9. Tôi nghĩ đây không phải vì sự tiến bộ của học sinh mà là giáo viên đã dùng điểm số để đẩy học sinh vào con đường học thêm.” – Ông Nhất bức xúc.
Trước câu hỏi, nếu thu nhập giáo viên đạt 20 triệu/tháng thì giáo viên có đi dạy thêm? TS Lê Thống Nhất cho rằng, không chỉ giáo viên mà bất cứ người nào trong xã hội thu nhập có 20 triệu/tháng thì vẫn tìm cách để tăng thu nhập. Bởi nếu muốn mua một căn hộ 3-4 tỷ thì lương 20 triệu/tháng chưa ăn nhằm gì. Cho nên nếu nghĩ thu nhập 20 triệu/tháng giáo viên ngừng dạy thêm sẽ không đúng vì khát vọng trong cuộc sống bây giờ rất cao.
Cũng theo TS Lê Thống Nhất, các văn bản quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm đã đầy đủ từ Bộ GD&ĐT đến các Sở GD&ĐT. Tuy nhiên, cần phải phân biệt những trường hợp nào dạy thêm cần ngăn chặn và những trường hợp nào dạy thêm là hợp pháp chứ không thể cấm tất cả các hoạt động dạy thêm.
Ngay trong các văn bản của Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh, nhà trường tổ chức dạy thêm cho hai đối tượng, học sinh yếu để cải thiện trình độ học sinh và bồi dưỡng học sinh giỏi để đáp ứng cao hơn. Nhưng chuyện bồi dưỡng này phải theo quy định chứ không phải thu bao nhiêu cũng được như giá chợ đen. Văn bản có đủ rồi chỉ có điều là chuyện đó ai giám sát?
Phải tách việc dạy thêm ra khỏi trường học
Chia sẻ về vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm, thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương cho rằng, hiện nay chỉ có số ít giáo viên dạy thêm vì sự tiến bộ của học sinh. Còn phần lớn giáo viên dạy thêm vì sinh kế của chính mình. Bởi nếu muốn trợ giúp học sinh thì có nhiều hình thức khác nhau chứ không nhất thiết phải dạy thêm.
Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương, mưu sinh là nhu cầu chính đáng của mọi người nên nếu mức lương không đảm bảo thì bằng cách này hay cách khác người lao động vẫn phải xoay ra làm việc khác. Ngay cả những giáo viên lương thiện nhất vẫn ăn cắp thời gian và dành trí tuệ của mình để kiếm tiền. Do vậy cần phải lo cho giáo viên mức lương đủ sống để họ trang trải sinh hoạt gia đình yên tâm công tác.
Tuy nhiên, điều quan trọng theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương là cần phải tách việc dạy thêm và vai trò của giáo viên trong dạy thêm ra khỏi hệ thống trường học quốc dân. Giáo viên biên chế, hợp đồng dài hạn ở trường công không được phép dạy thêm. Còn trường tư là sự thỏa thuận giữa chủ lao động và người lao động. Giáo viên đi dạy thêm là những giáo viên độc lập, giáo viên về hưu hay thuộc quyền quản lý của các trung tâm.