"Kiến thức Hà Nội học giúp chúng tôi dạy tốt hơn các môn xã hội" là chia sẻ của rất nhiều giáo viên tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức Hà nội học trong mùa hè năm 2024. Đây là một trong những hoạt động do trường ĐH Thủ đô Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức nhằm thực hiên Chỉ thị 30 của Thành ủy Hà Nội về việc: khẩn trương đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy tại các trường ở Hà Nội.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được thành phố giao cho nhiệm vụ chủ trì Đề án Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học nhằm giúp đội ngũ giáo viên Thủ đô có thêm về kiến thức về Hà Nội để quản lý, giảng dạy môn Giáo dục địa phương Hà Nội ở các cấp học trên địa bàn thành phố và đón đầu cho việc triển khai dạy môn Hà Nội học trong thời gian không xa.

Trong năm 2024 này, Trường sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các đối tượng của Đề án bao gồm cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên phổ thông các cấp học nhằm trang bị thêm kiến thức về Hà Nội học cho những đối tượng là cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các trường phổ thông.

PGS.TS Bùi Tất Thắng, phụ trách lớp Bồi dưỡng giáo viên ở huyện Ứng Hòa chia sẻ: "Chuyên đề mà tôi phụ trách bàn về tương lai phát triển của thủ đô Hà Nội và tương lai đó được dựa trên nhiều văn bản pháp lý, từ các nghị quyết của Bộ chính trị, của Ban chấp hành Trung ương cho đến của thành ủy, rồi các nghị quyết về chiến lược phát triển của quốc gia, của vùng, của thủ đô. Tuy nhiên, văn bản pháp lý trực tiếp nhất và có gắn bó liên hệ gần gũi nhất với môn Hà Nội học chính là định hướng phát triển, quy hoạch phát triển thủ đô Hà Nội."

Những vấn đề mà TS Bùi Tất Thắng cung cấp cho cán bộ, giáo viên liên quan đến các vấn đề phát triển Hà Nội trong tương lai. Những điều mà nhiều thầy cô xưa nay chỉ quen làm công tác chuyên môn chứ ít để tâm tìm hiểu.

Qua lớp tập huấn, PGS.TS Bùi Tất Thắng cung cấp cho họ định hướng quy hoạch từng quận, huyện để các thầy cô có thông tin giới thiệu cho học sinh của mình về chính địa bàn đó. Bên cạnh đó những thông tin, định hướng về đủ các lĩnh vực nghề nghiệp kinh tế, văn hóa, xã hội và xu hướng khoa học công nghệ sẽ giúp các em học sinh định hình được nhu cầu nhân lực và hướng phát triển cụ thể trên địa bàn.

Theo TS Bùi Tất Thắng, chức năng của quy hoạch là định vị không gian, giúp cho các em có thêm thông tin để lựa chọn ngành nghề. Kiến thức tiếp thu ở tuổi học trò có thể đi theo các em cả cuộc đời và các thầy cô giáo, các nhà quản lý hiểu biết thêm khi làm công tác giảng dạy ở nhiều địa bàn khác nhau ở Hà Nội.

Việc tham gia khóa bồi dưỡng, cập nhật thêm kiến thức giúp thầy cô có hiểu biết toàn diện, đầy đủ hơn về Hà Nội khi dạy môn Hà Nội học, liên quan đến quan điểm về đổi mới một cách toàn diện, đó chính là liên ngành - xuyên ngành giúp cho việc dạy học toàn diện hơn như tinh thần đổi mới giáo dục. TS Bùi Tất Thắng khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng trường đại học Thủ đô Hà Nội cho biết: Thực hiện chương trình 06 của thành ủy Hà Nội, Trường Đại học thủ đô Hà Nội được giao nhiệm vụ xây dựng tài liệu bồi dưỡng về Hà Nội học cho toàn bộ giáo viên khối trung học cơ sở và tiểu học ở thành phố Hà Nội. Đến nay thì trường Đại học thủ đô Hà Nội cũng đã triển khai rất nhiều việc như tổ chức các hội thảo; bổ sung xây dựng chương trình Hà Nội học gồm 37 chuyên đề, toàn bộ tài liệu bồi dưỡng Hà Nội học để triển khai bồi dưỡng cho giáo viên trung học cơ sở và giáo viên tiểu học.

"Qua các đợt bồi dưỡng, chúng tôi nhận thấy giáo viên các quận huyện ở bậc trung học cơ sở đánh giá rất cao ý nghĩa của chương trình bồi dưỡng này cũng như là nội dung bồi dưỡng, đặc biệt là chất lượng chương trình bồi dưỡng".

PGS.TS Nguyễn Văn Tuân cho biết thêm: Hiện tại ngành giáo dục Hà Nội chưa có giáo viên chuyên trách dạy môn giáo dục địa phương. Với chương trình Hà Nội học, tài liệu và nội dung bồi dưỡng về Hà Nội được Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội xây dựng và hoàn thiện đang chờ Bộ GD&ĐT phê duyệt. Hà Nội học sẽ là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình bồi dưỡng về giáo dục địa phương đặc biệt là giáo dục của Hà Nội. ĐH Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai bồi dưỡng đại trà cho giáo viên các cấp và cán bộ quản lý các quận huyện. Sau đó trường sẽ tổ chức đánh giá lại toàn bội dung và biên tập đưa vào chương trình giáo dục địa phương.

Là một trong những huyện được chọn tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học, ông Đặng Văn Khoái - Phó trưởng phòng giáo dục huyện Ứng Hoà cho biết phòng giáo dục huyện rất tích cực thực hiện chủ trương của Thành ủy và của Sở giáo dục Hà Nội. Ngay từ đầu năm học phòng đã tổ chức các chương trình tập huấn của Bộ GDDT và của Sở GDDT từ đó mở các lớp tập huấn cho các trường nhằm tuyên truyền nhắc nhở và định hình ra chương trình để các trường có thể dựa trên cơ sở đó xây dựng chương trình phù hợp để dạy tại trường mình.

Theo ông Khoái việc tăng cường kiến thức Hà Nội học cho giao viên và cán bộ quản lý rất quan trọng bởi: "Muốn trở thành một công dân tốt thì phải biết nguồn cội, phải biết được là hiện tại mình đang sống ở đâu, mình đã được thụ hưởng những cái gì và từ đó thì nắm được truyền thống nhớ được tổ tiên ông cha đã từng đổ máu hy sinh cống hiến để chúng ta được có những ngày hôm nay. Từ đó có cố gắng học tập tu dưỡng và đóng góp cho quê hương."

Chương trình bồi dưỡng cho giáo viên THCS tại các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa và Chương Mỹ diễn ra từ ngày 5-7/8, dưới nhiều hình thức, học trực tiếp, học trực tuyến và các học viên sẽ có 1 ngày thực tế.

Học viên hoàn thành khoá học bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học sẽ được trường Đại học Thủ Đô Hà Nội cấp giấy chứng nhận tham gia chương trình "Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học". Qua lớp học này, học viên là cán bộ quản lý giáo dục sẽ có thêm kiến thức về Hà Nội để chỉ đạo công tác giảng dạy nội dung giáo dục địa phương thành phố Hà Nội hiện tại và môn Hà Nội học trong tương lai gần.