Ngay sau khi cơn bão số 3 có tên quốc tế là siêu bão YAGI tàn phá một số tỉnh thành miền Bắc gây thiệt hại to lớn về người và tài sản cho nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và sau đó lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc, sáng ngày 10 tháng 9, GS.TS Lê Ngọc Thạch - giảng viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) đã đến toàn soạn Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh trao tặng sổ tiết kiệm có giá trị 1 tỷ đồng với mong muốn sẻ chia khó khăn với đồng bào vùng thiên tai bão lũ.

Việc làm nhân ái của thầy đã gây sự ảnh hưởng lớn đối với xã hội, đặc biệt trong giới giáo dục. Trên trang cá nhân của GS, nhiều học trò đã bình luận "thật tự hào khi được làm học trò của thầy", FB Thúy Hằng Nguyễn viết "Người thầy mà em rất trân quý, tuy em chưa được học thầy nhưng được tìm hiểu kiến thức qua các cuốn sách thầy viết. Kính chúc thầy luôn mạnh khỏe"; hay FB AnhTrietVo viết: "Thầy như cành hoa nở giữa đời thường."

Trên FB Phùng Quán điểm lại những đóng góp của GS Lê Ngọc Thạch: Thầy từng đóng 2 tỷ đồng cho giải thưởng Lê Văn Thới ( lần thứ nhất 1,5 tỷ đồng, lần thứ 2: 500 triệu đồng); đóng góp 1 tỷ đồng cho Hội Hóa học TP. Hồ Chí Minh thành lập Giải thưởng Lê Văn Thới về Hóa học xanh và nhiều lần đóng góp cho các hoạt động xã hội, cứu trợ, ủng hộ xuống cứu hộ cho Trường Sa...

GS Lê Ngọc Thạch chia sẻ: "sổ tiết kiệm này thầy để dành từ tiền lương hưu, tiền đi dạy và tiền viết sách suốt nhiều năm qua. Hiện tại thầy sống một mình nên chi tiêu không nhiều, thấy đồng bào miền Bắc đang khổ sở vì bão lũ thầy không kìm long được nên quyết định đem số tiết kiệm của mình ủng hộ hết, chỉ xin giữ lại phần tiền lãi để lo cho các chương trình thiện nguyện khác. Có thể số tiền 1 tỷ đồng là nhiều với đóng góp của một cá nhân nhưng cũng chỉ là hạt cát so với những thiệt hại mà đồng bào miền Bắc đang gánh chịu."

Việc một nhà giáo 76 tuổi cả cuộc đời tận tụy với công việc đào tạo và nghiên cứu khoa học, dành dụm được số tiền lo cho tuổi già nhưng sẵn sàng đồng hành với các chương trình thiện nguyện: tự mình nấu các bữa cơm từ thiện, phục vụ bệnh nhân trại phong, tặng sách và học bổng cho học trò nghèo ... thật sự là tấm gương sáng cho học trò và đồng nghiệp.

Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV2 về vai trò trách nhiệm của nhà giáo đối với nghề, đối với cuộc sống, GS Lê Ngọc Thạch cho rằng: Người thầy muốn dạy tốt là phải học, phải đọc, phải viết càng nhiều càng tốt, càng hiểu thấu đáo ngọn nguồn vấn đề mình sắp dạy cho người học càng tốt. Do đó, nên dành nhiều thời gian trong cuộc sống hằng ngày, ở mức độ có thể có được, cho việc tự học, nếu muốn đi theo nghề dạy học lâu dài. Ngoài ra, muốn chia sẻ (tiền bạc, công lao động) tốt thì đầu tiên phải sống thiện lương, nếu chưa làm được thì phải nên tập dần.

Thiện lương theo tôi là đừng tham lam cái gì của người khác, hễ còn tham lam thì đừng mong có việc chia sẻ. Muốn sự chia sẻ có giá trị càng ngày càng cao thì phải thực hành càng sớm càng tốt, ngay khi tuổi còn nhỏ. Để việc chia sẻ trở thành một hành động tự nhiên, nhưng phải có kiểm soát của sự hiểu biết.

"Với các quý thầy cô đang theo nghề giáo muốn có tài chính càng ngày càng nhiều để lo cho bản thân và gia đình, muốn thăng tiến càng ngày càng cao trong nghề nghiệp, cả hai mong muốn này đều chính đáng. Nhưng phải làm NGƯỜI trước khi làm quan chức, trước khi mang học hàm học vị vào mình. Xin đừng chỉ vì muốn có mấy thứ đó mà sống phi nhân nghĩa!", GS Lê Ngọc Thạch bày tỏ quan điểm.

Phải làm NGƯỜI trước khi làm THẦY là điều mà GS Lê Ngọc Thạch gửi gắm đến những người công tác trong ngành giáo dục. Tấm gương của người thầy, của nhà khoa học và cách sống gương mẫu vì cộng đồng của thầy suốt cuộc đời là bài học sâu sắc chân thực nhất đối với học trò, đồng nghiệp và nhiều người trong xã hội.

Những đóng góp mà thầy gọi là "bé nhỏ như hạt cát" và cách nói giản dị "không có chi" của nhà giáo có tấm lòng vàng khiến cho ai cũng phải ít nhất một lần nhìn lại cách sống của mình, cách ứng xử của mình với những người khó khăn, hoạn nạn.