Tính đến đầu tháng 3/2023 đã có 120 trường đại học công bố sử dụng kết quả học tập THPT (học bạ) để làm căn cứ xét tuyển năm 2023.

Trước đó, năm 2022, các trường dành khoảng 240.000 chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ và xét tuyển kết hợp học bạ với các tiêu chí khác, chiếm 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học. Tỷ lệ nhập học của phương thức xét học bạ là 36,2%, cao thứ hai trong 18 phương thức, chỉ sau xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (52,3%).

Tuy nhiên căn cứ vào dữ liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, đa số các địa phương dẫn đầu cả nước về điểm học bạ lại không có điểm thi cao nhất. Đơn cử như TP. Hà Nội dẫn đầu cả nước về điểm học bạ môn Hóa học và Sinh học nhưng điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 lại xếp vị trí thứ 58/63 tỉnh thành trên cả nước ở cả hai môn học này.

Đồng Tháp cũng có mặt trong danh sách 10 địa phương có điểm học bạ cao nhất cả nước ở hầu hết các môn gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Sinh học, Hóa học. Thế nhưng tỉnh này lại không có môn nào lọt top 10 về điểm thi tốt nghiệp THPT.

Phú Yên có điểm học bạ môn Địa lý và Lịch sử cùng xếp thứ 10 nhưng điểm thi tốt nghiệp THPT cùng ở vị trí số 61/63 tỉnh thành.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo (ĐHQG Hà Nội)

Trao đổi với phóng viên VOV2, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo (ĐHQG Hà Nội) nói, kết quả học bạ luôn cao hơn phổ điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điểm học bạ của một số môn, một số trường, địa phương chênh tới 3 điểm so với phổ điểm THPT.

“Có trường, có lớp 100% học sinh đều có học lực giỏi, đánh giá về học bạ đang bị dễ dãi”, ông Đức lo ngại.

Trong khi đó, theo dõi kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây ông Đức nhận định đề thi tốt nghiệp quá dễ dẫn đến kết quả thi cao, chỉ đáp ứng công tác xét tốt nghiệp THPT. Đơn cử như môn Ngữ văn có đến 41% thí sinh đạt điểm giỏi; Trong khi đó, các môn Lý, Hóa, Sinh cứ 4 em thì có 1 em đạt điểm giỏi.

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT không đáp ứng được mục tiêu 2 trong 1. Tuy nhiên nhiều trường vẫn buộc phải sử dụng kết quả thi này để xét tuyển đại học bởi việc tổ chức một kỳ thi tuyển sinh đại học quá tốn kém và không phải trường nào cũng đủ năng lực để tổ chức kỳ thi riêng”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức phân tích.

Đánh giá tổng thể về công tác tuyển sinh hiện nay, ông Đức nhận định, việc trúng tuyển đại học hiện quá dễ. Nếu trước kia 10 thí sinh chỉ có một em trúng tuyển thì nay trượt đại học là quá khó.

Để đảm bảo chất lượng tuyển sinh cũng như giảm sự phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, hiện có 10 cơ sở đào tạo công bố sẽ tổ chức kỳ thi xét tuyển riêng trong năm 2023 gồm: ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Cửu Long (Vĩnh Long), kỳ thi của Bộ Công an.

Bàn về xu hướng nở rộ các kỳ thi tuyển sinh riêng, theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức về cơ bản các kỳ thi được tổ chức tốt, đảm mục tiêu, chất lượng tuyển sinh riêng của mỗi trường. Tuy nhiên vì mỗi cơ sở đào tạo có mục tiêu riêng trong tuyển sinh nên cấu trúc đề thi và phổ điểm khác nhau.

“Trong công tác quản lý đào tạo có việc sinh viên chuyển từ cơ sở đào tạo này sang cơ sở đào tạo khác. Nếu không có một mặt bằng chung sẽ nảy sinh tiêu cực và rất khó đánh giá chất lượng”, ông Đức đặt vấn đề.

Phân tích cụ thể, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh hiện đang thiếu mặt bằng chung trong xét tuyển đại học. Lấy ví dụ về tuyển sinh đại học ở Mỹ, dù các cơ sở đào tạo có quyền quyết định công tác xét tuyển nhưng có chung mặt bằng về chất lượng là kỳ thi đánh giá năng lực SAT hoặc ICT. Hai bài thi đánh giá năng lực này tương đương nhau về chất lược, trên cơ sở đó mỗi trường đưa ra ngưỡng tuyển sinh đầu vào cũng như các tiêu chí phụ khác nhau.

“Việt Nam đang thiếu mặt bằng chung về chất lượng tuyển sinh. Và việc xây dựng mặt bằng chung về chất lượng phải là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Trên cơ sở mặt bằng chung về chất lượng các cơ sở đào tạo có phương án tuyển sinh riêng, phù hợp nhu cầu của mỗi trường chứ không phải là dựa vào học bạ hay kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

Để đảm bảo chất lượng, công bằng trong công tác tuyển sinh, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đề xuất 2 phương án:

Thứ nhất, Bộ GD-ĐT phải “cầm chịch” về mặt chất lượng, xây dựng ma trận đề thi đánh giá năng lực và giao cho các trung tâm khảo thí thực hiện, điều này sẽ tiếp cận với chuẩn mực quốc tế.

Thứ hai, trong điều kiện chưa xây dựng được các trung tâm khảo thí độc lập thì phương án khả thi nhất là cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT, đảm bảo tốt hai mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.

“Để kết quả kỳ thi tốt nghiệp đảm bảo độ tin cậy trong công tác xét tuyển thì phải làm tốt 4 khâu: Đề thi có độ phân hóa cao; Coi thi nghiêm túc; Chấm thi được giám sát chặt chẽ; Xét tuyển công bằng”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nói.

Trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội Nguyễn Đình Đức cũng khuyến cáo thí sinh không nên phân tán thời gian, công sức để tham gia quá nhiều thi tuyển sinh riêng. Để nắm chắc cơ hội thí sinh nên tập trung làm tốt bài thi THPT và có thể tham gia thêm một kỳ thi đánh giá năng lực.