Tại Hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Bộ GD-ĐT tổ chức (20/9), ông Lâm Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang nói 3 khó khăn của địa phương khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT: Khó khăn về điều kiện địa lý, kinh tế xã hội, với trên 86% đồng bào dân tộc thiểu số, sự quan tâm của phụ huynh về việc học tập của con em còn hạn chế; Mạng lưới trường lớp trải rộng và phân tán dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức và giám sát kỳ thi; Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học còn nhiều hạn chế.
"Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm, Hà Giang thường có khoảng 5-6 nghìn học sinh dự thi tốt nghiệp THPT nhưng địa phương phải tổ chức làm 32 điểm thi trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng tổ chức coi thi, bàn giao đề thi đã là câu chuyện rất lớn", ông Hùng nói.
Một khó khăn khác của Hà Giang cũng được ông Lâm Thế Hùng đặt ra đó là việc thiếu giáo viên. Hiện Hà Giang thiếu khoảng 3000 giáo viên, sau vụ gian lận thi cử xảy ra vào năm 2018, tâm lý của đội ngũ cán bộ giáo viên bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước khó khăn, thách thức này, theo ông Lâm Thế Hùng, để thực hiện tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cũng như các năm tiếp theo, điều trước tiên Hà Giang phải làm là công tác tư tưởng, ổn định tâm lý cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi, tránh cả hai khuynh hướng chủ quan và chủ nghĩa kinh nghiệm.
Từ bài học vụ gian lận kỳ thi tốt nghiệp THPT xảy ra năm 2018, Hà Giang triển khai nghiêm các quy định, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; Huy động sự vào cuộc của tất cả các ngành; Luôn có phương án dự phòng trong mọi tình huống đặc biệt là phòng, chống thiên tai, bão lũ...
Để nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ông Lâm Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang kiến nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất hợp lý về tổ chức kỳ thi.
Đơn cử như công tác chấm thi, nếu ban chấm thi trắc nghiệm có thư ký thì ban chấm thi tự luận lại không có. Một số hội đồng chấm thi buộc phải biệt phái thư ký hội đồng thi sang để làm thư ký hội đồng chấm thi tự luận; Hoặc thí sinh khiếm thính sử dụng các thiết bị thu phát phải được quy định rõ như thế nào?
"Nếu áp đúng quy chế thì việc thí sinh khiếm thính sử dụng các thiết bị thu phát này là vi phạm quy chế. Do vậy mỗi khi có thí sinh khiếm thính dự thi, cán bộ coi thi mất rất nhiều thời gian để báo cáo, xin ý kiến", ông Hùng nói.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT chính thức; Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và lựa chọn kỹ nhân sự tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra bởi một số đoàn kiểm tra thi không phải nhân sự nào cũng có thể hỗ trợ địa phương nhiều về mặt chuyên môn.
Liên quan đến cách thức truyền thông về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Lâm Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang băn khoăn, sau mỗi lần công bố kết quả thi tốt nghiệp, trên mạng xã hội, báo chí thường xuất hiện các bảng xếp hạng kết quả thi của tất cả các địa phương.
"Là địa phương miền núi và còn nhiều khó khăn như Hà Giang, kết quả thi tốt nghiệp THPT thường thấp so với các tỉnh, thành phố khác nên chúng tôi gặp áp lực rất lớn đối với bảng xếp hạng này. Hơn nữa, những bảng xếp hạng được truyền thông, mạng xã hội công bố lại không chính thống, có lúc đúng, có lúc không đúng", ông Hùng nói.
Từ thực tế này, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang kiến nghị nếu công bố bảng xếp hạng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì trách nhiệm này phải là của Bộ GD-ĐT. Nếu không thì chỉ nên công bố trong phạm vi hẹp để cán bộ chuyên môn, chuyên gia phân tích, thảo luận từ đó có hướng để điều chỉnh hoạt động dạy học trong trường phổ thông.
"Chúng ta không để truyền thông công bố và tự đánh giá, tự phán xét kết quả thi gây áp lực rất lớn cho các ngành giáo dục địa phương", ông Hùng kiến nghị.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 của tỉnh Hà Giang bước sang năm thứ 4 đứng vị trí 63/63 tỉnh thành với điểm trung bình các môn thi là 5,598.
Cụ thể, Hà Giang đứng cuối bảng xếp hạng ở 6 môn thi: toán (4,315), ngữ văn (5,270), lịch sử (5,203), địa lý (5,536), giáo dục công dân (7,238) và ngoại ngữ (3,833).
Trong đó toán và ngoại ngữ là hai môn mà Hà Giang có mức điểm trung bình dưới 5.
Có 3 môn Hà Giang không "đội sổ" gồm vật lý (đứng thứ 47/63), hóa học (đứng thứ 48/63) và sinh học (đứng thứ 58/63).
Trước đó, năm 2022, Hà Giang đứng 63/63 với 5,41 điểm. Trên Hà Giang 1 bậc là Đắk Nông với 5,8 và tiếp theo là Đắk Lắk với 5,81.
Đáng chú ý, không chỉ 2 năm 2023 và 2022, mà trong 2 năm trước đó, Hà Giang vẫn đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng điểm thi.
Cụ thể, năm 2021, điểm thi trung bình của thí sinh Hà Giang đạt 5,647 và năm 2020 đạt 5,350. Trước đó 1 năm, tỉnh này đứng áp chót, trên Sơn La.
Năm 2018, khi gian lận thi cử xảy ra trên diện rộng tại Hà Giang với số điểm 10 cao bất thường ở môn toán và vật lý, tỉnh này vẫn có mức điểm trung bình các môn thi thuộc nhóm thấp nhất toàn quốc cùng Sơn La và Đắk Lắk.