Sáng nay (18/6), Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tại Hà Nội.

Bố trí 200 mắt camera theo dõi

Tại Trường THCS Chu Văn An quận Tây Hồ (địa điểm coi thi và dự kiến dự kiến chấm thi), lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, toàn quận có 4 điểm thi và 1 điểm chấm thi. Quận có hơn 2000 thí sinh dự thi tại 103 phòng thi (89 chính thức và 14 phòng thi dự phòng). Hiện nay, các điểm thi đều được rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đồng thời, bố trí phân công lực lượng từ việc tiếp sức mùa thi đến bảo vệ.

Điểm thi Trường THCS Chu Văn An và điểm thi Trường THPT Chu Văn An nằm trên trục có 3 tuyến đường song là Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê và Nguyễn Đình Thi, quận Tây Hồ đã có phương án phân luồng giao thông trong thời gian diễn ra kỳ thi. Ngoài ra, địa phương cũng bố trí hơn 200 mắt camera để toàn bộ hoạt động tổ chức thi được theo dõi chặt chẽ.

Báo cáo về công tác chuẩn bị kỳ thi tại Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, bà Trần Thị Hải Yến – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, có 731 học sinh lớp 12 đăng ký thi tốt nghiệp THPT, một em thuộc diện khuyết tật nặng được miễn thi tốt nghiệp. 22 phòng thi đã được chuẩn bị chu đáo. Các phương án phòng chống bão lũ mất điện đã được lên kế hoạch. Trường Trần Phú có kiến trúc nhà Pháp nên nếu mất điện sẽ gây khó khăn nên nhà trường đã bố trí máy nổ, đảm bảo đáp ứng phát điện trong trường hợp sự cố cúp điện xảy ra.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, công an quận đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông từ xa, bố trí các địa điểm để phụ huynh học sinh đưa con đi thi, có điểm chờ gần điểm thi.

Quận chỉ đạo UBND các phường tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, nhất là các phường diễn ra điểm thi. Chỉ đạo công ty điện lực Hoàn Kiếm đảm bảo cung cấp điện ổn định. Mỗi điểm thi có 2 nguồn điện lưới: một nguồn điện chính và một nguồn điện dự phòng. Chỉ đạo thanh niên tình nguyện bố trí lực lượng đón tiếp thí sinh, giúp các em yên tâm tham gia thi.

Quận Hoàn Kiếm có 4 điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 gồm: THPT Trần Phú, THPT Việt Đức, THCS Ngô Sĩ Liên và THCS Nguyễn Du với tổng số thí sinh dự thi là 1.678 em (trong đó có 111 thí sinh tự do).

Trao đổi với phóng viên VOV2, ông Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, để kỳ thi an toàn, đúng quy chế, quận chỉ đạo công an quận xây dựng phương án 3 vòng: vòng trong đảm bảo nhận đề, sử dụng đề thi đúng quy chế. Vòng thứ 2 đảm bảo an ninh trật tự trong điểm thi và vòng 3 đảm bảo an ninh trật tự, giao thông. Đồng thời tuyên truyền để điểm thi thực hiện nội dung đúng quy chế.

Kiến nghị tiếp tục ban hành danh mục máy tính cầm tay

Toàn thành phố Hà Nội có 108.573 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục THPT là 94.935 thí sinh (4.175 thí sinh tự do). Số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên là 13.638 thí sinh (446 thí sinh tự do).

Hà Nội bố trí 196 điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã với 4532 phòng thi. Trong đó có 201 phòng thi ghép, số phòng chờ là 176 phòng, số phòng thi dự phòng là 392 phòng.

Thành phố điều động 15.115 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi tại các điểm thi, 600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi.

Ban chỉ đạo thành phố đã thành lập 12 Tổ kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên địa bàn thành phố.

Đánh giá ưu điểm trong công tác tổ chức thi, Sở GD-ĐT cho rằng, phương thức tổ chức Kỳ thi ổn định, không gây xáo trộn trong quá trình tổ chức dạy học, ôn tập và các phương án tổ chức thi của địa phương. Quy chế ban hành kịp thời giúp địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai.

Tuy nhiên, thời gian tổ chức nhiều khâu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT trùng với các kỳ thi tuyển sinh của địa phương, cán bộ coi thi không có đủ năng lực phát hiện các thiết bị gian lận công nghệ cao.

Việc không quy định danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi gây khó khăn cho cán bộ coi thi khi kiểm soát vật dụng thí sinh mang vào phòng thi.

Công tác xác minh tính xác thực chứng chỉ ngoại ngữ đề nghị miễn bài thi này còn gặp khó khăn do số lượng nhiều (khoảng trên 20.000 chứng chỉ cần xác thực mỗi năm).

Ngoài ra việc bố trí địa điểm chứa đồ dùng thí sinh cách biệt phòng thi tối thiểu 25 còn những bất cập do thiết bị công nghệ cao phát triển nhanh chóng...

Sở GD-ĐT kiến nghị tiếp tục ban hành hướng dẫn danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi giúp cho cán bộ coi thi dễ kiểm tra kiểm soát. Bộ công an có phương án hướng dẫn an ninh tại các điểm thi trong việc kiểm tra, kiểm soát các thiết bị gian lận công nghệ cao tinh vi hoặc tập huấn cụ thể với cán bộ coi thi tại điểm thi.

Đáng chú ý, Sở GD-ĐT Hà Nội kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép Hội đồng thi này in bổ sung 1 bì đề thi được đóng dấu “BẢN CHÍNH” cho mỗi môn của từng điểm thi để phục vụ cho kiểm tra, đối soát trong trường hợp thí sinh phản ánh về đề thi không rõ, mờ, nhòe...

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung 6 bậc dành cho thí sinh sử dụng để miễn thi ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp phối hợp THPT phối hợp với sở GD-ĐT, đảm bảo công tác xác minh kịp thời.

Tại buổi làm việc giữa Ban chỉ đạo thi TP. Hà Nội với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sở dĩ thành phố có 196 điểm thi nhưng chỉ có 176 điểm thi có phòng chờ. 20 điểm còn lại không có phòng chờ vì không có thí sinh tự do.

Hà Nội là địa phương có đông thí sinh tự do tham gia Kỳ thi thi tốt nghiệp THPT 2024 với 4621 em. Trong đó có 4175 thí sinh tự do theo chương trình giáo dục phổ thông, 446 thí sinh tự do theo chương trình giáo dục thường xuyên.

Hiện 85 điểm thi nội thành đã có phương án giải pháp đảm bảo phòng chống úng ngập trong điều kiện thời tiết bất thường.

Kỹ lưỡng không bao giờ thừa

Đánh giá cao công tác chuẩn bị kỳ thi của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các quận huyện của TP tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 15 ngày 16/5/2024 về tăng cường công tác chỉ đạo phối hợp cũng như chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, của UBND thành phố Hà Nội. Trong chỉ thị lưu ý giúp 6 nhiệm vụ UBND quận thành phố.

Một trong những điểm quan trọng là công tác bảo quản đề thi, bài thi. Bởi nếu để mất đề thi, bài thi của thí sinh thì hậu quả khôn lường. Thứ trưởng nhấn mạnh “kỹ lưỡng không bao giờ thừa”.

Đề cập tới khâu coi thi và chấm thi, Thứ trưởng khẳng định việc coi thi chỉ diễn ra trong 2 ngày, thời gian nhanh, áp lực lớn, thời tiết oi bức. Việc tổ chức chấm thi làm sao khoa học, đảm bảo tiến độ, đúng quy trình.

Công tác truyền thông phải đảm bảo kịp thời, đầy đủ, cung cấp thông tin rõ, phản ánh đúng nhưng không gây tâm lý căng thẳng, tạo áp lực không cần thiết.

Thứ trưởng đề nghị tất cả chủ thể tham gia quy trình tổ chức thi phải được học tập quy chế, nghiên cứu quy chế, nắm chắc nhiệm vụ của mình.

Thành phố phải xây dựng phưng án dự phòng, xử lý tốt các tình huống bất thường, “ngay cả máy nổ cũng phải nổ thử”... Theo Thứ trưởng, dù chúng ta có ban bệ, công nghệ thông tin, camera, tập huấn, quy chế, thanh tra...nhưng quan trọng nhất là lựa chọn con người nên việc nâng cao ý thức là quan trọng.

“Như vừa rồi tại kỳ thi lớp 10 ở Bắc Ninh xác minh thầy giáo chụp đề thi là vi phạm nghiêm trọng. Đây vẫn là vấn đề con người”, ông Thưởng nhấn mạnh khâu lựa chọn con người tham gia tổ chức kỳ thi.

Các quận, huyện, trường phải tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, tăng cường phối hợp với các sở, ngành, phòng ban, tổ chức kiểm tra động viên học sinh, chỉ đạo quận huyện chuẩn bị chu đáo, hạn chế tối đa sai sót, lưu ý kiến nghị của đoàn kiểm tra./.