Sáng nay (22/6), Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Hướng dẫn coi thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Quy mô kỳ thi lớn nhất cả nước
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Hà Nội có số lượng thí sinh lớn. Toàn thành phố có 108.573 thí sinh dự thi. Trong đó, số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục phổ thông là 94.935 em (có 4.175 thí sinh tự do). Số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên là 13.638 thí sinh (trong đó có 446 thí sinh tự do). Ông Cương khẳng định, số lượng thí sinh và quy mô kỳ thi tốt nghiệp của Hà Nội lớn nhất cả nước.
Cụ thể, số thí sinh Hà Nội gấp 6.5 lần thí sinh toàn tỉnh thái Nguyên (16.792 thí sinh); gấp hơn 12 lần số lượng thí sinh tỉnh Yên Bái (8.718 thí sinh); gấp gần 12 lần thí sinh của tỉnh Tuyên Quang (9.092 thí sinh); gấp gần 26 lần số lượng thí sinh của tỉnh Lai Châu (4.202 thí sinh); gấp gần 34 lần thí sinh của tỉnh Bắc Kạn (3.208 thí sinh)…
Những con số này cho thấy khối lượng công việc phải triển khai rất lớn, đặt ra sức ép và trách nhiệm nặng nề cho những người thực hiện.
Năm nay Hà Nội bố trí 4.532 phòng thi. Trong đó có 201 phòng thi ghép, số phòng chờ là 176, số phòng thi dự phòng là 392. Hà Nội bố trí 196 điểm thi tại 30 quận, huyện, thị xã.
Với quy mô này, Sở GD-ĐT Hà Nội điều động 15.115 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, 600 cán bộ giáo viên chấm thi và lực lượng khác…Tổng cộng có khoảng 18.000 cán bộ giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi.
Nói về điểm mới trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 năm nay ở Hà Nội, ông Cương cho biết đã lâu rồi ngành giáo dục mới quyết định huy động các trường tư thục, trường hiệp quản, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên tại 30 quận, huyện, thị xã tham gia vào lực lượng coi thi.
7 trường tư thục có giáo viên tham gia coi thi gồm: Nguyễn Siêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Marie Curie Hà Đông, Lomonoxop, Ban Mai, Hà Đông với 196 giáo viên tham gia coi thi. Ngoài ra còn có giáo viên của Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành thuộc Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội được huy động vào công tác coi thi. Riêng Trung tâm giáo dục thường xuyên của 30 quận, huyện, thị xã, Sở GD-ĐT Hà Nội huy động 390 cán bộ, giáo viên.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sở dĩ cần phải huy động thêm lực lượng bổ sung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 vì thời gian qua, cán bộ giáo viên đã phải “căng mình” cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu hiệu trưởng, điểm trưởng có cán bộ coi thi mới được bổ sung cần tăng cường quán triệt, tập huấn, trao đổi học tập quy chế để các thầy cô lần đầu tiên làm nhiệm vụ có thêm kinh nghiệm và cách thức xử lý vấn đề tốt hơn.
Theo ông Cương, mỗi năm kỳ thi đều có những tình huống phát sinh khác nhau. Do đó, các cán bộ giáo viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sự thành công của kỳ thi.
3 chủ động, 4 đúng, 3 không
Trao đổi về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm cho biết, ngay sau khi nhận được sự góp ý của đoàn thanh tra, ban chỉ đạo thi huyện cùng trường THCS Bát Tràng đã thuê máy photocopy mới mang vào điểm thi. Với các nhà dân sát điểm thi, ngành giáo dục phối hợp chính quyền xã Bát Tràng yêu cầu các hộ ký cam kết theo quy định. Phòng đề đã được thay tủ mới và lắp camera để khắc phục những hạn chế mà đoàn kiểm tra đã chỉ ra.
Thầy Đàm Tiến Nam - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy cho biết, nhà trường được giao 2 nhiệm vụ là chuẩn bị cơ sở vật chất cho điểm thi với 21 phòng thi. Đến nay, cơ sở vật chất đã được chuẩn bị đầy đủ. Nhà trường cũng đang chờ quyết định bố trí tủ đựng đề thi phù hợp và đúng quy định. Công tác chuẩn bị sẽ hoàn tất vào ngày 24/6.
Năm nay, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm và một số trường tư thục khác được Sở GD-ĐT giao điều động giáo viên tham gia coi thi. Theo thầy Nam, nhà trường đã lập danh sách và lựa chọn giáo viên có năng lực tham gia coi thi. “Chúng tôi đã triển khai việc quán triệt, tập huấn, gửi nội dung điều lệ, quy chế đến các thầy cô. Đến sáng thứ 2, chúng tôi sẽ tổ chức họp các đoàn để phổ biến, thống nhất lại. Đồng thời, thành lập các nhóm Zalo thầy cô tham gia coi thi để tiện báo cáo”, thầy Đàm Tiến Nam nói.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho kỳ thi, cô Ngô Ngọc Giao, điểm phó điểm thi Trường THCS Ngọc Lâm, Long Biên cho biết, điểm thi này có 20 phòng thi và 2 phòng dự phòng. Tuy nhiên có đến 8 phòng thi có bàn ghế bán trú của cấp 2.
“Bàn bán trú cấp 2 có kích thước 1.5m. Theo quy định chúng tôi phải thay 8 phòng có bàn ghế bán trú nhưng nhà trường không có bàn ghế dự trữ. Phương án của nhà trường là muốn ghép 2 dãy bàn bán trú 1 mét rưỡi vào với nhau thành một dãy. Như vậy một dãy bàn 3m sẽ có 3 thí sinh”.
Tuy nhiên, theo giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương, phương án này chưa hợp lý. Ngay sau đó, Trường THCS Ngọc Lâm đã báo cáo với lãnh đạo Phòng GD-ĐT Long Biên. Ngay lập tức, trong chiều cùng ngày, Phòng GD-ĐT và quận Long Biên đã điều tiết bàn ghế từ các trường khác chuyển về điểm thi THCS Ngọc Lâm để đảm bảo đủ bàn ghế theo đúng quy định.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hà Đông cho biết, Hà Đông có 5.493 thí sinh dự thi. Quận bố trí 211 phòng thi với 9 điểm thi. Trong tuần qua, mỗi điểm thi đều được cán bộ điện lực vào kiểm tra, 100% điểm thi được sửa chữa trang thiết bị đường dây để đảm bảo an toàn lưới điện. Hà Đông cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, camera. Trong những ngày thi, quận sẽ điều động 2 cán bộ điện lực bên ngoài điểm thi đề phòng xảy ra trường hợp bất thường về điện. Ngoài ra, Hà Đông cũng điều động 1 xe cấp cứu tại trung tâm để sẵn sàng ứng phó trong tình huống khẩn cấp.
Tại Hội nghị, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh quan điểm của Hà Nội trong triển khai thực hiện kỳ thi là “3 chủ động, 4 đúng và 3 không”.
3 “Chủ động” gồm: Chủ động làm tốt công tác thông tin tuyên truyền với phụ huynh học sinh, thí sinh dự thi, dư luận xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí; Chủ động đề xuất chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác chuẩn bị thi; Chủ động thông tin báo cáo và xử lý thông tin. Mỗi kết thúc một buổi sáng là kịp thời thông báo ngay tình hình diễn biến buổi thi với các cơ quan của Bộ GD-ĐT, cơ quan của thành phố và các cơ quan báo chí.
4 “Đúng” gồm: thực hiện đúng quy chế và hướng dẫn thi; Đúng đủ quy trình, quy trình hướng dẫn thế nào làm thế nào như vậy không sáng tạo hơn; Đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao; Đúng thời điểm, kịp thời xử lý tình huống bất thường.
3 “Không" gồm: Không lơ là chủ quan: Không tự ý xử lý tình huống bất thường và Không gây căng thẳng, áp lực quá mức cho phép./.