Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đối thoại chính sách về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện”.

Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia tâm lý, giáo dục cùng đại diện học sinh, giáo viên đến từ các tỉnh, thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Đắk Lắk, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc…

Mặc dù hội thảo là cuộc “đối thoại” giữa các em học sinh, giáo viên, các diễn giả, chuyên gia xây dựng chính sách về một chủ đề được xem là “nhạy cảm” nhưng những ý kiến của các học sinh lại rất thẳng thắn, chỉ ra những khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức về giới tính, tình yêu, tình dục...

Nguyễn Sinh Hùng – đại diện học sinh tham gia buổi đối thoại thẳng thắn cho biết, những kiến thức về giới tính, tình dục mà em có được chủ yếu là tự tìm hiểu bởi bố mẹ rất e ngại khi đề cập đến vấn đề “nhạy cảm” này.

“Chương trình học về kiến thức giới tính, tình dục chủ yếu nặng về lý thuyết, ít có thời gian để chúng em được bày tỏ, chia sẻ những câu chuyện của mình. Những bạn học sinh nào có tính cách thụ động thì kiến thức sức khỏe giới tính rất hạn hẹp”, Hùng cho biết.

Từ góc nhìn của thanh thiếu niên, giới tính, tình dục là những kiến thức rất cần thiết, cần sớm được trang bị bởi trước những biến đổi của tâm sinh lý, trước những rủi ro và cạm bẫy trong cuộc sống, các em sẽ lúng túng, thậm chí gặp nguy hiểm.

Phạm Anh Thái, học sinh trường THCS Nguyễn Khuyến, tỉnh Đắc Lắk thẳng thắn nói, bố mẹ em hầu như không bao giờ trao đổi về giới tính, tình dục. Thậm chí, bố em còn cho rằng đây là điều không cần thiết phải nói tới.

“Ngay cả trước khi tham gia cuộc thi weshare và dự đối thoại chính sách về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, em cũng rất ngại khi nói đến giới tính, tình dục, tình yêu. Nhưng khi tìm hiểu, em hiểu rằng đây là những kiến thức mà chúng ta cần được biết, cần được chia sẻ”, Phạm Anh Thái nói.

Trong khi đó, bà Dương Thị Như Quỳnh, phó Hiệu trưởng trường THPT Sông Mã (Sơn La) lại chia sẻ những khó khăn của học sinh vùng sâu, vùng xa trong việc tiếp cận sức khỏe giới tính, tình dục. Bà cho biết, nhiều gia đình ở nông thôn, miền núi bố mẹ thường đi làm ăn xa, gửi con cho ông bà chăm nuôi, thậm chí để các con ở nhà tự chăm sóc nhau. Điều này khiến cho con trẻ thực sự thiếu hụt các kiến thức về giới tính, tình dục… mà đáng ra bố mẹ phải là người trao đổi, sẻ chia.

Từ kinh nghiệm giáo dục của mình, thầy Phạm Duy Diễn, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho rằng, việc giáo dục sức khỏe giới tính cho học sinh trong trường học chỉ hiệu quả khi mỗi nhà trường thực sự coi trọng vấn đề này và mỗi giáo viên phải được trang bị đầy đủ kiến thức, phương pháp về giáo dục sức khỏe giới tính cho học sinh.

“Chúng ta phải làm sao giúp học sinh có thể chia sẻ được những bí mật, những điều khó nói. Bởi nếu các em cứ giữ mãi những bí mật đó cho riêng mình thì làm sao chúng ta có thể tháo gỡ được. Hiện nhiều trường có phòng tham vấn tâm lý học đường nhưng các em chưa bao giờ đến đó, chưa bao giờ chia sẻ với thầy cô thì chúng ta không làm được gì? Vì vậy, chính các em phải nói lên tiếng nói của mình”, thầy Phạm Duy Diễn nói.

Trong khi đó, theo bà Lê Anh Lan, Chuyên gia giáo dục Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Việt Nam thời gian gần đây thường xuất hiện những cụm từ như “tái định hình giáo dục”, “lớp học đảo ngược”, “bình thường mới” với nhiều vấn đề đặt ra cho thanh thiếu niên, do vậy, chúng ta cần phải lắng nghe để thấu hiểu con trẻ nhiều hơn.

“Ở đây, giáo dục giới tính, tình dục, tình yêu một cách toàn diện không chỉ là giáo dục cho các em biết về những nguy cơ, cách phòng tránh, các bệnh lây truyền qua đường tình dục… mà còn là chia sẻ với các em về các khía cạnh lành mạnh của giới, tình dục, tình yêu an toàn trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng”, bà Lê Anh Lan nhấn mạnh.

Hiện nay, trong Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình 2018) những kiến thức về giới tính, tình dục được lồng ghép vào trong các nhóm kiến thức, môn học. GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục cho biết, cổng thông tin trực tuyến weshare.vnies.edu.vn với 120 video clip, sổ tay kiến thức cùng hệ thống, chatbot sẵn sàng giải đáp thắc mắc để nâng cao nhận thức cho học sinh, các bậc phụ huynh, gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội về Giáo dục giới tính toàn diện.

“Tuy nhiên, chúng tôi rất mong muốn nhận được sự chia sẻ, đóng góp của chính các em để nguồn tài nguyên này ngày càng phong phú, hữu ích, để chính học sinh, phụ huynh và ngay cả giáo viên có thể tìm kiếm những thông tín chính xác”, GS.TS Lê Anh Vinh mong muốn.

GS.TS Lê Anh Vinh cũng nhắc đến 3 chữ “H”: Head - cái đầu, Hand - đôi tay, Heart - trái tim, là sự kết nối từ nhận thức, hành động và tình yêu thương sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, lớn lao.