Sẵn sàng tình huống có F0 trong trường học

Đón HS lớp 9 trở lại trường học trực tiếp, Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, TP.HCM bố trí máy đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và phân luồng học sinh ngay từ cổng trường. Mỗi học sinh mang theo bình nước, khăn ướt và nước rửa tay riêng. Thầy hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú phấn khởi, số HS đến trường đạt 97%. Số HS vắng là 15 em chủ yếu là F1.

“Tôi rất phấn khởi, rất vui xúc động khi nhìn thấy học trò trở lại trường. Đó là sự chờ đợi, cầu mong từ tháng nay. Mặc dù ngập tràn niềm vui nhưng bản thân tôi và phụ huynh có sự lo âu do tình hình dịch còn phức tạp. Chúng ta có thể làm nhiều cách để phòng dịch nhưng không thể tuyệt đối”.

Để ngăn chặn dịch xâm nhập vào trường học, Trường THPT Nguyễn Du đã kêu gọi phụ huynh, HS xây dựng mô hình “lớp học xanh”. Theo thầy Phú, hiện các em đã được tiêm 2 mũi vaccine, được tầm soát ở nhà. “Cứ 20h Chủ nhật phụ sẽ huynh test cho con một lần. Phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm sẽ tương tác để nắm bắt sức khỏe các con. Ý tưởng "lớp học xanh" sẽ góp phần lớn ngăn chặn dịch từ xa”, thầy Phú đánh giá.

Bên cạnh đó, Trường THPT Nguyễn Du cũng chuẩn bị những dụng cụ để ứng phó khi xuất hiện ca nghi nhiễm như máy tạo ô xy, bình oxy, 50 bộ test nhanh COVID-19, quần áo bảo hộ, kính chắn giọt bắn…

Sáng nay, 98% học sinh lớp 9 Trường THCS Minh Đức, Quận 1 đã đến trường học trực tiếp. Theo cô hiệu trưởng Trần Thúy An, đi học trong trạng thái bình thường mới, không thể tránh khỏi tình huống F0 trong trường học nên nhà trường đã chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó.

“Chúng tôi nắm chắc quy trình hướng dẫn của ngành y tế và đã phổ biến cho học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo. Nếu F0 xuất hiện trong lớp thì khoanh vùng lớp đấy như như thế nào, các lớp khác vẫn học bình thường. Nếu F0 xuất hiện 2 lớp trong cùng 1 tầng, có phương án xử lý khác. Còn nếu F0 xuất hiện cùng dãy 2 tầng khác nhau, mình test cho cả dãy, còn khu vực HS khác không giao tiếp gần HS vẫn đi học bình thường….”

Để chuẩn bị đón HS trở lại trường, ngày 7-12, trường THCS Phong Phú, huyện Bình Chánh TPHCM đã tổ chức họp phụ huynh để bàn phương án phối hợp đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Nhà trường bố trí học cách lớp, chia khu vực sân chơi cho từng lớp với sự kiểm tra của lực lượng đoàn viên, học sinh di chuyển trong trường theo quy trình 1 chiều: đến phòng học, ra sân chơi…

Trường THCS Phong Phú cũng bố trí 1 phòng cách ly tạm thời, có khu nhà vệ sinh sát bên được giăng dây. Phòng cách ly tạm thời có sẵn máy đo nhiệt độ, thuốc, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, test nhanh…Trong trường hợp HS có triệu chứng bất thường, các em sẽ được giáo viên chuyển đến phòng cách ly để xử lý. Nhà trường cũng thành lập ban chỉ đạo chống dịch, thành lập các tổ COVID-19.

"Nhà trường phân công trách nhiệm cho từng người, ai liên hệ y tế địa phương, ai liên lạc phụ huynh trong khi xử lý tình huống nghi ngờ”, thầy Võ Thanh Nhàn, hiệu trưởng Trường THCS Phong Phú cho biết.

Vừa dạy vừa củng cố kiến thức

Ngày đầu học trực tuyến trở lại, Trường THCS Phong Phú, huyện Bình Chánh có 286/306 học sinh lớp 9 đến trường. Phần lớn những em nghỉ thuộc diện F0, F1. Theo thầy Võ Thanh Nhàn, có 4-5 HS chưa được phụ huynh đồng ý cho đi học trực tiếp. Với những HS chưa đến lớp học trực tiếp, nhà trường vẫn sẽ tổ chức dạy trực tuyến.

“Với những em chưa có điều kiện đến lớp học trực tiếp, nhà trường sẽ bổ sung bài trên lớp theo hình thức học kết nối, có những môn học trực tuyến “face to face” - thầy với trò, 2 là thiết kế bài giảng ghi hình lại gửi vào lớp học kết nối, các em lấy bài về học lúc nào cũng được”.

Theo thầy Nhàn, chủ trương của Thành phố, tùy cấp độ dịch mà địa phương có phương án bố trí học bao nhiêu tiết trực tiếp và bao nhiêu trực tuyến. Ví dụ vùng xanh (cấp độ 1) học 30 tiết trực tiếp, còn lại là trực tuyến. Vùng vàng học 18 tiết trực tiếp còn lại học trực tuyến, riêng khối 9 cộng thêm 6 tiết là 24 tiết… Đối với huyện Bình Chánh, mặc dù là vùng xanh nhưng huyện thống nhất dạy theo cấp độ vùng vàng.

Mở cửa đón HS, Trường THCS Nguyễn Thái Bình, huyện Bình Chánh, TPHCM bố trí 40 vòi rửa tay sát khuẩn. HS được đo thân nhiệt trước cổng trưởng. Các giáo viên đến sớm 15 phút để sắp xếp chỗ ngồi đảm bảo học sinh không tụ tập dưới sân trường, rồi hướng dẫn các em lên lớp khi có hiệu lệnh trống. Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Linh cho biết, có 95% HS đến trường trong sáng 13/12. Trong tuần đầu tiên, nhà trường sẽ vừa dạy kiến thức mới vừa củng cố kiến thức cũ.

Trong tuần đầu tiên, quá trình ôn tập giáo viên sẽ xem các em “hổng” kiến thức chỗ nào thì có tài liệu hướng dẫn các em tự học theo từng bước, phụ đạo HS yếu hơn, còn những em đã nắm được kiến thức thì giao các em tự nghiên cứu trên lớp, tự đọc sách. “Trong lúc những em khá giỏi làm bài mình có thời gian kèm những em trung bình và yếu, giáo viên phải cố gắng bao quát lớp học”, cô Nguyễn Thị Ngọc Linh cho biết.

Với việc dành toàn bộ thời gian buổi sáng để giảng dạy trực tiếp lớp 9 và buổi chiều dạy học online các lớp 6-7-8, cô Linh cho rằng sẽ không tạo ra áp lực cho giáo viên khi vẫn duy trì song song hình thức dạy trực tiếp và trực tuyến.

Trong thời gian nghỉ dịch COVID-19, số tiết học trực tuyến chỉ bằng 50% số tiết trực tiếp. Đồng thời cấu trúc chương trình cũng có sự thay đổi. Vì vậy, theo thầy Huỳnh Thanh Phú, từ nay cho đến ngày kiểm tra cuối kỳ, nhiệm vụ của các trường là vừa dạy vừa củng cố kiến thức, tiến tới kiểm tra cuối kỳ với nội dung nhẹ nhàng, với 2 cấp độ nhận biết và thông hiểu.

“Suốt thời gian qua học trực tuyến không thể cho đề 4 cấp độ như bình thường vì không đúng với thực tế. Đề kiểm tra cuối kỳ chỉ nên rơi vào 2 cấp độ nhận biết và hiểu để HS không thấy áp lực, học trực tuyến và thi trực tiếp, thi trực tiếp nội dung gần giống học trực tuyến”, thầy Huỳnh Thanh Phú khẳng định.

Tuy nhiên, trong ngày hôm nay, riêng huyện Củ Chi, do gần 70% phụ huynh không đồng ý, học sinh khối THCS và THPT vẫn chưa thể đến trường theo kế hoạch. Địa phương này đã quyết định dời thời gian tổ chức học trực tiếp từ ngày 20/12.

Khi số ca nhiễm ở TPHCM vẫn ở mức cao, quyết định cho học sinh trở lại trường khiến nhiều học sinh, phụ huynh và các nhà trường âu lo. Song đi học trực tiếp cũng là nhu cầu chính đáng từ rất lâu của học sinh. Bên cạnh đảm bảo an toàn phòng dịch, các trường cũng điều chỉnh lại thời khóa biểu, chương trình học linh động theo từng cấp độ dịch ở từng quận, huyện./.