Đợt 1 của kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức với sự tham dự của gần 3.000 thí sinh, chia thành 107 phòng thi tại 16 điểm thi ở tám tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng.

Kỳ thi Đánh giá tư duy năm 2024 được tổ chức sớm nhằm giúp thí sinh làm quen với nội dung và cấu trúc bài thi, phần mềm thi và đặc biệt là đánh giá năng lực tư duy hiện tại của bản thân để có kế hoạch ôn tập phù hợp.

Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục áp dụng công nghệ check-in tự động bằng CCCD có tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư để định danh thí sinh nhằm triệt để chống việc thi hộ và gian lận trong thi cử.

Cấu trúc của Bài thi giữ ổn định như năm 2023, gồm 3 phần: Tư duy Toán học, Tư duy Đọc hiểu và Tư duy Khoa học, trong đó, nội dung các phần thi không đi sâu vào kiểm tra kiến thức các môn học, mà tập trung vào đánh giá năng lực tư duy riêng biệt; đặc biệt, phần Tư duy Khoa học không còn tồn tại khái niệm tổ hợp môn học, phù hợp với nội dung của chương trình THPT mới.

Hình thức thi là trắc nghiệm với nhiều loại hình câu hỏi như: chọn phương án đúng, chọn câu trả lời đúng hoặc sai, điền đáp án, kéo/thả đáp án. Tổng điểm của ba bài thi là 100.

"Đề thi được thiết kế theo hướng chuẩn hóa tư duy, mà đã liên quan tới tư duy thì khó để cải thiện trong thời gian ngắn. Các em thi liên tiếp sẽ không cải thiện được nhiều. Do vậy, điều các em cần làm là chú ý học kiến thức nền tảng, có chiến lược làm bài phù hợp", PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết.

Trước lo lắng của một số thí sinh về việc tổ chức kỳ thi sớm, thí sinh chưa học hết kiến thức lớp 12 ít nhiều ảnh hưởng đến việc làm bài, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra "chìa khóa" làm tốt bài thi cho các thí sinh: "Đọc kỹ đề thi trước khi làm!"

Ông Điền nói, thí sinh cần đọc kỹ đề bài vì đôi khi, chính trong câu hỏi đã lộ diện kiến thức để trả lời cho các thí sinh.

Ví dụ như một bài thi liên quan đến môn Vật lý, thực chất, ngay trong đề thi đã lồng ghép khối kiến thức liên quan đến chuyển động hay mối quan hệ vận tốc, quãng đường và thời gian, không cần thiết thí sinh phải ghi nhớ những nội dung này.

“Tuy nhiên, các em cần đọc kỹ câu hỏi. Có thể có những câu hỏi dễ nhưng cấp độ suy luận tư duy lại khó và ngược lại, kiến thức đề cập tới theo thí sinh là khó nhưng chúng tôi đánh giá theo cấp độ tư duy thấp!” – PGS. TS Nguyễn Phong Điền lưu ý.

Năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi đánh giá tư duy vào các ngày: 02-03/12/2023; 20-21/12/2023; 09-10/3/2024, 27-28/4/2024; 08-09/6/202415-16/6/2024 tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng.

Tính đến mùa tuyển sinh 2023, đã có gần 40 cơ sở giáo dục Đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy để xét tuyển ĐH. “Chúng tôi dự báo với Chương trình giáo dục THPT mới và quy định về thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, sẽ có thêm nhiều trường ĐH xét tuyển theo điểm thi này”.

Năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội dùng 80% chỉ tiêu xét tuyển dành cho phương thức xét điểm thi đánh giá tư duy và kết quả thi tốt nghiệp THPT, 20% xét tuyển tài năng. Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ giữ ổn định về chỉ tiêu tuyển sinh cũng như tỉ lệ chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển.