Một Kỳ thi đi vào lịch sử của ngành giáo dục

Ví Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là Kỳ thi lịch sử của ngành giáo dục sẽ không quá khi Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh đặc biệt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Giang, Bắc Ninh...

Cả 2 đợt thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đều thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử khoa cử với mục tiêu “kép”: Chất lượng và an toàn cho hơn 1 triệu thí sinh, cán bộ giáo viên, cộng đồng.

Đặc biệt, đợt 2 của Kỳ thi diễn ra từ ngày 06-07/08/2021, gần như toàn bộ thí sinh, cán bộ coi thi được xét nghiệm COVID-19. Tất cả thí sinh, cán bộ giáo viên phải có kết quả âm tính mới được tham dự Kỳ thi.

“Đây là Kỳ thi đi vào lịch sử của ngành giáo dục. Một kỳ thi có quá nhiều khó khăn đặt ra cho cả thí sinh, phụ huynh, cán bộ giáo viên và của ngành giáo dục.”- Thầy giáo Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 còn ghi nhận con số "đặc biệt" khi có số thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp nhiều nhất trong lịch sử khoa cử với khoảng 15.100 thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD&ĐT đã gấp rút yêu cầu các trường ĐH-CĐ điểu chỉnh, bổ sung phương án tuyển sinh, dành chỉ tiêu cho thí sinh không tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) khẳng định, đây là quyết định linh hoạt và kịp thời, đảm bảo sự công bằng với học sinh dự thi và không dự thi.

Nhìn lại 2 đợt của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, dù đâu đó có ý kiến cho rằng nên dừng, hoãn, thậm chí là xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho toàn bộ hơn 1 triệu thí sinh nhưng TS. Lê Thống Nhất khẳng định việc Bộ GD&ĐT quyết tâm tổ chức kỳ thi là việc làm rất đúng đắn. Bởi nếu chỉ công nhận tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều cách để làm.

Tuy nhiên, Kỳ thi tốt nghiệp THPT còn có một sứ mạng khác đó là thông qua kết quả của Kỳ thi, Bộ GD&ĐT sẽ nhận ra được nhiều điều để thay đổi trong chỉ đạo, điều chỉnh về chuyên môn để chất lượng dạy và học ở phổ thông được tốt nhất.

“Kết quả thi tốt nghiệp THPT đợt 1 có sự vênh nhất định giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học bạ. Có những địa phương điểm trung bình học bạ cao hơn điểm trung bình thi đến gần 3 điểm. Như vậy, nếu chỉ dựa vào cách đánh giá của các địa phương, các nhà trường thì chúng ta không nhìn ra được bức tranh toàn cảnh về chất lượng dạy và học.”, TS. Lê Thống Nhất khẳng định.

(TS. Lê Thống Nhất: "Hơn 90% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT là chuyện bình thường")

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, Trung tâm HOCMAI cũng lý giải, việc Bộ GD&ĐT quyết tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giữa lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, căng thẳng bởi kết quả của kỳ thi còn là căn cứ quan trọng để các trường đại học làm công tác tuyển sinh.

“Thực tế phần đông học sinh, phụ huynh đều mong muốn kỳ thi được diễn ra bình thường. Ngay cả điểm nóng dịch COVID-19, khi Sở GD&ĐT thành phố lấy ý kiến thì phần đông học sinh, phụ huynh đều mong được được tham gia kỳ thi. Như vậy đây là nguyện vọng chính đáng của thí sinh chứ không hẳn là ý chí chủ quan của Bộ GD&ĐT.”- Thầy Vũ Khắc Ngọc chia sẻ.

Hơn 90% học sinh tốt nghiệp THPT là chuyện bình thường

Mặc dù trải qua một năm học nhiều khó khăn, học sinh phải tạm dừng đến trường trong thời gian dài để phòng dịch COVID-19, nhưng Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn đạt kết quả ấn tượng khi tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT lên đến 98-99%.

Nằm ở top đầu là Lâm Đồng, với 99,63% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 (tăng 0,09% so với năm học trước).

Tiếp đó là Bạc Liêu, với tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 99,6% - cao hơn năm 2020 (tỉ lệ năm 2020 là 99,5%), tiếp tục nằm trong top 10 cả nước.

Bình Dương, Đồng Nai đều là 2 tỉnh có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao với 99,2% - 99,3%.

Mặc dù năm nay, TP. Hà Nội nằm trong số ít các tỉnh, thành có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT giảm so với năm học trước nhưng tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cũng đạt của toàn thành phố đạt 98,9%.

Khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT vẫn đạt con số ấn tượng, dư luận tiếp tục đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của Kỳ thi tốt nghiệp THPT đến đâu? Chia sẻ về quan điểm này, TS Lê Thống Nhất cho rằng, mục đích, yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá lại chuẩn kiến thức, kỹ năng của học sinh qua từng môn học chứ không phải là một kỳ thi học sinh giỏi: “Đánh giá học sinh giỏi sẽ có một kỳ thi riêng. Sau 12 năm học, nếu không yếu kém về trí tuệ mà chịu khó học tập thì hầu hết các em học sinh đều có thể tốt nghiệp THPT. Vì vậy kết quả tốt nghiệp cao trên 90% là chuyện bình thường không có gì phải băn khoăn.”

Tuy nhiên, ông Lê Thống Nhất cho rằng, việc điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả học bạ có độ chênh, thậm chí chênh đến gần 3 điểm ở một số môn học, môn số môn thi là điều đáng phải suy nghĩ. Sự chênh lệch này đòi hỏi ngành giáo dục phải có sự tập huấn, chỉ đạo về đánh giá học sinh thường xuyên.

“Khi nào tổ chức đánh giá thường xuyên một cách chính xác, khách quan, giáo dục phổ thông đi vào quỹ đạo tốt, ổn định thì có thể lúc đó chúng ta sẽ bàn lại Luật giáo dục, đặt lại vấn đề bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không? Theo tôi ít nhất trong vòng 10 năm tới ngành giáo dục phải giải quyết vấn đề đánh giá học sinh thường xuyên để làm sao để chuẩn nhất, chính xác nhất.”- TS Lê Thống Nhất nêu quan điểm.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có giá trị nhưng nên giao quyền cho các địa phương

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) khẳng định, Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn rất có giá trị. Kết quả kỳ thi có thể nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương, từng trường học để từ đó có chiến lược đầu tư phù hợp.

Nhưng để giảm áp lực, giảm căng thẳng, TS. Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, nên sớm giao cho địa phương tổ chức với một bộ đề thi chuẩn hóa. Tùy theo điều kiện của từng địa phương để tổ chức thi vào một thời điểm phù hợp. Thậm chí, một số tỉnh, thành phố có thể liên kết để tổ chức thi.

“Điều quan trọng là đề thi phải chuẩn hóa. Có thể làm nhiều ngân hàng đề thi khác nhau còn thi vào thời gian nào không quan trọng. Điều này tạo ra sự linh hoạt và dễ dàng cho địa phương hơn. Bộ GD&ĐT sẽ đóng vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra”, ông Vinh đề xuất.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và đặc biệt là năm 2021 theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho thấy sự cần thiết phải bổ sung hoặc điều chỉnh một số nội dung trong Luật Giáo dục 2019 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai như thế nào cho phù hợp? Có nên đặt ra tình huống xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho toàn bộ học sinh trong điều kiện đặc biệt hay không?

“Bộ GD&ĐT nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT và quyền xét tốt nghiệp THPT cho các địa phương. Điều này sẽ tạo sự linh động cho từng địa phương. Địa phương có thể chủ động thời gian năm học, chủ động xét tốt nghiệp THPT cho học sinh. Còn việc xét tuyển đại học để các cơ sở giáo dục đại học chủ động bởi thực tế hiện nay các trường đại học đã có nhiều phương thức, hình thức xét tuyển”, ông Huỳnh Thanh Phú kiến nghị.

Trong khi đó, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên trung tâm HOCMAI cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc đổi mới hay có những điều chỉnh liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều rất khó. Điều chỉnh khả thi nhất trong 1, 2 năm tới, theo thầy Ngọc là Bộ GD&ĐT nên đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào thi cử, chuyển từ một kỳ thi trên giấy sang kỳ thi trên máy tính.

Nếu có thể tổ chức Kỳ thi trên máy tính thì trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có thể tổ chức thành nhiều đợt thi và từ đó hạn chế tập trung thí sinh ở các điểm thi vào cùng một thời điểm.