Sáng nay (25/10), Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Thành Long.
86,6% phòng học kiên cố
Trong 10 năm qua, nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên là rất lớn, góp phần không nhỏ vào việc tăng tỷ lệ phòng học kiên cố hóa ở các địa phương. Đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, tăng 73.290 phòng học so với năm 2013. Trong đó, số phòng học kiên cố là 545.375 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy, giai đoạn 2013-2023, có khoảng trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hóa để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Khoảng 36.000 phòng phòng học, 1.300 phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí ước khoảng 33.000 tỷ đồng. Tổng diện tích đất đã sử dụng để đầu tư xây dựng mới, kiên cố phòng học, phòng công vụ cho giáo viên từ các địa phương là: khoảng 521,9 ha.
Các khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn đã nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Mạng lưới cơ sở giáo dục ngoài công lập gia tăng nhanh chóng, năm học 2022-2023 cả nước có gần 4000 cơ sở giáo dục mầm non phổ thông ngoài công lập, tăng hơn 2500 trường so với năm 2013. Một số trường mầm non phổ thông có sự tham gia của nước ngoài có sự thành lập, qua đó học sinh, giáo viên có cơ hội tiếp cận với các chương trình dạy học tiên tiến, tài liệu và các chương trình dạy học tiên tiến và phương pháp giáo dục hiện đại.
Tuy nhiên, số phòng học được đầu tư kiên cố hóa chủ yếu đến từ nguồn ngân sách nhà nước (chiếm 84.8%). Trong khi nguồn lực xã hội hóa vẫn còn rất khiêm tốn 15.2%.
Từ 2014 đến nay, do nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục hạn chế nên mới chỉ tập trung ưu tiên cho nhu cầu cấp bách là kiên cố hóa các phòng lớp học mà chưa tập trung thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Theo số liệu thống kê hết năm 2023, nhu cầu nhà công vụ của các địa phương vẫn còn 10.794 phòng.
Nghiên cứu, đề xuất ưu đãi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá, 10 năm qua công tác xã hội hóa đóng góp quan trọng trong việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trường lớp đặc biệt là ở những vùng khó khăn vùng sâu vùng xa với sự thay đổi rõ rệt trong diện mạo của nhiều ngôi trường, từ những lớp học tạm bợ nay được thay thế bằng những phòng học kiên, cố an toàn và tiện nghi hơn.
Hệ thống nhà công vụ dành cho giáo viên cũng được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện để thầy cô yên tâm công tác và cống hiến. Hệ thống cơ chế chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xã hội hóa giáo dục. Nhiều địa phương ban hành chính sách riêng thúc đẩy xã hội hóa giáo dục như hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, miễn thuế thuê đất để thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non phổ thông ngoài công lập...
Thay mặt Thủ tướng chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long biểu dương, đánh giá cao Bộ GD-ĐT đã chủ trì, triển khai có trách nhiệm và hiệu quả chương trình này suốt 10 năm qua. Đồng thời, cảm ơn địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân đã tích cực tham gia đóng góp cho công cuộc này.
Bên cạnh những kết quả đạt được chúng ta còn nhiều thách thức phía trước. Nhiều khu vực vùng sâu xa biên giới hải đảo vẫn còn thiếu hụt cơ sở vật chất, điều kiện học tập và làm việc của học sinh và giáo viên chưa đảm bảo đầy đủ. Một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học mượn. Nhiều cơ sở giáo dục thiếu các phòng chức năng thiết bị dạy học tối thiểu chưa đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo. Vì vậy, cần chung tay huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa toàn bộ hệ thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục. Trong đó chú trọng kiên cố hóa trường lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu, tăng nhà công vụ cho giáo viên. Đồng thời, cần tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chỉ đạo việc rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp để đầu tư và huy động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm bảo đảm khả thi hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí tiêu cực.
Đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Trong đó lưu ý việc quy hoạch xây dựng bảo đảm quỹ đất phù hợp xây dựng trường lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân số.
Bảo đảm ngân sách cho GD-ĐT, phân bổ nguồn lực thực hiện hiệu quả các kiểu dự án liên quan đến GD-ĐT trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Ưu tiên thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở khu vực khó khăn. Giám sát và quản lý chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. GD-ĐT cần được quan tâm đúng mức để tạo động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp sức cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho con em chúng ta - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Khuyến khích mô hình hợp tác công tư trong giáo dục
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự cảm tạ sâu sắc những tấm lòng vàng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã hăng hái quan tâm góp sức cho xây trường học và nhà công vụ.
Bộ trưởng đánh giá, hiện nay, tỷ lệ kiên cố hóa bình quân đạt 86%, rất cao so với 10 năm trước nhưng số chưa kiên cố hóa lại chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, khu vực Trung bộ và cả Tây Nam Bộ. Tỷ lệ chưa kiên cố hóa phòng học bậc mầm non và tiểu học nhiều tỉnh còn tới trên 40% (Đắk Nông, Kon Tum, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu,…). Đáng chú ý là những trường học tạm này lại nhiều nhất ở bậc học mầm non và tiểu học. Các em nhỏ tuổi nhất trong lứa tuổi đi học cần được ưu ái chăm lo và cần phải được ngồi học trong những ngôi trường chắc chắn, có tiện nghi tối thiểu. Mục tiêu trường ra trường, lớp ra lớp cần thực hiện một cách ráo riết hơn nữa.
Thời gian qua, Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, đã dành nhiều nguồn lực, chương trình, dự án, đề án, nhiều tiền bạc cho công việc kiên cố hóa trường học. Các địa phương cũng đã cố gắng tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư; quy hoạch và xác định rõ từng khu vực cần ưu tiên xã hội hóa, tuyên truyền về ý nghĩa của việc xã hội hóa cho giáo dục... Tuy nhiên, vì số trường học trong cả nước rất lớn (trên 53.000 trường học), trong khi đất nước cũng vừa thoát nghèo, nguồn lực còn hạn chế, lại còn rất nhiều việc phải tập trung đầu tư. Vì vậy, việc kiên cố hóa trường học luôn luôn cần sự chung tay của toàn xã hội, của cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng chương trình đầu tư công nhằm tới mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030, phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án và nhiệm vụ khác. Bộ cũng sẽ rà soát các chính sách để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục để thu hút nhiều hơn nguồn lực xã hội cho việc này. Vụ Cơ sở vật chất- Bộ GD-ĐT sẽ đóng vai trò là đơn vị điều phối việc huy động ngườn lực xã hội cho kiên cố hóa trường học. Vụ có cơ sở dữ liệu tổng hợp nhu cầu, sẽ là đầu mối điều tiết, kết nối những nhà hảo tâm.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương cần rà soát và quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, đảm bảo đầu tư có trọng tâm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích mô hình hợp tác công tư trong giáo dục nhằm tối ưu hóa nguồn lực từ khu vực tư nhân./.