Tại hội nghị trực tuyến cùng với 63 tỉnh, thành rà soát về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra sáng 20/6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 khẳng định, mặc dù năm nay là năm cuối cùng của kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, nhưng mục tiêu, ý nghĩa của kỳ thi không hề thay đổi, bất cứ sai sót nào cũng có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến kỳ thi, vì vậy tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Trước đó, đoàn công tác của Bộ trưởng và 4 đoàn kiểm tra của lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả kiểm tra, các đoàn đã ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của địa phương trong công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi, việc huy động các lực lượng, sở, ban, ngành và hệ thống chính trị địa phương vào cuộc, cũng kịp thời phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác chuẩn bị và kiến nghị địa phương khắc phục.

"Tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, chất lượng, hiệu quả với phương châm tất cả vì học sinh. Đặc biệt đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tuyệt đối không để một thí sinh nào vì điều kiện khó khăn về kinh tế hay cách trở về giao thông mà không đến được điểm thi. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là thi cử phải nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng thái quá, phải có sự chu đáo, ân cần, thân thiện", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Để chuẩn bị cho Kỳ thi sắp tới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý 5 nhóm vấn đề, trong đó việc tổ chức thi phải “Tuyệt đối an toàn”. Bao gồm an toàn trong bảo quản, in ấn, vận chuyển đề thi, bài thi; an toàn về vệ sinh thực phẩm; an toàn về phòng chống cháy nổ; an toàn về điện nước; an toàn giao thông…

Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT lưu ý tới việc xử lý kịp thời những tình huống phát sinh, bất thường, phải chuẩn bị phương án dự phòng nếu xảy thiên tai, lũ lụt, mất điện, nước…

Liên quan đến công tác coi thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, dù hiện nay thiết bị công nghệ cao phục vụ mục đích gian lận thi cử xuất hiện tràn lan và ngày càng tinh vi nhưng điều quan trọng vẫn là yếu tố con người.

"Tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị vào phòng thi. Từ các lực lượng công an, cán bộ coi thi bằng khả năng quan sát, kỹ năng phán đoán đã được tập huấn để phát biểu. Mặc dù rất khó khăn cho các thầy cô, nhưng chúng ta cần phải trách nhiệm", ông Thưởng nói.

Tinh thần “4 Đúng - 3 Không” được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT quán triệt tại cuộc họp Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, gồm: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; Đúng và đủ quy trình; Đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; Đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường; Không lơ là, chủ quan; Không căng cứng, áp lực thái quá; Không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.