“Thói quen né tránh dùng từ Hán Việt” - một trong những nguyên nhân khiến nhiều từ Hán Việt khó hiểu

Theo TS Trần Tiến Khôi, chuyên ngành Hán Nôm, trường Đại học Thăng Long, Hà Nội, có 4 nguyên nhân chính khiến nhiều từ Hán - Việt khó hiểu.

Thứ nhất, mặc dù từ Hán Việt thuộc kho tàng từ vựng tiếng Việt nhưng không thể phủ định chúng có nguồn gốc ngoại lai. Chúng không có nguồn gốc bản địa như từ thuần Việt. Ví dụ, đối với người Việt Nam bình thường, “phụ mẫu” khó hiểu hơn “cha mẹ”; “huynh đệ” khó hiểu hơn “anh em”; “hải phận”, “không phận” khó hiểu hơn “vùng trời”, “vùng biển”…

Thứ hai, một lớp từ Hán Việt không nhỏ gắn liền với Nho giáo và Kinh điển, có nội dung về tư tưởng, triết học, văn chương, tôn giáo như “ngũ thường”, “đại đồng”, “vô vi”…Và sau này là các thuật ngữ khoa học kỹ thuật như “vi mô”, “vĩ mô”, “tuyến tính”, “quảng bá”… bản thân lớp từ vựng này đã khó hiểu.

Thứ ba, gần 1.000 năm nay, chúng ta không còn dùng chữ Hán như chữ viết chính thống mà thay vào đó là chữ quốc ngữ ghi âm. Như vậy, chúng ta tiếp cận từ Hán Việt chỉ còn trên vỏ ngữ âm mà không quan tâm đến tự dạng, hay nói cách khác là hình thể của chữ. Vì vậy hiện tượng đồng âm khác nghĩa mặc nhiên trở thành một rào cản lớn.

Thứ tư, theo xu thế chung, chúng ta khuyến khích mọi người dùng từ thuần Việt khi nói và viết, chỉ dùng từ Hán Việt hay từ ngoại lai khi tiếng Việt không có từ diễn tả khái niệm đó. Nhưng thực tế, từ Hán Việt đã tồn tại trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, trong ca dao tục ngữ, trong sử sách tư liệu… hàng nghìn năm nay. Vì vậy thói quen né tránh dùng từ Hán Việt cũng là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta khó hiểu khi tiếp cận và sử dụng.

Phân tích một số từ Hán Việt khó hiểu

Từ “trước bạ”: “trước” nghĩa là ghi chép, “bạ” nghĩa là quyển số. “Trước bạ” nghĩa là ghi vào sổ, đăng ký vào sổ. Chúng ta có từ “thuế trước bạ” nghĩa là thuế đăng ký quyền sở hữu đối với một số tài sản theo quy định của pháp luật.

Từ “trữ tình”: “trữ” nghĩa là bộc lộ, bày tỏ, “tình” nghĩa là tình cảm, cảm xúc. “Trữ tình” là một tác phẩm văn học nghệ thuật có nội dung phản ánh hiện thực bằng cách biểu hiện những ý nghĩ, cảm xúc, tâm trạng riêng của con người, kể cả bản thân người nghệ sỹ trước cộng đồng. Ví dụ: thơ trữ tình, một tác phẩm giàu chất trữ tình. Trên thực tế mọi người hiểu chữ “trữ tình”, “trữ” là tích trữ nên “trữ tình” là chất chứa tình cảm, điều này hoàn toàn khác với bộc lộ tình cảm, biểu lộ tình cảm như nghĩa vốn có ban đầu của nó.

Từ “u minh”: “u” có nghĩa là tối tăm, “minh” cũng có nghĩa là tối tăm, mù mịt, khác với “minh” trong “văn minh” nghĩa là sáng”. Tuy nhiên trong thực tế nhiều người hiểu “u minh”, “u” là tối, “minh” là sáng. “U minh” nghĩa thứ nhất là tối tăm mờ mịt, ví dụ rừng u minh. Nghĩa thứ hai là không hiểu biết gì, thường dùng như từ láy ví dụ “nghe cứ u u minh minh”. Nghĩa thứ ba là thế giới của linh hồn, âm phủ, ví dụ “cõi u minh”.

Từ “tự phụ”: “tự” nghĩa là tự mình, chính bản thân mình, “phụ” nghĩa là vác trên lưng, nâng lên. “Tự phụ” nghĩa là tự đánh giá quá cao tài năng, thành tích của mình dẫn đến coi thường người khác. Trong thực tế, chữ “tự phụ” nhiều người không hiểu nghĩa chính xác của nó bởi yếu tố “phụ” mà chúng ta hiểu sang thuần Việt là “chính phụ” cho nên “tự phụ” là tự coi mình là chính, tự coi người khác là chính hoặc coi mình là phụ, coi người khác là phụ…chứ không hiểu “tự phụ” là nâng lên quá mức.

Thận trọng khi sử dụng từ Hán-Việt

Theo TS Trần Tiến Khôi, trong quá trình sử dụng ngôn ngữ, cả nói và viết, chúng ta cần hết sức thận trọng trong việc dùng từ, nhất là đối với từ Hán Việt.

Trường hợp những từ nào chưa hiểu chắc chắn về nghĩa thì chúng ta không nên dùng, hoặc cần thiết phải tra từ điển, không nên chủ quan, tùy tiện. Có như thế chúng ta mới tránh được việc dùng sai từ, nhất là từ đồng âm khác nghĩa giữa từ Hán Việt và thuần Việt, có thể gây ra những hiểu lầm đáng tiếc.

Cẩn trọng trong nói và viết là một trong những việc làm thiết thực góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.