Ngày 23/10, ĐHQG Hà Nội tổ chức Lễ khai giảng đầu tiên tại Khu đô thị ĐHQG Hà Nội Hòa Lạc. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam dự và phát biểu tại Lễ khai giảng.

Năm học mới 2022-2023 được xem là dấu mốc quan trọng khi Khu đô thị ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc theo mô hình đại học thông minh, đại học xanh, đồng bộ về cơ sở vật chất, hiện đại về trang thiết bị được đưa vào vận hành, từng bước hoàn thiện, đồng bộ theo hướng “5 trong 1”.

Trong năm học 2022-2023, ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc đón 1.500 sinh viên thuộc Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Y - Dược, Trường ĐH Việt Nhật, Trường Quốc tế tới học tập tập trung. GS. Lê Quân - Giám đốc ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh với không gian phát triển mới, ĐHQG Hà Nội sẽ nhanh chóng vươn lên, xứng đáng trở thành trung tâm tri thức hàng đầu.

"Trong thời gian tới, ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc là nơi các em học sinh, sinh viên mong muốn được tới, là ngôi nhà chung của các thầy cô giáo và cán bộ nhân viên, là địa chỉ hợp tác, phát triển của các doanh nghiệp", Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân phát biểu.

Phát biểu tại buổi Lễ Khai giảng năm học 2022-2023 của ĐHQG Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao quyết tâm của thầy, trò ĐHQG Hà Nội và khẳng định việc chuyển trụ sở Cơ quan và triển khai đào tạo tại Hòa Lạc của ĐHQG Hà Nội là bước ngoặt trong thực hiện Luật Thủ đô với quy định đưa các trường đại học ra ngoại thành.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các nhà khoa học và lãnh đạo ĐHQG Hà Nội cần tập trung mọi nguồn lực để xây dựng Khu đô thị ĐHQG Hà Nội, trước mắt là các khu giảng đường và ký túc xá; từng bước nâng cao chất lượng các hoạt động phục vụ đời sống học tập và rèn luyện của sinh viên tại đây.

Bên cạnh đó, đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo Hà Nội quan tâm đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng cũng như đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho sinh viên.

“Chúng ta cần một Khu đô thị ĐHQG Hà Nội thông minh và bền vững, trở thành nơi hội tụ của các ý tưởng khởi nghiệp, sự sáng tạo cũng như bảo tồn và phát huy nhiều giá trị truyền thống và văn hóa quốc gia để góp phần thực hiện thắng lợi Luật Thủ đô và chiến lược phát triển thành phố. ĐHQG Hà Nội phải trở thành một động lực chính trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”, - đồng chí Trần Thanh Mẫn yêu cầu.

Liên tục trong 5 năm qua, ĐHQG Hà Nội được tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS) và Time Higher Education (THE) xếp trong nhóm 1000 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới.

Mới đây nhất, ĐHQG Hà Nội được QS tặng giải thưởng Công nhận về sự cải tiến chất lượng (Recognition of Improvement). Đây là lần đầu tiên một đại học của Việt Nam nhận được giải thưởng này.

Trong khuôn khổ Lễ khai giảng đã diễn ra nhiều hoạt động của sinh viên các đơn vị đào tạo thành viên và trực thuộc ĐHQGHN: Hội trại “Tự hào Câu lạc bộ tôi”; Hội thao Thanh niên khỏe; Hội thi dân vũ; Cuộc thi “Rung chuông vàng”; Teambuilding “Sức mạnh Câu lạc bộ tôi”; Phát động “Gửi thư cho mình ở tương lai”; Gala Chào Tân sinh viên ĐHQGHN; Liên hoan các Câu lạc bộ nghệ thuật…

ĐHQG Hà Nội hiện có quy mô khoảng 60.000 học sinh, sinh viên và giáo viên. Tuy nhiên, toàn bộ khu vực nội thành của ĐHQG Hà Nội chỉ có 16 ha, chủ yếu thuộc ba trường thành viên: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường ĐH Ngoại ngữ.

Dự án ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt năm 2003 với quy mô 1.113 ha. Năm 2018 dự án được chuyển chủ đầu tư từ Bộ Xây dựng về ĐHQG Hà Nội. Sau gần 20 năm, tổng số vốn giải ngân cho dự án mới đạt được khoảng 15%, chủ yếu tập trung vào giải phóng mặt bằng và làm hạ tầng.