PV: Thưa Giáo sư, năm 2015-2016 Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) để tuyển sinh đại học chính quy nhưng đã dừng từ năm 2017-2020. Tại sao năm 2021, ĐHQGHN tổ chức lại kỳ thi ĐGNL để xét tuyển đại học trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Để tổ chức một kỳ thi theo phương thức mới, ĐHQGHN đã chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng từ năm 2012, thử nghiệm năm 2014 và chính thức áp dụng các năm 2015, 2016. Từ năm 2017, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia có những thay đổi, cấu trúc, dạng thức bài thi có nhiều điểm tương đồng với kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN. Đây là lý do ĐHGHN dừng tổ chức thi ĐGNL để tuyển sinh đại học và sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu công cụ kiểm tra đánh giá người học luôn được thực hiện ở ĐHQGHN. Năm 2021 ĐHQGHN giao cho Trung tâm Khảo thí tổ chức thi dựa trên kết quả chuẩn bị từ năm 2020. So với các bài thi năm 2015-2016, bài thi ĐGNL năm nay có nhiều điểm mới và tiếp cận theo hướng đánh giá các nhóm năng lực chính kế thừa của các chương trình giáo dục phổ thông đang triển khai. Bài thi hướng tới đa mục tiêu chứ không đơn thuần chỉ phục vụ công tác tuyển sinh đại học.

PV: Xin ông cho biết công tác chuẩn bị cho kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN? Bài thi ĐGNL năm 2021 có những thay đổi gì so với bài thi năm 2015, đặc biệt khi có những thay đổi về chương trình giáo dục phổ thông và chương trình đào tạo đại học?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Từ năm 2020, Trung tâm Khảo thí được ĐHQGHN được giao nhiệm vụ chuẩn bị bài thi đã tiến hành rà soát, hiệu chỉnh, kế thừa những kết quả nghiên cứu áp dụng trong giai đoạn 2015-2016 để hoàn thiện bài thi ĐGNL mới. Bài thi năm 2021 có thay đổi về dạng thức, bố cục câu hỏi; điều chỉnh thời gian và số lượng câu hỏi, các thức trả lời câu hỏi, thang điểm và nhóm năng lực cần đánh giá. Hiện nay, học sinh THPT đang theo học chương trình giáo dục THPT năm 2006 và dần nối tiếp chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018. Do đó, bài thi ĐGNL mới của ĐHQGHN xác định đánh giá 3 nhóm năng lực chính của học sinh: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; Năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; Tự học, khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên - xã hội). Về dạng thức, bài thi năm 2015 gồm 2 phần bắt buộc là tư duy định lượng, tư duy định tính và 1 phần tự chọn Khoa học Tự nhiên/Xã hội thì bài thi năm 2021 sẽ có 3 phần bắt buộc Toán học, Văn học/Ngôn ngữ, Khoa học (Tự nhiên – Xã hội). Do vậy, chúng tôi hướng tới đánh giá toàn diện học sinh, kết quả kỳ thi phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

PV: Bài thi ĐGNL năm 2021 của ĐHQGHN kéo dài 195 phút, đa phần là câu hỏi trắc nghiệm. Xin ông cho biết công tác chuẩn bị đề thi như thế nào?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Như đã đề cập ở trên, bài ĐGNL năm 2021 của ĐHQGHN gồm 3 phần Tư duy định lượng, Tư duy định tính và Khoa học gồm 195 phút, 132 câu hỏi trắc nghiệm và 18 câu hỏi điền đáp án. Ngân hàng câu hỏi được kế thừa, sàng lọc từ hơn 12.000 câu đã chuẩn bị năm 2016 để chọn ra những câu hỏi phù hợp với các tiêu chí kiểm tra đánh giá 3 nhóm năng lực chính đã nêu ở trên. Thêm vào đó, trong các năm 2017-2018, Trung tâm Khảo thí ĐHGHN đã xây dựng thêm được hơn 3.500 câu hỏi mới. Nhờ có đội ngũ cán bộ chuyên gia cộng tác giàu kinh nghiệm, ngân hàng câu hỏi của Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN liên tục được bổ sung, các câu hỏi mới dựa trên đặc tả xác định đánh giá các nhóm năng lực tuyên bố theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể theo lộ trình đến năm 2024. Bên cạnh đó, chúng tôi áp dụng các thành tựu mới của khoa học khảo thí hiện đại từ khâu mô tả đặc tả câu hỏi, xây dựng ma trận đề thi, cân bằng độ khó từng đề thi, tính độc lập từng mã đề thi...

PV: Bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN là dạng bài thi trắc nghiệm sử dụng hoàn toàn trên máy tính. Vậy công tác chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm tổ chức thi ĐGNL hiện nay đến đâu?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Bài thi ĐGNL của ĐHQGHN tổ chức thi trên máy tính nên hệ thống phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin, máy tính, máy chủ… đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong 2 năm qua, chúng tôi đã tiến hành rà soát, xây dựng, chỉnh sửa các phần mềm vốn có và xây dựng các hợp phần mới để hỗ trợ tối đa cho học sinh và cán bộ khảo thí. Các bạn học sinh đăng ký thi được lựa chọn địa điểm thi, đợt thi, ca thi… phù hợp với kế hoạch học tập cá nhân để đạt kết quả cao nhất. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ thông tin cho phép khai thác ứng dụng hiệu quả công nghệ khảo thí hiện đại trong công tác chuẩn bị, tổ chức thi, tra cứu thông tin và công bố kết quả. Dữ liệu về kỳ thi, kết quả thi được lưu trữ, phân tích, đánh giá một các hệ thống cho phép dự báo mức độ thành công của thí sinh, nhìn lại các nhóm năng lực của học sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông cũng như yêu cầu xét tuyển vào các chương trình đào tạo đại học. Qua đó, chúng ta có thể tư vấn việc dạy, học, hoạt động kiểm tra đánh giá ở bậc trung học phổ thông và bậc đại học. Nếu dữ liệu tập hợp đủ lớn sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích cho các nhà quản lý giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp. Vì vậy, bài thi ĐGNL của ĐHQGHN hướng tới nhiều mục đích.

PV: Ông có đề cập một trong những mục đích của việc sử dụng kết quả thi ĐGNL để tuyển sinh đại học, xin ông cho biết các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc của ĐHQGHN sẽ sử dụng các phương thức xét tuyển đại học nào trong năm 2021?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc của ĐHQGHN có quyền tự chủ cao trong tuyển sinh đại học. Hơn nữa, việc thi và tuyển hiện nay là hoàn toàn tách biệt nhau. Theo tôi được biết thì các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN sẽ dành chỉ tiêu tương đối cho các thí sinh sử dụng kết quả bài thi ĐGNL để xét tuyển. Các phương thức xét tuyển năm 2021 của cac trường đại học thành viên/khoa trực thuộc gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo và của ĐHQGHN, xét tuyển theo kết quả thi ĐGNL của ĐHQGHN, xét tuyển theo các chứng chỉ quốc tế (ACT, SAT, A-Level), xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, xét tuyển theo hình thức kết hợp 2 môn thi tốt nghiệp và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL…).

PV: Xin cám ơn GS về cuộc phỏng vấn này.