Những ước mơ chưa kịp nảy mầm

Học giỏi Toán và các môn Tự nhiên nhưng không ai có thể ngờ rằng thực chất ngành mà Quỳnh Chi, học sinh Trường THPT Việt Đức yêu thích lại là Báo chí hay Quan hệ công chúng. Nhưng “học báo làm gì cho bếp bênh và khó xin việc”, đây vừa là lời khuyên nhưng cũng là lời tuyên bố chắc nịch của bố mẹ khi không muốn em theo học ngành này. Cũng như chị gái trước đây, giờ đây Quỳnh Chi cũng đành nghe theo lộ trình đã được gia đình sắp xếp sẵn, đó là nghề kế toán kiểm toán vì đây là công việc truyền thống của gia đình.

Cũng như Quỳnh Chi, chỉ còn ít tháng nữa thôi là Mỹ Anh, một bạn học sinh lớp 12 ở Hưng Yên sẽ phải quyết định nghề nghiệp của mình. Không giống như nhiều bạn nữ khác, Mỹ Anh lại thích ngành xây dựng. Nhưng ước mơ còn chưa kịp ươm mầm ấy đã sớm bị dập tắt. Khi bố mẹ sức khỏe không tốt, Quỳnh Chi cũng không muốn đối đầu vì em muốn sự lựa chọn của mình phải được phụ huynh đồng ý.

Còn Minh Quân, một bạn trẻ ở Mỹ Đình, Hà Nội vẫn được bạn bè trêu rằng “sinh ra đã ở vạch xuất phát” khi gia đình em sở hữu một doanh nghiệp làm ăn phát đạt. Trong khi em mơ ước được đi trên con đường riêng của mình là Ngành Quản lý phát triển thị trường thì bố định hướng không cần thi đại học mà vào luôn công ty của bố sau khi tốt nghiệp THPT.

Con đường bố mẹ chọn hay ước mơ của bạn - lựa chọn nào mới là đúng ở ngã rẽ chông chênh của tuổi 18?

Hãy xem định hướng của bố mẹ là gợi ý phù hợp để có sự cân nhắc

Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Hoàng Thanh Hương, Công ty Cổ phần Giáo dục toàn cầu EEG, thực ra, bố mẹ nào cũng mong muốn đường đi của con mình được thuận lợi, trơn tru hơn, ít vất vả hơn. Việc bố mẹ luôn muốn con bước trên con đường mà mình định hướng, nghĩ theo hướng tích cực, đây là các bậc phụ huynh quan tâm đến các con nhiều hơn, hỗ trợ định hướng, dẫn lối mở đường cho các con nhiều hơn.

Khi định hướng của bố mẹ không trùng với nghề nghiệp mà con mong muốn, theo chị Thanh Hương, các bạn trẻ nên hiểu rằng, những định hướng của bố mẹ chưa chắc hẳn đã sai và những sự lựa chọn của cá nhân các bạn cũng chưa hẳn đã đúng.

Thay vì khẳng khái quyết định theo sở thích của bản thân mình, các em nên dành thời gian để cân nhắc, để suy nghĩ một cách thấu đáo, phân tích rõ ràng về ngành nghề mà bố mẹ đang lựa chọn cho mình. Đừng vội quy chụp việc bố mẹ đang định hướng cho mình là áp đặt, hãy coi đó là một sự gợi ý phù hợp cho bản thân mình và phù hợp với nhu cầu của xã hội để từ đó có cái nhìn thấu đáo hơn cho những lựa chọn của mình.

“Việc được bố mẹ quan tâm cũng đồng nghĩa với việc bạn đang có lợi thế, có thêm một quân sư, một người dẫn lối mở đường. Chính vì vậy, bạn cũng nên cân nhắc để có sự cư xử, ứng xử, ngôn từ phù hợp hơn với bố mẹ của mình”, chị Thanh Hương có lời khuyên dành cho những bạn trẻ có thái độ gay gắt với bố mẹ.

Trong trường hợp, sau khi đã cân nhắc các yếu tố và vẫn cảm thấy là mình nên đi theo con đường mà mình đã chọn, làm gì để thuyết phục bố mẹ? Theo chị Thanh Hương, đầu tiên các bạn nên dành thời gian tìm hiểu nghiêm túc về ngành nghề mà bố mẹ lựa chọn cho bạn, chia sẻ với bố mẹ về những khó khăn, những thách thức mà bạn có thể gặp phải nếu đi theo ngành nghề đó. Các bạn cũng chia sẻ về khả năng của bản thân mình như thế nào, về đam mê của mình như thế nào? Nếu theo một công việc mà không có đam mê thì việc lĩnh hội sẽ ra sao? “Khi mà bạn nghiêm túc với những định hướng của bố mẹ thì bố mẹ cũng sẽ nghiêm túc lắng nghe bạn”.

Khi thuyết phục bố mẹ, bạn nên có kế hoạch rõ ràng và cụ thể. Hãy nêu rõ lý do vì sao bạn lựa chọn nghề nghiệp này. Để lựa chọn nghề nghiệp, thông thường các bạn trẻ dựa trên ba yếu tố. Thứ nhất là sở thích. Thứ hai là sở trường. Thứ ba là nhu cầu của xã hội. Bạn thích nhảy, bạn thích vẽ tranh nhưng có đảm bảo bạn giỏi nhất về lĩnh vực này không và quan trọng phải so sánh với xã hội bên ngoài. Nếu theo đuổi công việc đó liệu bạn có tiến xa được hay không? Hãy cố gắng tìm câu trả lời cho những câu hỏi này để việc trao đổi với bố mẹ về nguyện vọng của mình có tính thuyết phục. Biết đâu lúc đấy bố mẹ lại thay đổi suy nghĩ và nhận ra rằng, đó mới là con đường thực sự mà bạn nên đi.

“Khi bố mẹ đã nhìn thấy sự trưởng thành của bạn, điều này đồng nghĩa với việc bố mẹ sẽ hỗ trợ bạn thay vì việc dắt bạn luôn luôn phải đi theo con đường của bố mẹ”.

Có được sự đồng hành của bố mẹ trong hành trình trưởng thành của bản thân, đó là cách giúp bạn trưởng thành nhanh hơn. Vì vậy, bạn hãy suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ để làm sao những suy tư, lo lắng của bố mẹ biến mất mà thay vào đó là sự tự hào của bố mẹ dành cho chúng ta.

Kỳ thi quan trọng không còn xa nữa, hy vọng rằng các bạn sẽ tìm được tiếng nói chung với bố mẹ để thấy rằng bố mẹ không phải là người áp đặt mà là người đồng hành tiếp sức cho bạn.

Nghe tư vấn của chuyên gia giáo dục Nguyễn Hoàng Thanh Hương: