Mỗi dịp hè đến, việc tìm sân chơi cho trẻ để các em có một kỳ nghỉ hè bổ ích, lý thú luôn là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm, đặc biệt ở các đô thị, thành phố lớn. Nắm bắt được nhu cầu này, trong vài năm trở lại đây, các khóa học kỹ năng, mô hình trại hè phát triển rầm rộ với các hình thức đa dạng như trại hè Tiếng Anh, trại hè quân đội, trại hè giao lưu nghệ thuật, khởi nghiệp….

Với góc nhìn nghiên cứu xã hội học, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, trường ĐH Giáo dục – Đại học Quốc gia HN cho rằng, việc nở rộ các khóa học kỹ năng sống, trại hè dành cho trẻ là một xu hướng, nhu cầu phát triển của xã hội. Khi đời sống kinh tế tốt hơn, cha mẹ có điều kiện để đầu tư cho con nhiều hơn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh công nghệ nền tảng số phát triển, khi trẻ được nghỉ học ở nhà, các bậc phụ huynh cũng lo lắng thế giới công nghệ đang trở thành một môi trường rất nguy hiểm, nếu không có sự hỗ trợ hay sự giám sát của nhà trường hay cha mẹ. “Cho nên việc cho con tham gia những khóa học kỹ năng, trại hè cũng là một giải pháp tình thế để giúp bố mẹ yên tâm hơn, không phải vướng bận nhiều lắm đến chuyện con cái. Và đây chính là tâm lý rất dễ bị những cá nhân tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống hoặc trại hè dựa vào để trục lợi.”- PGS.TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, nhìn ở khía cạnh tích cực, những khóa học kỹ năng, mô hình trại hè trải nghiệm này rất cần thiết và có tác động thiết thực tới việc giáo dục trẻ: “Tôi nghĩ những khóa học này nếu được tổ chức tốt, bài bản và khoa học thì sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc hình thành, phát triển cũng như là rèn luyện kỹ năng cho các em, bù đắp lại những gì còn thiếu hụt trong quá trình học tập ở nhà trường.”

Theo khảo sát của phóng viên VOV2, các khóa học kỹ năng dịp hè dành cho thiếu nhi hay các mô hình trại hè trải nghiệm được mở ra với đủ các hình thức như học kì quân đội, trại hè quốc tế, khóa tu trong chùa, trại hè nghệ thuật… với mức giá cũng vô cùng linh hoạt. Tại Cung thiếu nhi Hà Nội, các câu lạc bộ võ thuật, aerobic, cờ tướng, vẽ, thời trang… với mức phí dao động từ 50.000 đồng – 100.000 đồng/buổi, lớp nâng cao sẽ có giá cao hơn khoảng gần 200.000 đồng/buổi. Trong khi đó, với các trại hè do các trường tư thục, trường quốc tế hay trung tâm giáo dục tổ chức, đặc biệt là các khóa học dài ngày bao gồm cả ăn ở thì mức phí cao hơn rất nhiều. Ví dụ, một khóa trải nghiệm cuộc sống và văn hóa làng quê dành cho trẻ có giá từ 4.000.000 đồng (3 ngày 2 đêm) tới 13.000.000 đồng (15 ngày 14 đêm), trại hè kỹ năng, hướng nghiệp tổ chức ở Đồ Sơn, Hải Phòng trong 10 ngày có giá 12.800.000 đồng. Còn đối với các trại hè quốc tế ở Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Mỹ thì giá có thể từ 20 triệu đồng cho tới hơn 100 triệu đồng.

Mặc dù có giá tiền triệu nhưng không phải trại hè nào cũng “đáng tiền”, có nơi khâu tổ chức xuề xòa, lộn xộn, chương trình thiếu thực tế, không chặt chẽ, gây thất vọng và mệt mỏi cho trẻ. Giữa muôn hình vạn trạng các trại hè, không ít phụ huynh bị “ngợp” và lúng túng không biết làm cách nào để lựa chọn một trại hè chất lượng và phù hợp với con mình. Vậy làm thế nào để các bậc phụ huynh nhận diện được một mô hình tốt? PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, đây là một câu hỏi khó, bởi nhiều cơ sở sử dụng chiêu trò để thu hút. Bản thân ông cũng từng là nạn nhân bị lợi dụng: “Thậm chí tôi đã từng nhìn thấy tên và ảnh của mình được gắn để quảng cáo trong một vài khóa đào tạo kỹ năng trong khi mình chẳng liên quan và cũng không được xin phép gì cả” - PGS.TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ.

Để nhận diện những chương trình có chất lượng, vị chuyên gia này đưa ra những thông tin để tham khảo: “Các bậc phụ huynh khi lựa chọn cho con em mình cần chọn các khóa học kỹ năng sống hay chương trình do những đơn vị có tư cách pháp nhân. Đó là những tổ chức giáo dục đã hoạt động lâu dài ở Việt Nam, có uy tín. Thứ hai là nội dung, chương trình của khóa học. Thứ ba là chúng ta tham khảo đánh giá chất lượng các khóa trước. Tất nhiên tôi vẫn nói đó chỉ là những thông tin chúng ta có thể tìm hiểu thôi”.

Tiêu chí quan trọng nhất được các chuyên gia khuyến cáo là an toàn và có tính giáo dục cao. Nhưng thực tế, các hoạt động tổ chức trại hè, khóa trải nghiệm cho trẻ nhiều khi được coi là hoạt động tự phát của một nhóm, nhiều cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này mà chưa có sự giám sát nào. Do đó, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, cần xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn quy định cụ thể, chặt chẽ đối với các cơ sở tổ chức các hoạt động này. “Chúng ta cần có những “bộ lọc”, bên cạnh việc giám sát của cơ quan chức năng nhà nước, chúng ta cần có sự giám sát chuyên môn của các Hiệp hội nghề nghiệp. Nhưng mấu chốt vẫn phải có bộ tiêu chuẩn là căn cứ để giám sát mới biết là họ có vi phạm hay không. ”

Trẻ em là tương lai của đất nước, chăm lo cho thế hệ trẻ chính là vun đắp cho sự vững mạnh của đất nước. Cùng với việc giáo dục về kiến thức thì việc hình thành, bồi đắp những kỹ năng mềm cho trẻ không thể coi là chuyện nhỏ, mà trái lại rất cần được quan tâm. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý rằng, các khóa học, trại hè không phải là “chìa khóa vạn năng” mở ra thành công cho trẻ, đó cũng không phải là “ngôi trường thứ hai” để buộc con cái phải có thành tích, phải học được gì đó khi trở về nhà. Vì thế, để con trẻ có được kỳ nghỉ hè bổ ích và lý thú, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu cặn kẽ, an toàn và phù hợp với trẻ là tiêu chí hàng đầu của bất kỳ khóa học, mô hình trại hè nào. Và điều quan trọng nữa chúng tôi muốn nhắn nhủ thêm rằng: Không nhất thiết phải đi đâu xa, chính mỗi gia đình cũng có thể là một trại hè, là sân chơi bổ ích không kém phần hấp dẫn. Trại hè tốt nhất với trẻ em là trại hè mà ở đó các em được trải nghiệm cùng những người thân yêu.

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: